Niềm vui sáng tạo: Cha đẻ của thiết bị đọc não người

23/02/2015 05:40 GMT+7

(TN Xuân) Nhà sản xuất bộ phim Avatar nổi tiếng đã sử dụng thiết bị đọc não người Emotiv EPOC của Hãng Emotiv Systems để đo cảm xúc người xem trước khi chính thức công chiếu.

(TN Xuân) Nhà sản xuất bộ phim Avatar nổi tiếng đã sử dụng thiết bị đọc não người Emotiv EPOC của Hãng Emotiv Systems để đo cảm xúc người xem trước khi chính thức công chiếu.

Niềm vui sáng tạo: Cha đẻ của thiết bị đọc não ngườiĐỗ Hoài Nam - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ít ai biết, cha đẻ của thiết bị đọc não người này là một người Việt trẻ tuổi: Đỗ Hoài Nam (Nam Do), nhà sáng lập Hãng Emotiv Systems và hiện là Hãng Seespace ở Mỹ.
Máy tính phải hiểu cảm xúc con người
Đỗ Hoài Nam (38 tuổi), từng là học sinh chuyên vật lý của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Sang Úc du học theo chương trình học bổng dành cho những sinh viên có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo của chính phủ Úc từ năm 1995, đến năm 1999, cùng với một người bạn gốc Việt, Nam đã lập Công ty SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các tập đoàn viễn thông lớn của Úc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. 4 năm sau, công ty của hai người Việt trẻ này đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất nước Úc trong lĩnh vực cung cấp công nghệ truyền tin. Tuy nhiên, sau đó họ quyết định bán công ty và bắt đầu thực hiện giấc mơ “mang tính đột phá về công nghệ, giúp việc giao tiếp giữa máy móc và con người ngày mỗi gần hơn”, Nam nhớ lại.
Ý tưởng này đến trong một dịp được tiếp xúc với nhà khoa học nổi tiếng thế giới, Giáo sư Allan Snyder, người có nhiều phát minh, khám phá quan trọng liên quan đến não bộ con người và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Nam mong muốn: “Làm thế nào để máy tính không chỉ hiểu những câu lệnh khô khan mà phải hiểu được cảm xúc của con người. Đó là nhiệm vụ của khoa học”. Và Emotiv Systems ra đời năm 2003.
Tuy nhiên, phải mất 5 năm nghiên cứu và sản xuất, đến năm 2008, bộ đọc não người do Nam là đồng tác giả mới hoàn chỉnh và chính thức trình làng khoa học thế giới. Cũng trong năm đó, Trường Kinh doanh Harvard đã đưa sản phẩm vào giảng dạy trong chương trình MBA và Nam được mời tham gia giảng dạy. Emotiv EPOC được tung ra thị trường thế giới từ năm 2009. Tuy nhiên, từ năm 2007, với cương vị tổng giám đốc công ty, Nam đã được xếp vào top 10 doanh nhân kỹ thuật số lớn nhất nước Úc với trị giá công ty vọt lên đến hàng trăm triệu AUD. Đã có hơn 20.000 doanh nghiệp trên thế giới trở thành khách hàng của Emotiv Systems từ 5 năm nay. Nam cho biết: “Doanh thu trong năm đó lên đến 10 triệu USD. Đến nay, gần như 100% các trung tâm nghiên cứu về não bộ trên thế giới từ các trường đại học như Harvard, Lomonosov, các hãng chế tạo máy bay Boeing, Lockheed Martin, các hãng phim lớn thế giới như Hollywood đều đang sử dụng sản phẩm của Emotiv Systems”.
Cuộc cách mạng cho chiếc ti vi
Tuy nhiên, năm 2012, đang trong “hào quang” của Emotiv, Nam đột ngột tuyên bố rời ghế tổng giám đốc công ty, vẫn giữ vị trí trong hội đồng quản trị, để tiến hành lập một công ty mới khác.
“Đã làm công nghệ là phải luôn có phát kiến, phải sáng tạo liên tục và sáng tạo đó phải đi trước thời đại”, Nam bộc bạch. Công ty Seespace ở Mỹ được thành lập và Nam giữ chức vụ tổng giám đốc, tiếp tục gây sự chú ý của làng công nghệ thế giới khi cho ra đời thiết bị InAir, khai thác không gian đằng trước ti vi, kết nối giữa màn hình ti vi với người xem.
Nam bộc bạch: “Sau khi công nghệ internet phát triển, chúng ta có thói quen vừa ngồi xem ti vi, vừa bấm điện thoại lướt mạng. InAir ra đời giúp người xem có thể khai thác nhiều lớp thông tin khác dựa trên nội dung mà ti vi đang phát. Chẳng hạn, khi xem tin về động đất ở Nhật Bản, muốn biết sâu hơn về thông tin hoặc về các trận động đất trước đó để so sánh, thiệt hại, dư chấn, ảnh hưởng xung quanh, thế giới đang nhìn về trận thiên tai này thế nào, nếu đã sử dụng thiết bị InAir, người xem có thể dùng chiếc điều khiển để bấm tìm hiểu sâu hơn thông tin ngay trên màn hình ti vi”.
“Công nghệ nào rồi cũng chỉ tối ưu tại một thời điểm. Đó cũng là quy luật phát triển của loài người. Đã đến lúc phải thay đổi công năng của chiếc ti vi, công nghệ đã có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ rồi. Tôi tin sản phẩm sẽ là một cuộc cách mạng cho chiếc ti vi và sẽ phổ biến trong vòng 1 - 2 năm tới”, Nam tự tin khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.