Một chuyên gia phát triển thương hiệu cà phê của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiết lộ, tiền thuê mặt bằng cho Starbucks ở khách sạn New World, TP.HCM không dưới 15.000 USD/tháng. Như vậy, mỗi ngày, tiệm cà phê này phải bán đến con số ngàn ly mới nói tới chuyện lãi. Thông tin từ McDonald’s cho biết, tổng vốn đầu tư (phí chuyển nhượng, thuê mặt bằng, thiết bị, trang trí nội thất) cho mỗi cửa hàng McDonald’s vào khoảng 214.000 - 2,1 triệu USD. Trước đó, thương hiệu fastfood Burger King (Mỹ) từng chấp nhận thuê lại mặt bằng của KFC ở Q.7 với giá 10.000 USD/tháng, cao hơn gần 20% mức giá KFC trả cho chủ cũ trước đó.
|
Với những con số đầu tư chỉ mang tính khởi điểm trên, chuyên gia tư vấn thương hiệu Robert Trần cho rằng: “Khó để tính đến hiệu quả chỉ trong vài năm đầu. Theo tôi được biết, những chuỗi cửa hàng fastfood mở rầm rộ ở các khu vực không phải trung tâm đang kinh doanh không hiệu quả”.
Tiền thuê mặt bằng chính là khó khăn lớn nhất đối với các nhà kinh doanh nhượng quyền nội địa trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Anh N.T.Tài, người chuyên môi giới cho thuê những mặt bằng đắc địa ở khu vực Q.1, cho biết: “Cái khó cho người kinh doanh là nhiều chủ nhà chỉ chấp nhận làm hợp đồng cho thuê mặt bằng trong một năm, trong khi kinh doanh ẩm thực một năm chưa thể có lãi được”.
Ông Lý Quí Trung (người sáng lập thương hiệu Phở 24) từng chia sẻ, kinh doanh nhượng quyền ẩm thực ở VN khó khăn một phần do tiền thuê mặt bằng tăng cao vô tội vạ. “Khách hàng chỉ mới biết đến và làm quen trong thời gian ngắn, một số cửa tiệm đã phải đóng cửa do chủ nhà tăng tiền thuê, lấy lại mặt bằng cho người khác thuê với giá tốt hơn”, ông Trung nói. Trong lịch sử kinh doanh của mình, Phở 24 từng chấp nhận đóng cửa tiệm khi mới có khách ổn định, mà lý do không gì khác ngoài giá cho thuê mặt bằng tăng đột ngột một cách vô lý.
Theo các chuyên gia thương hiệu, 5 yếu tố quan trọng giúp hệ thống kinh doanh franchise thành công là: Bản sắc thương hiệu, vị trí, tiếp thị, quản lý có hệ thống và chiến lược dài hạn. Trong đó, chi phí cho vị trí và tiếp thị liên quan đến tài chính, yếu tố mà doanh nghiệp nội khó đấu nổi với nhà đầu tư ngoại. Như vậy, 3 yếu tố còn lại mà doanh nghiệp nội địa cần tranh thủ là bản sắc thương hiệu, quản lý có hệ thống và chiến lược dài hạn.
Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia thương hiệu đều cho rằng, doanh nghiệp Việt còn yếu trong quản lý mang tính hệ thống. Nhưng điều này không phải quá khó để khắc phục. Ngược lại, lợi thế của các DN nội là người tiêu dùng Việt ngày nay đã khôn ngoan hơn khi họ tìm đến những sản phẩm ngon, chất lượng, giá tốt mà không quá khắt khe xuất xứ. Quan trọng hơn, những thương hiệu ẩm thực Việt đã có tên tuổi và đã được người tiêu dùng đón nhận lâu nay, nhà kinh doanh nên tận dụng để có chiến lược đánh mạnh vào tâm lý “ưu tiên hàng nội” của người Việt nhằm giành lợi thế về mình trong cuộc chơi thiếu cân xứng này.
Nguyên Nga
>> ACE Life ứng dụng hỗ trợ kinh doanh trên thiết bị di động
>> Phải có giải pháp dẫn dắt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
>> Công bố 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất
>> Chấn chỉnh kinh doanh lữ hành
Bình luận (0)