Ninja bí ẩn

17/01/2010 10:30 GMT+7

(TNTT>) Sau sự kiện kinh hoàng tại Angola, khi quân mặt trận giải phóng Cabinda tấn công đội tuyển Togo trước ngày CAN 2010 khai mạc, chính phủ nước này đã phải tung lực lượng ninja của họ ra để đảm bảo an ninh và nhờ đó không khí mới bình lặng trở lại.

Một lần nữa, ninja lại khiến mọi người ngạc nhiên và tò mò về những khả năng phi thường của họ.

Ninja không chỉ xách AK 47

Trong sự kiện đó, hình ảnh những ninja Angola xách... AK47, đội khăn đen và trang phục tối đã làm người dân bớt lo lắng. Tại Angola, ninja là lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh chống khủng bố được thành lập từ năm 1991. Có lẽ, nó được xây dựng từ ý tưởng các ninja Nhật Bản: Nhanh nhẹn, khôn ngoan, bí mật và gieo rắc kinh hoàng cho đối phương.

Khi nghĩ đến ninja, nhiều người thường nghĩ họ là các siêu nhân có khả năng bay trên bầu trời, chui từ lòng đất, chạy trên nước và biến mất trong làn khói… Thật ra, đó chỉ là ninja trên phim, đã được các đạo diễn điện ảnh nâng tầm. Trong thực tế, ninja chỉ là những con người bình thường, khổ luyện thành tài.

Cách đây khoảng 1.000 năm, trường đào tạo ninja đầu tiên đã ra đời dưới thời lãnh chúa Togakure. Khi đó, Togakure là một người thua trận và mất cả tước hiệu samurai. Ông đã cùng với một nhà sư (tương truyền là chạy loạn từ Trung Quốc sang Nhật) nghiên cứu ra một chiến thuật tác chiến du kích hiệu quả để đào tạo ra một lớp chiến binh mới, đó  là... ninja. Các ninja được chọn là những chiến binh dũng cảm, được trải qua các khóa đào tạo gian khổ.

 

 Kawakami (trái) - ninja “xịn” cuối cùng?

Người Nhật tin rằng một ninja tài năng có thể chạy 300km/ngày và vượt nhiều chướng ngại vật mà không gặp vấn đề gì. Hoặc, họ có thể nhảy từ độ cao cả chục mét xuống nền cứng cũng không bị gãy chân. Hay như có thể nhìn đối phương để đọc tâm lý và phát hiện điểm yếu. Trong quá khứ, ninja đã có một lịch sử huy hoàng tại Nhật vì nó từng là “công cụ” hữu ích. Trong thế chiến thứ 2, ninja cũng được cơ quan mật vụ Nhật dùng như  lực lượng đặc biệt nhưng sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, các ninja “xịn” dường như biến mất.

Ninja - Samurai: Đối nghịch

Tại Nhật Bản, việc trở thành ninja dễ dàng hơn là làm samurai. Điều quan trọng đầu tiên để là samurai thì cần phải có lý lịch tốt, tức sinh ra trong một gia đình truyền thống. Còn các ninja thì không cần lý lịch mà chỉ cần khả năng. Họ có thể là nông dân, dân chài, thậm chí là phụ nữ... Cũng vì điều đó, cách thức hoạt động của ninja và samurai gần như đối nghịch. Samurai tôn thờ sự quân tử, quang minh chính đại. Còn Ninja thì không câu nệ những điều như thế.

Trong chiến trận, các samurai thường mặc áo màu sáng, đánh kiểu một chọi một. Trước khi giao chiến, họ xưng tên tuổi, dòng họ gia đình rồi mới chiến đấu. Còn các ninja thì luôn mặc áo màu tối, hoạt động bí mật, hành động chỉ cần đạt hiệu quả, bất chấp thủ đoạn. Sau khi hoàn thành mục tiêu (ám sát hay do thám) họ luôn đề cao việc tẩu thoát. Do đó, các ninja không ham đánh nhau mà chỉ ra đòn để chuồn cho nhanh. Họ có thể ném cát vào mắt đối phương để chạy trốn. Đó là điều mà các samurai không bao giờ làm. Các ninja rất chú trọng kỹ năng về khinh công (di chuyển nhanh không gây tiếng động, vượt các địa hình phức tạp) và hóa trang (ẩn thân không cho đối thủ phát hiện).

