Niềm tự hào của buôn làng

03/12/2013 13:25 GMT+7

Già Hồ Văn Lô ở thôn Cleng, xã Nhâm (H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) không chỉ nổi tiếng làm ăn kinh tế giỏi mà còn có cái bụng tốt khi cưu mang nhiều đứa trẻ thiệt thòi.

Niềm tự hào của buôn làng
Mỗi năm, già Lô kiềm thêm vài chục triệu đồng từ việc đào ao nuôi cá - Ảnh: Tuyết Khoa

Gặp già Lô, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi sự “hiện đại” từ hình thức bên ngoài đến cách nói chuyện của ông. Năm nay đã 68 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài làm lụng, phát triển kinh tế. Từ đôi tay ông, những đồi núi xác xơ ngày nào giờ đã trở nên xanh tốt với diện tích hơn 10 ha cây keo, cây tràm…Trước nhà, ông đào những chiếc hồ lớn nuôi cá trắm, cá chép, cá rô phi…Không những làm giàu cho mình, ông còn vận động bà con làm kinh tế. Mấy năm gần đây, ông đầu tư nuôi ong lấy mật, từ mấy chục thùng đến vài trăm thùng. Mỗi năm, thu nhập từ cá và ong mật khoảng từ 120 - 150 triệu đồng. Ông trở thành gương điển hình làm kinh tế của địa phương, nhiều người đến hỏi ông kinh nghiệm nuôi ong mật để tăng thu nhập cho gia đình.

“Muốn có của ăn của để thì phải làm việc. Mới đầu cũng khó lắm, nuôi cá cá chết, nuôi ong thì cho mật ít. Mình phải tìm ra nguyên nhân để rút kinh nghiệm thì sẽ tốt hơn. Phải làm kinh tế, không thể để đói kém mãi được. Mà cái tính của tôi không thể ngồi yên, thích làm cái này cái nọ thôi”.

Khi đã có cái ăn, ông lại khuyến khích mọi người xây dựng đời sống văn hóa. Việc làm trước tiên là ông vận động bà con trong thôn bản phải cho con em đến trường kiếm con chữ. Nói là làm, đứa con trai duy nhất của ông được ăn học đến nơi đến chốn và hiên đang công tác tại Bệnh viện huyện A Lưới. Vì thế, cũng dễ hiểu lý do vì sao già Lô tiên phong tự nguyện hiến 500m2 đất và vận động nhiều gia đình khác hiến khi nghe chủ trương của huyện A Lưới vận động người dân hiến đất để xây dựng Trường Tiểu học xã Nhâm.

Đặc biệt, buôn làng vẫn chưa quên chuyện ông nhận nuôi 8 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn và mô côi trong xã và một số xã lân cận. “Ông Lô thương người lắm! Ông nhận nuôi mấy đứa trẻ mồ côi cách đây hơn 10 năm rồi. Bây giờ có những đứa đã có chồng có vợ và có việc cái việc mà làm rồi”, ông Hồ Văn Ninh, hàng xóm già Lô cho biết.

Chia sẻ về điều này, ông thật thà: “Được một đứa con trai đi học xa, hai vợ chồng thui thủi với nhau trong căn nhà rộng cũng buồn. Có mấy đứa trẻ trong nhà cũng vui lắm”.

Anh Hồ Văn Xôn, 25 tuổi, một trong những người được ông Lô cưu mang cho biết, ba mẹ mất sớm, mấy anh chị em phải nương nhờ vào bà con. Anh Xôn được ông Lô cưu mang 8 năm, đến khi lớn thì về nhà để lấy vợ và nuôi em. “Tôi và cha Lô sống cùng thôn bản. Lớn lên tôi về nhà và có vợ con. Nhưng tôi vẫn thường về nhà cha Lô chơi. Ngày đó, nghèo lắm, đói lắm may có cha Lô cho về nhà ăn ở và đùm bọc” anh Xôn bồi hồi kể lại.

Thôn Cleng giờ đã thay da đổi thịt bởi những ngôi nhà kiên cố, khang trang, bao quanh những rừng keo, rừng tràm xanh tốt, chờ thu hoạch. Song, những ngày khốn khó ngày xưa, cái thời già Lô cùng mọi người trồng từng cây trên đồi trọc, gieo trồng những hạt lúa nước đầu tiên…vẫn còn in đậm trong tâm trí cộng đồng người Tà Ôi nơi đây.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.