Mấy ngày qua, thể thao Việt Nam liên tục "đón bão". Ngày 20.8, giải karate năng khiếu trẻ TP.HCM rộ lên nghi vấn một VĐV trẻ của đoàn karate quận Tân Bình bị lãnh đạo đoàn ép phải bỏ cuộc để nhường huy chương cho đoàn karate quận Bình Thạnh.
Theo lời kể của người thân VĐV trẻ này, em bị tước quyền thi đấu trận chung kết với lý do chấn thương, dù hoàn toàn khỏe mạnh. Khi người nhà khiếu nại, lãnh đạo đoàn karate quận Tân Bình khẳng định do phía đội karate quận Bình Thạnh ít huy chương, nên họ "xin" huy chương, và phía quận Tân Bình đồng ý "nhường" đối thủ. Bởi vậy mà VĐV trẻ của đoàn này không được đánh chung kết.
Sau đó, người thân của VĐV trẻ khẳng định, dù em được tham gia chung kết, nhưng bị xử ép, buộc phải thua đối thủ.
Sự việc nói trên gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. Đại diện Sở VH-TT TP.HCM khẳng định đang xác minh thông tin, điều tra theo phản ánh của người nhà VĐV và báo chí, trước khi đánh giá thực hư.
Nếu những gì được phản ánh trong những ngày qua là đúng, đó sẽ lại là một dấu lặng buồn cho thể thao Việt Nam. Thậm chí, vấn đề ấy cũng đáng lưu tâm chẳng kém thất bại toàn diện của đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo.
Bởi lẽ nếu cái thua của các VĐV tại Paris là thất bại trên khía cạnh thành tích. Thì sự việc nổi cộm ở giải karate, nếu có thật, sẽ là cái thua về những giá trị thuần khiết nhất mà thể thao phải có. Đó là sự trung thực, tinh thần cao thượng và cống hiến.
Ta sẽ dạy gì cho một đứa trẻ, hay một VĐV trẻ, khi để chúng phải nhường chiến thắng cho đối thủ nhằm phục vụ mục đích "gì đó" của những người lớn. Những VĐV trẻ sẽ nghĩ gì, nếu công sức tập luyện cả năm trời, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đổ xuống, nhưng thành quả thu lại chỉ là giọt nước mắt đắng ngắt.
Giám định độc lập vụ phụ huynh tố cáo sai phạm ở giải karate TP.HCM
Thể thao không thuần túy là chỉ để kiếm thành tích. Mà điều làm nên vị thế cho thể thao nằm ở tính chất cạnh tranh trung thực và sòng phẳng. Mất đi sự trung thực, thành tích trong thể thao chỉ còn "cái thùng rỗng", chứa những con số làm đẹp báo cáo cho những nhà quản lý.
Mà bao lâu nay, thể thao Việt Nam đã chứng kiến bao nhiêu sự việc đau lòng như vậy? Từ những bữa ăn bị cắt xén, đến một chuyên gia ngoại cống hiến chục năm cho bộ môn, đào tạo nên bao nhiêu VĐV giỏi, để rồi bị "ghẻ lạnh" trong lễ vinh danh, hay những nỗi niềm đau đớn không tên mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Thể thao không thể chỉ cần lớp áo ngoài, mà còn phải có thực chất bên trong. Cái thực chất ấy là nỗ lực vượt lên chính mình, không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn hoàn thiện để tiến bộ mỗi ngày.
Nếu những người làm thể thao chỉ quan tâm đến cái hào nhoáng bên ngoài, thì hãy nhớ: chiếc áo không làm nên người thầy tu.
Mà nói đến chuyện "bề ngoài", mới đây, một đội thể thao đã bị trang tin nước ngoài "tố" đạo nhái, lấy ý tưởng thiết kế trên sản phẩm mới ra mắt. Lại một câu chuyện mà khi nghe xong, người hâm mộ chỉ biết ngán ngẩm.
Tinh thần cao đẹp của thể thao là trung thực và cao thượng. Nhưng có những cá nhân, tập thể đã lấy đi của thể thao những giá trị cao đẹp nhất!
Bình luận (0)