Quy hoạch Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị. Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết theo quy hoạch được lập đến năm 2030, điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận có tiềm năng phát triển đạt hơn 1.429 MW, điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380 MW, điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000 MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448 MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500 MW. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
Trên cơ sở các chủ trương này, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo với mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cùng với đó, Ninh Thuận cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh; đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường. Để có thêm luận cứ và cơ sở khoa học cho định hướng phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận kỳ vọng hội thảo là điểm nhấn quan trọng để các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích đầy đủ và sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hydrogen.
Liên quan đến việc này, ông Đặng Hà Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí - Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định có mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng...
Đại diện Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp khởi xướng tỉnh Ninh Thuận quy hoạch "hệ sinh thái công nghiệp net-zero" để triển khai Khu công nghiệp Net-zero đầu tiên và trở thành Trung tâm Năng lượng xanh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, thông tin tập đoàn có kế hoạch phát triển một số tổ hợp năng lượng xanh để sản xuất hydrogen và amoniac xanh tại Việt Nam. Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn chính để sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh. Dự kiến tập đoàn sẽ sản xuất 250.000 tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2030 và 2,5 triệu/năm tấn vào năm 2050. UBND tỉnh Ninh Thuận và Trung Nam Group đã ký biên bản ghi nhớ dự án nghiên cứu, phát triển hydro xanh với vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)