Chia sẻ với truyền thông, các lãnh đạo của hãng xe Nhật khẳng định, tương lai của ngành công nghiệp ô tô với xu hướng điện khí hóa là chuyện gần như hiển nhiên và rất khó đảo ngược. Tuy nhiên, đường đến với ô tô thuần điện cần phải có thêm cầu nối.
Công nghệ e-Power là giải pháp phù hợp
Theo như chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Isao Sekiguchi - Chủ tịch Nissan Thái Lan và chủ tịch Nissan ASEAN cho biết, mục tiêu của hãng xe Nhật trên toàn cầu cũng sẽ đi theo con đường điện khí hóa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Nissan đang phát triển cùng lúc hai "trụ cột" gồm công nghệ e-Power và EV. Cả hai công nghệ này kết nối chặt chẽ với nhau hướng đến mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm khí thải, đồng thời mang đến lựa chọn đa dạng cho người sử dụng. Mặc dù vậy, tùy theo từng thị trường, hãng xe Nhật sẽ lựa chọn cung cấp các sản phẩm sử dụng công nghệ e-Power hay EV.
Với thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, các mẫu xe với công nghệ e-Power có tiềm năng hơn ở thời điểm hiện tại, và sẽ là lựa chọn phù hợp để Nissan để bắt đầu con đường điện khí hóa. Lý giải về điều này, ông Sekiguchi dẫn chứng việc các dòng xe điện yêu cầu nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, mạng lưới và cả nguồn cung cấp điện. Trong khi, với những mẫu xe có e-Power lại khác.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch này cũng cho biết, mặc dù điện khí hóa đang là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn vào nhiều thị trường lân cận, điển hình như Trung Quốc - nơi dù có tỷ lệ chấp nhận xe điện rất cao. Thế nhưng, tại nước này vẫn còn rất nhiều thành phố trung thành với xe ICE (xe chạy động cơ đốt trong). Đồng thời sử dụng xe ICE như phương tiện chủ đạo do các khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Một ví dụ khác, ngay cả tại Nhật Bản, hiện tại thị phần xe điện vẫn chỉ chiếm 5%. Mức độ này hiện tại đang khá thấp, mặc dù chính phủ đang đưa ra rất nhiều ưu đãi cho xe điện nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngành. Chưa kể, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến tình trạng thiếu điện mà Nhật Bản phải đối mặt khi tốc độ phát triển xe điện có thể sẽ tăng quá nhanh trong vài năm tới. Tương tự, tại thị trường Việt Nam, nguồn điện cũng đang được xem là bài toán nan giải, đặc biệt là tại các thành phố lớn trong thời gian cao điểm mùa hè.
Hệ truyền động e-Power lợi thế gì so với hybrid?
Trong thời gian vừa qua, Nissan nhận được sự quan tâm lớn khi quyết định tìm "lối đi riêng" với công nghệ e-Power hoàn toàn mới lạ.
Theo ông Norinaga Sato - Phó chủ tịch phụ trách R&D Nissan ASEAN, việc đánh giá ưu điểm của các hệ truyền động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu khách hàng và mức độ tiếp nhận của các thị trường. Tuy nhiên, thực tế là hệ thống hybrid song song sẽ đòi hỏi một kết cấu phức tạp hơn, các bánh xe được dẫn động bằng cả mô tơ điện và động cơ xăng. Vì vậy, hệ thống này sẽ đòi hỏi trọng lượng lớn hơn hoặc chi phí đắt hơn.
Đặc biệt, sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống nằm ở trải nghiệm vận hành. Với hệ thống hybrid song song - là hệ thống hybrid phổ biến được sử dụng hiện nay, người dùng vẫn có thể nghe thấy tiếng động cơ ở một số dải tốc độ, nhưng với e-Power, các mẫu xe sẽ vận hành tương tự như xe điện, bánh xe được dẫn động bằng duy nhất động cơ điện toàn thời gian. Do đó, xe cho khả năng tăng tốc nhanh, mượt mà, yên tĩnh và khả năng tái tạo năng lượng cao.
Ngoài ra, theo đại diện hãng xe Nhật, do động cơ đốt trong của công nghệ e-Power không chịu trách nhiệm truyền động trực tiếp đến bánh xe nên chủ yếu hoạt động trong dải tốc độ vòng tua tối ưu. Thời gian động cơ hoạt động trong khu vực dải vòng tua tối ưu càng nhiều, hiệu suất sử dụng nhiên liệu càng cao. Như vậy có thể thấy công nghệ e-Power cho hiệu suất sử dụng nhiên liệu rất cao từ đó mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối ưu trong quá trình sử dụng. Đây là một lợi thế rất lớn mà những mẫu xe sử dụng hệ thống vận hành này có được, trong đó có mẫu Nissan Kicks đang bán tại Việt Nam.
Hiện tại, Nissan Kicks e-Power tại Việt Nam đang được ưu đãi từ 150 - 170 triệu đồng, kéo mức giá của mẫu xe này xuống dưới 700 triệu đồng cho phiên bản cao nhất.
Bình luận (0)