Nếu các samurai chỉ biết có 2 cây kiếm là vũ khí tối thượng thì trang bị của ninja rất đa dạng. Họ có thể đánh đao, gậy, kiếm, thương… như các chiến binh khác. Ngoài ra, còn có một số món đồ đặc trưng của ninja như phi tiêu, câu liêm, các dụng cụ để đi trên nước, leo tường…Nhìn chung vũ khí của ninja để giúp họ chạy nhanh, chuồn êm hơn là sát thương đối thủ. Phi tiêu hình sao khi tung ra chỉ làm đối thương hoảng sợ chứ ít gây tử vong; câu liêm có gắn dây giúp họ quăng lên cây và tường cho nhanh... Nhờ kỹ năng và trang bị tốt, hành động khôn ngoan, các ninja trở nên xuất quỷ nhập thần.

Gặp những ninja cuối cùng...

 

Dùng vòng sắt cũng là một vũ khí của ninja

Ngày nay, nhờ điện ảnh mà ninja đã trở thành một trong những “thương hiệu” của văn hóa Nhật. Nhưng để tự vỗ ngực xưng danh là “ninja thực thụ” và được xã hội công nhận thì chỉ dường như chỉ còn một người: Đó là Jinichi Kawakami!

Hiện Kawakami là chủ của các trường đào tạo ninja lớn nhất Nhật Bản. Ông cũng là giám đốc của viện bảo tàng ninja tại Iga, nơi trưng bày những vũ khí liên quan đến ninja.

Kawakami cho biết, gia đình ông trước đây không có ai là ninja  còn bản thân ông vốn là… công nhân điện tử. Việc Kawakami được chân truyền làm ninja rất tình cờ: Hồi nhỏ, chơi ngoài công viên, ông được một người bán thuốc dạo truyền thụ và đó là ninja Masado Ishida. Thân phận của Ishida không đuợc Kawakami tiết lộ vì theo ông, Ishida bí mật… như một ninja. Theo một số nguồn tin tại Nhật, Ishida chính là một ninja trong lực lượng đặc biệt của quân đội Nhật thời đại chiến thứ 2.

Hai năm trước, phóng viên của tờ Japan Times đã tiếp xúc và tìm hiểu về Kawakami rồi nhận xét: “Kawakami có những phẩm chất mà các ninja khác không có. Đó là sự uyên bác và khiêm tốn. Kỹ năng ninja của Kawakami đã đạt đến mức thượng thừa”.

Thời điểm đó, Kawakami vẫn chưa nhận ai làm đệ tử chân truyền nhưng giờ ông đã chọn được. Người duy nhất đó là Yasushi Kiyomoto. Bạn cũng có thể được Kiyomoto dạy làm ninja nếu đến Nhật và trả học phí 10.000 yen/tháng. Còn việc thành công đến đâu thì phụ thuộc vào sự khổ luyện của bạn. Nếu nhìn tay Kawakami đầy những vết chai gồ lên như một thân cây sần sùi, bạn sẽ hiểu cái giá để thành ninja không rẻ chút nào.

Có một phát hiện thú vị là, dù rất truyền thống và nổi tiếng nhưng trường của thầy trò nhà Kawakami lại không đông bằng trường của Anshu Christa Jacobson - một cô gái tự xưng là ninja (nhưng không dám nhận là ninja cuối cùng như Kawakami). Jacobson là một cô gái châu u rất giỏi võ và thông thạo các kỹ năng ninja. Theo Jacobson, đã có 7.500 học viên từ 15 quốc gia được học viện ninja của cô của đào tạo. Có thể trong mắt của Kawakami, cô gái Jacobson không phải là một ninja “xịn” nhưng dù sao công việc của cô cũng rất hữu ích. Đó là phổ biến văn hóa Nhật và tạo ra những con người khỏe mạnh, dẻo dai...

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.