Ninh Hòa phát triển mạnh sản phẩm OCOP

27/12/2022 08:00 GMT+7

Qua 4 năm triển khai, TX.Ninh Hòa là một trong những địa phương của tỉnh Khánh Hòa triển khai mạnh chương trình OCOP, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sản phẩm rong nho tách nước Trí Tín được Hội đồng OCOP TX.Ninh Hòa đánh giá rất cao

Ảnh: CT

Phát triển kinh tế, tăng thu nhập nông thôn

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là mô hình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, giai đoạn 2019 đến 2021, thị xã Ninh Hòa có 30 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP gồm 19 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 5 sản phẩm dược phẩm (mỹ phẩm), 6 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 23 chủ thể. Kết quả đánh giá, phân hạng có 5 sản phẩm được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao, gồm: nấm linh chi đỏ, rau muống Ninh Đông, gạo Ngọc Quang, nếp quạ Ninh Đông, gạo thảo dược.

Năm 2022, Ninh Hòa có 14 sản phẩm được Hội đồng OCOP Thị xã đánh giá từ 3 sao trở lên đăng ký tham gia OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm đang được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh kiểm tra đánh giá, thẩm định để trình Hội đồng đánh giá, phân hạng.

Theo bà Nguyễn Thị My Sa, Phó trưởng phụ trách phòng Kinh tế TX.Ninh Hòa, để phát triển mạnh sản phẩm OCOP, thời gian qua, thị xã đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho đại biểu là lãnh đạo UBND, công chức phụ trách chương trình OCOP các xã, phường, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, thị xã đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các chủ thể tham gia thông qua nguồn ngân sách từ chương trình OCOP; lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng xây nông thôn mới để phát triển các sản phẩm OCOP.

Có thể nói, chương trình OCOP tại TX.Ninh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Thông qua chương trình, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, quy mô sản xuất, thị trường bán sản phẩm được mở rộng từ tập trung tiêu thụ chủ yếu ở Ninh Hòa và bán cho các thương lái thì nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Nếp quạ Ninh Đông - một trong những sản phẩm đạt OCOP 3 sao giai đoạn 2019-2021

Ảnh: CT

Xây dựng nông thôn mới bền vững

Các sản phẩm sau khi được xếp hạng OCOP như nấm linh chi đỏ, rau muống Ninh Đông, gạo Ngọc Quang, nếp quạ Ninh Đông, gạo thảo dược đã có nhiều cải tiến về hình thức, mẫu mã bao bì, sang trọng, thân thiện với môi trường và đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm. Giá trị kinh tế của các sản phẩm cũng được nâng từ 10% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và công tác xúc tiến thương mại. Doanh số bán hàng của các đơn vị không ngừng tăng qua các năm.

Ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đánh giá chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Các xã phường đã chủ động triển khai, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh để hình thành các sản phẩm OCOP gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Năm 2022, UBND thị xã Ninh Hòa đã hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và 150 triệu đồng từ vốn đối ứng của các chủ thể để phát triển các sản phẩm OCOP. Những sản phẩm đăng ký xếp hạng năm nay có chất lượng và mẫu mã rất bắt mắt như: rong nho tách nước Trí Tín, bồ câu Quốc Anh, sản phẩm trà thảo mộc xáo tam phân Khánh Hòa POMTEA…

Theo kế hoạch đến năm 2025, thị xã Ninh Hòa có ít nhất 20 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thay đổi bộ mặt mặt nông thôn, thời gian tới, TX.Ninh Hòa tiếp tục tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, hợp tác xã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm… tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, đánh giá, thẩm định sản phẩm OCOP năm 2022

Ảnh: Ngọc Phúc

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện nay 45 sản phẩm của 31 chủ thể được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận đạt 3 sao trở lên (trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là rong nho OKINAWA của Công ty TNHH D&T và dưa lưới Ô xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Diệp Châu). Kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa có ít nhất 200 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên và 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.