Nín thở với môi trường nông thôn

09/04/2013 10:10 GMT+7

Về nhiều vùng nông thôn hiện nay, tình trạng rác thải không được thu gom, việc giết mổ gia cầm, gia súc ngay trong các khu dân cư, sử dụng phân gia cầm tự phát, chất thải từ hoá chất trừ sâu, trừ cỏ không được xử lý... đang tạo ra vấn nạn về môi trường đáng lo ngại.

Có lẽ vì vậy, tiêu chí về môi trường trở nên khó khăn đối với các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chăn nuôi, giết mổ trong khu dân cư

Ở nhiều xã thuộc khu vực phía bắc H.Điện Bàn (Quảng Nam), nhiều làng xóm, thôn có đến 5-7 hộ kinh doanh lò mổ gia súc, gia cầm ngay trong khu dân cư đông đúc, không có hệ thống xử lý chất thải và nước thải hoạt động từ  nửa khuya đến sáng. Người dân phản ảnh, các cán bộ thú y chỉ đến đóng dấu vệ sinh an toàn thực phẩm trên thịt, nhưng an toàn về môi trường thì không ai có trách nhiệm cả. Nhiều thôn, có đến hàng chục hộ chăn nuôi chim cuốc bốc mùi nồng nặc sang nhiều hộ chung quanh. Tại một thôn khác, bà con địa phương cho biết có đến 3 trại chăn nuôi gà tập trung, trước đây vốn cách biệt với các hộ gia đình, nhưng nay địa phương mở rộng khu dân cư nên không còn thích hợp nữa. Nước thải, phân từ các trại này đổ ra ruộng lúa và cả các khu vực thiêng liêng như mồ mả của nhiều gia đình do không đầu tư xử lý triệt để. Bên các trại chăn nuôi lại phát sinh thêm nghề phơi phân đem bán, càng tạo ra mùi hôi thối kinh hoàng và ruồi nhặng phát triển đến đáng lo sợ. Nhiều gia đình gần đó, khi tổ chức giỗ, cưới, thường phải thuê người bơm hoá chất tốn hơn cả trăm ngàn đồng trước đó, nhưng không thể khử hết được cả ruồi lẫn mùi hôi. PV từng chứng kiến đám cưới tại một gia đình ở phía đông TT.Vĩnh Điện; gia đình này nằm giữa cánh đồng lúa được bón phân gà, phân cuốc nên các mâm cỗ đầy ruồi nhặng bu bám, khiến khách hãi hùng, còn chủ tiệc thì thẹn thùng giải thích ngày trước đó đã xử lý mà vẫn không sạch nổi.

Giải thích về tình trạng này, nhiều cán bộ địa phương cho hay, do quan hệ bà con lẫn nhau nên rất khó xử lý. Nhiều cán bộ cấp cơ sở, do thu nhập từ lương hoặc phụ cấp quá thấp, cũng tranh thủ xây chuồng trại chăn nuôi trong vườn, nên khó có ý kiến gì với các hộ dân khác. “Cũng vì sinh kế của bà con cả, anh ơi!”, một cán bộ cấp thôn giải thích.

Nín thở với môi trường nông thôn
Dòng sông chết Thanh Quýt - Ảnh: T.Đ.T

Rác thải làm tắc các dòng sông

Dòng sông Thanh Quýt chạy từ làng Phong Lục đến xã Điện Ngọc ở phía đông, vốn được nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái viết trong một bài hát: “Dòng sông tắm mát đời tôi…” nay không còn ai có thể tắm được, kể cả trâu bò vì tình trạng ô nhiễm từ rác thải của người dân các thôn dọc hai bên bờ sông này thải ra, kể cả súc vật chết, giường chiếu, quần áo cũ và bao ny lon. Tương tự, trên con kênh thuỷ lợi từ trạm bơm Đông Quang dẫn nước về các xã bắc Điện Bàn là một dòng kênh rác mỗi khi không có nước đổ về. Nào là túi ny lon đựng phân và xác súc vật, chai lọ, bao bì hoá chất sau khi sử dụng xong. Một vị nông dân mang túi gà chết ra vứt xuống kênh, khi được hỏi, cũng vô tư trả lời: “Thì khi có nước, nó sẽ trôi đi thôi!”.

Trên các con đường rộng 4 làn xe mới mở từ QL 1 đến cụm công nghiệp Trảng Nhật, dọc tuyến đường du lịch ven biển chạy qua các xã Điện Ngọc, Điện Nam, Điện Dương, đường từ Vĩnh Điện đi Hội An và tuyến đến các xã khu vực Gò Nổi... việc đổ rác thải ra ven đường là khá phổ biến, mặc dù các xã này nay đã có xe thu gom rác mỗi tuần một, hai lần.

Tình trạng ô nhiễm môi trường sống ở các xã bắc Điện Bàn nay đã dẫn đến hệ quả ô nhiễm cả nguồn nước ngầm trong khu vực. Nhiều thôn xóm trước đây có nguồn nước rất sạch nay đã có mùi và nhiễm phèn không uống được nữa như ở thôn Thanh Quýt 4. Ở nhiều thôn xóm nông thôn, nay người dân phải mua nước đóng bình để đun nấu các bữa ăn là hệ quả thấy được. Trao đổi với chúng tôi trong lần gặp mới đây, tân chủ tịch UBND H.Điện Bàn, ông Lê Trí Thanh đã thừa nhận thực trạng đáng lo ngại này và cho biết, sắp tới huyện sẽ tập trung vào chương trình làm sạch môi trường trên toàn huyện. “Đó cũng là một tiêu chí trong mục tiêu đưa Điện Bàn thành thị xã vào năm 2015” - ông Thanh nói.

Nguyễn Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.