Chiều 8.6, tại Lý Club (143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM), phóng viên ảnh Nick Út (Hãng thông tấn AP, Mỹ) kết hợp với Quỹ Hiểu về trái tim của diễn viên Chi Bảo đã tổ chức bán đấu giá 5 tác phẩm nhiếp ảnh để làm từ thiện.
Nick Út bên tác phẩm Em bé Napalm tại buổi đấu giá - Ảnh: Hà Đình Nguyên
|
Nick Út và những người bạn
Nick Út định cư ở Mỹ từ năm 1975, nhưng ông đã về VN rất nhiều lần để cùng với các đồng nghiệp VN săn ảnh, nhất là trở lại những chiến trường xưa, nay đã thay da đổi thịt từng ngày.
Rất đông văn nghệ sĩ, nhà báo và doanh nhân đã đến chia sẻ, ủng hộ Nick Út và diễn viên Chi Bảo khi cả hai cùng tổ chức buổi bán đấu giá ảnh mang tên Nick Út và những người bạn, doanh thu từ buổi đấu giá này sẽ được sung vào Quỹ Hiểu về trái tim của Chi Bảo (giúp đỡ trẻ em nghèo, cơ nhỡ, neo đơn; phẫu thuật tim cho trẻ em). Phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn và diễn viên Trương Ngọc Ánh làm MC dẫn dắt chương trình.
Bức ảnh Em bé chăn trâu
Trong 5 tác phẩm nhiếp ảnh của Nick Út được đưa ra bán đấu giá, ngoài điểm nhấn là bức ảnh Em bé Napalm còn có 4 bức khác chụp ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau: Bức Em bé chăn trâu chụp trong lần về thăm VN, ông cùng các đồng nghiệp đi săn ảnh ở vùng sông nước gần biên giới Campuchia. Nhìn ảnh, người xem dễ liên tưởng đến cảnh trong phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Một chú bé ngồi trên lưng trâu và làm động tác uốn người nhào lộn xuống nước. Tư thế của chú bé chỉ diễn ra trong tích tắc, và “nhiếp ảnh gia bậc thầy” Nick Út đã chộp ngay được cái khoảnh khắc đó, trong khi các đồng nghiệp cùng đi... bó tay!
Bức Siêu trăng chụp khoảnh khắc một phi cơ bay ngang qua mặt trăng, cho ta cái cảm giác là máy bay đã bay vào quỹ đạo của mặt trăng. Bức Chạy loạn chụp một gia đình gồm hai vợ chồng và 5 đứa con đèo nhau trên chiếc Honda 67 vượt khỏi vùng chiến sự tại An Lộc (Bình Long) năm 1972. Cuối cùng là bức Hai chị em chụp cảnh sinh hoạt đời thường của hai cụ già người dân tộc là chị em ruột ở Đà Lạt.
AP triển lãm ảnh chiến tranh VN ở cùng lúc 3 nơi trên thế giới
Bức Chạy loạn
Hãng thông tấn AP (Associated Press) có lịch sử gần 170 năm (thành lập năm 1846, tại New York, Mỹ). Trong chiến tranh VN, Hãng thông tấn AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc đến văn phòng Sài Gòn và họ đã có những bức ảnh gây chấn động thế giới. 40 năm sau chiến tranh, AP đã tuyển chọn trong bộ sưu tập đồ sộ của mình ra 50 bức ảnh tiêu biểu về chiến tranh VN để in thành sách ảnh Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến. Đồng thời, AP cũng đồng loạt tổ chức triển lãm các bức ảnh trong sách ảnh này tại 3 địa điểm trên thế giới cùng một thời điểm.
Ở VN, triển lãm ảnh với chủ đề Chiến tranh VN qua ảnh của Hãng thông tấn AP tại Nhà triển lãm số 45 Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ ngày 12 - 26.6 (vào cửa miễn phí). Các cuộc triển lãm tương tự cũng sẽ diễn ra cùng lúc tại phòng tranh Steven Kasher (New York, Mỹ) và trụ sở chính của báo The Guardian (London, Anh).
Trong số ảnh triển lãm có bức chụp vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức (năm 1963) do Malcolm Browne chụp, bức Em bé Napalm của Nick Út. Hoặc bức ảnh chụp một người lính Mỹ đội mũ sắt, vành mũ có dòng chữ viết tay War is hell (Chiến tranh là địa ngục) do phóng viên chiến trường huyền thoại Horst Faas (người Đức, đoạt 2 giải Pulitzer) chụp, bức ảnh này được in trên thư mời dự triển lãm tại VN. Hoặc bức ảnh do Henri Huet (Pháp) chụp một bà mẹ VN đầu quấn khăn tang bên bầy con nhỏ mang ánh nhìn thảng thốt, kinh hoàng được ghi lại qua kẽ chân của một người lính Mỹ (chụp ở Bồng Sơn, tháng 10.1966).
Henri Huet có mẹ là người Việt, cha người Pháp. Ông có nhiều “duyên nợ” với Nick Út, do phát âm không được chữ “Huỳnh” (Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út) nên Henri đặt cái tên Nick Út cho người bạn trẻ của mình. Chính Henri đã thay chỗ cho Nick Út trong chuyến trực thăng định mệnh, bị rơi tại Lào ngày 10.2.1971. Henri Huet qua đời ở tuổi 43...
NICK ÚT VÀ BỨC ẢNH ĐỂ ĐỜI
Nick Út là cái tên không chỉ quen thuộc với giới nhiếp ảnh và công chúng VN, ông còn lừng danh thế giới khi đem về cho Hãng thông tấn AP một trong 6 giải Pulitzer danh giá trong thời kỳ chiến tranh VN; là người VN duy nhất (cho tới thời điểm này) đoạt giải Pulitzer.
Ông sinh năm 1951 tại Long An. 16 tuổi đã được Hãng AP (có văn phòng tại Sài Gòn) nhận vào làm thay chỗ cho người anh ruột là phóng viên Huỳnh Thanh Mỹ vừa tử nạn khi đang tác nghiệp ở một vùng chiến sự tại miền Tây Nam bộ. Thời điểm lịch sử để đưa cái tên Nick Út vang danh thế giới là lúc 12 giờ ngày 8.6.1972 (đúng 43 năm trước). Đây cũng là ngày Nick Út chọn bán đấu giá 5 tác phẩm làm từ thiện. Nick Út kể: “Tôi và các đồng nghiệp đứng trên đường lộ chụp cảnh máy bay ném bom xuống một ngôi làng thuộc Trảng Bàng (Tây Ninh). 12 giờ trưa, đường sá vắng tanh. Sau khi cột khói chỉ điểm màu vàng bay lên, máy bay thả xuống 4 trái bom. Thấy lửa cháy và khói đen bao trùm không gian, chúng tôi biết là họ vừa thả bom Napalm... Rồi người trong làng túa ra, chạy về phía chúng tôi, họ vừa chạy vừa la hét hoảng loạn. Tôi đã ghi vào ống kính một cô bé 9 tuổi trần truồng, em bị bỏng rộp hết phần tay chân, da lưng bị cháy hết, rồi tức tốc đưa em vào bệnh viện cấp cứu...”. Bức ảnh Em bé Napalm sau đó được trao giải Pulitzer năm 1973, rồi được Trường đại học Columbia (Mỹ) bình chọn và xếp hạng thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
|
Bình luận (0)