Niêm yết giá bằng ngoại tệ tái diễn

29/09/2011 19:48 GMT+7

Liên tục những vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ bị phát hiện khiến mối lo ngại tình trạng "đô la hóa" lại dấy lên trong dịp cuối năm.

Chỉ trong ngày 27.9, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) - Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện 3 vụ vi phạm về niêm yết giá bằng ngoại tệ tại cửa hàng số 54 Đông Du (Q.1), đội 3A phát hiện tại đây niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ; kiểm tra Spa Hoàng Đế (số 301/63 Đông Du, Q.1), đội 3A đã lập biên bản vì phát hiện hàng chục ký tờ rơi niêm yết giá các dịch vụ bằng USD.

Kiểm tra sổ sách, tổ công tác còn phát hiện việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng thể hiện bằng ngoại tệ. Cùng ngày, đội 3A kiểm tra khách sạn Chancery Saigon (196 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) phát hiện, lập biên bản vi phạm vì hàng lưu niệm bán bên trong khách sạn này niêm yết giá bằng ngoại tệ. Trước đó, hàng loạt vụ vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng đã được phát hiện và xử lý.

Đại diện Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, các đội đã lập biên bản 60 vụ vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ. Vi phạm thường là dịch vụ du lịch, cho thuê phòng, trang điểm, chăm sóc da, gội đầu, bán hàng lưu niệm, mỹ phẩm… Theo đề xuất của Chi cục QLTT TP, UBND TP đã liên tiếp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực niêm yết giá đối với các đơn vị vi phạm. Nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển.

Theo luật sư Trần Hải Đức - trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Á châu, thực trạng “đô la hóa” trong các quan hệ giao dịch là đáng báo động. Phổ biến nhất là việc nêm yết giá bằng ngoại tệ (hoặc song song với tiền VND). Thực trạng này do tâm lý hướng ngoại, muốn niêm yết giá bằng ngoại tệ cho “sang”. Mặt khác, yếu tố lạm phát, trượt giá của VND so với ngoại tệ, nên nhà kinh doanh muốn bảo toàn vốn.

TS Nguyễn Thị Thủy, Trưởng bộ môn Luật Tài chính ngân hàng - Khoa Luật thương mại - ĐH Luật TP.HCM, phân tích sở dĩ các chủ thể lựa chọn cách thức niêm yết giá bằng ngoại tệ là để tránh tình trạng lỗ do đồng bản tệ mất giá. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì đồng bản tệ của một quốc gia vừa thể hiện chủ quyền vừa là thước đo giá trị của nền kinh tế. Khi đồng bản tệ bị hạn chế trong giao dịch thì nhà nước sẽ không kiểm soát được nền kinh tế. Nếu hiện tượng này diễn ra phổ biến sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Cũng theo TS Thủy, tình trạng này sẽ còn phổ biến vì 3 lý do cơ bản: đồng Việt Nam không ổn định; tỷ lệ nhập siêu vẫn lớn và ý thức của người dân VN về vấn đề này còn rất hạn chế. Họ chưa hình dung rõ tác hại đối với nền kinh tế. Dù biết tác hại của việc niêm yết giá bằng ngoại tệ nhưng tùy theo lợi ích mà đối tượng cân đối. Ví dụ, một dự án bất động sản nếu hợp đồng giao dịch bằng ngoại tệ, khi tỷ giá ngoại tệ tăng thì đối tượng được lợi rất nhiều, họ sẵn sàng vi phạm và chấp nhận phạt.

Một hình thức “lách luật” rất phổ biến hiện nay là niêm yết giá song song nội tệ và ngoại tệ, hoặc bằng tiền VND và mở ngoặc niêm yết thêm bằng ngoại tệ đã “lọt lưới” các đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, TS Thủy cho biết như vậy là sai, vì bắt đầu từ tháng 10.2010 đến nay NHNN VN có quy định cấm hẳn, không cho phép niêm yết giá có yếu tố ngoại tệ nên các hình thức “lách” nêu trên đều là vi phạm pháp luật VN.

Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.