Trong căn phòng xinh xắn với các hình vẽ ngộ nghĩnh, bé N.V (4 tuổi) đang tỉ mỉ ngồi xâu hạt cườm, hai mắt chăm chú chọn tìm những hạt có màu sắc ưng ý. Bên cạnh đó, một bạn khác lớn hơn đang ngồi trước bảng tập trung nhìn vào tâm đỏ của những vòng tròn đen trắng xen kẽ nhau. Những hình tròn này được đặt trực diện và quay tròn khiến cho mắt của bé phải hết sức tập trung mới bám sát được “hồng tâm”. Đó là những “học sinh” đang làm bài tập dành cho các bé bị nhược thị. “Các bài tập này giúp cho mắt bị nhược thị phải làm việc, tăng khả năng lao động, từ đó dần hồi phục thị lực”, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết.
Theo bác sĩ Thanh, người nhược thị (sức nhìn của mắt) biểu hiện bằng thị lực kém ở một hoặc hai bên mắt (thị lực dưới 7/10) dù đã chỉnh kính tốt nhất. Nhược thị còn là tình trạng chênh lệch thị lực giữa hai mắt, mà việc giảm thị lực này không kèm theo bệnh lý thực thể nào hoặc nếu có thì mức độ giảm thị lực đó không tương xứng với mức độ bệnh lý đi kèm. Các gia đình cần lưu ý các biểu hiện nhược thị để cho trẻ đi khám, điều trị sớm.
|
Có thể mất thị lực
Chị Thanh Xuân, mẹ của bé N.V cho biết, một thời gian khá dài V. xem tivi ở khoảng cách gần với vẻ rất cố gắng để thấy, chứ không ngồi xem ở tư thế thoải mái tự nhiên ở khoảng cách phù hợp được. Khi đưa bé đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội thì được bác sĩ cho biết bé bị loạn thị và nhược thị hai mắt. Thị lực chỉ đạt 5/10 và 6/10.
Còn anh Vũ Sơn, bố của cô con gái 9 tuổi nhà ở Hưng Yên cho biết, bé đi học về phàn nàn là nhìn khó. Khoảng 3 năm trước bé đã đi khám vì bị cận thị và nhược thị một mắt trái. Khi đó, bé được chỉnh kính và trong 3-4 tháng liên tục, gia đình trộn thóc lẫn gạo cho bé ngồi “nhặt thóc”. Sau đợt đó, mắt của bé khá hơn, rồi bỏ kính. Nhưng lần khám này cho thấy mắt trái thị lực rất kém. “Nếu nhược thị lâu ngày không điều trị dần dần sẽ mất thị lực”, bác sĩ Thanh lưu ý.
Nhược thị ở trẻ do một số nguyên nhân: lác, do bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc lệch khúc xạ); do các bệnh ở mắt như đục thủy tinh thể bẩm sinh. Phẫu thuật không thể điều trị nhược thị, vì thế cần phát hiện, điều trị sớm để đạt được hiệu quả tốt nhất. Hiệu quả nhất là trước 7 tuổi, sau thời điểm này xác suất thành công thấp hơn nhiều. Trẻ bị nhược thị cần tập luyện kiên trì, thông thường tập khoảng 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày, mỗi ngày 1 giờ.
Liên Châu
Bình luận (0)