Niềm tin thổi qua miền khát vọng

Phạm Anh
Phạm Anh
05/12/2019 07:50 GMT+7

Nguyễn Tấn Sang, ở xã Đức Phú, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), nay 22 tuổi, mới học lớp 8 là nhân vật trong bài báo Viết giấc mơ bằng... chân của tôi.

Sang là niềm tự hào của những học sinh cùng trường. Trong các bài tập làm văn, các học sinh thường đưa hình ảnh của Sang làm hình mẫu. Điều gì đã khiến cho học sinh cảm phục một người khuyết tật, với đôi tay tàn phế?
Sang sinh ra bất hạnh, điều này hiển nhiên, nhưng lại có khát vọng về con chữ. Mẹ thấy Sang không viết được bằng tay, nhưng hằng ngày thấy con “luyện” chữ bằng chân, mồ hôi đẫm ướt. Rồi cái chữ viết bằng chân ấy ra đời, đánh dấu ý chí, đam mê của con. Vậy là bà Đỗ Thị Bé (mẹ Sang) có niềm tin lớn: con mình viết chữ được. Từ đó, bà Bé ròng rã đi xin cho con học, dù Sang phải ngồi trên chiếu, không ngồi học trên bàn như chúng bạn. Niềm tin ấy thổi vào khát vọng của Sang, giúp Sang tự tin hơn bởi “bên mình luôn có mẹ”.
Những ai chứng kiến cảnh hằng ngày, bà Bé tự tay thay đồ cho con mỗi bận đi học, về; đút từng miếng cơm cho con mình ăn, mới thấy được tấm lòng người mẹ. Ngoài người mẹ đặt niềm tin vào Sang, thì cô giáo ngày Sang vào lớp 1 - dù khi ấy Sang đã 16 tuổi - cũng có niềm tin về khát khao cháy bỏng vào cậu học trò khuyết tật. Những khi chữ khó viết, cô giáo lại cầm… chân Sang dẫn theo từng nét chữ, cho chân quen dần. Nhờ vậy, Sang đã có thể viết bất cứ điều gì, bây giờ. Sang kể rằng, trên lớp có một bạn gái. Những lời khuyên của bạn học đã cho Sang niềm tin vào cuộc sống, giúp Sang tự tin hơn vượt qua "cửa ải" con chữ, "cửa ải" cuộc sống này.
Sang, cậu học trò khuyết tật, tự viết cho đời mình giấc mơ - mà xung quanh - là những niềm tin, động lực từ người mẹ, cô giáo và bạn bè!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.