Níu giữ hồn thiêng: Còn sức thì còn hát kể sử thi

12/08/2015 08:38 GMT+7

Như những dân tộc anh em tựa lưng vào dãy Trường Sơn khác, tộc người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa cũng có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú. Đứng trước nguy cơ những giá trị vô giá ấy dần bị mai một, các 'già làng' đã cùng nhau ra sức níu giữ hồn thiêng.

Như những dân tộc anh em tựa lưng vào dãy Trường Sơn khác, tộc người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa cũng có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú. Đứng trước nguy cơ những giá trị vô giá ấy dần bị mai một, các “già làng” đã cùng nhau ra sức níu giữ hồn thiêng.

Níu giữ hồn thiêng: Còn sức thì còn hát kể sử thiNghệ nhân Cao Thị Quang - Ảnh: Nguyễn Chung
Akhàt jucar (sử thi) là phương thức kể chuyện bằng lời hát của người Raglai. Nó như cuốn biên niên sử lưu giữ tất cả những gì thuộc về văn hóa, lịch sử cũng như các sinh hoạt thường ngày của người Raglai.
Trong ký ức của những người trẻ tuổi Raglai hôm nay hầu như không có sự hiện diện của loại hình văn hóa này. Những người già của bộ tộc Raglai ở H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) như thấy được nguy cơ “tuyệt chủng” của những bộ sử thi mà cha ông họ đã nghìn đời cất công gìn giữ và trao truyền. Họ đã kể sử thi như một cách “nuôi dưỡng” những gì sắp mất. Họ kể giỏi đến mức trở thành nghệ nhân dân gian, được Hội Văn nghệ dân gian VN công nhận.
Sống với sử thi
Nghệ nhân Mấu Thị Giêng (79 tuổi, ở xã Sơn Bình) cho biết người Raglai xưa kia rất thích hát và nghe akhàt jucar. Từ nhỏ, bà Giêng được sống trong những làn điệu hát ru ngọt ngào của akhàt jucar. Lúc vui, khi buồn, khi địu con trên rẫy trỉa bắp, trồng mì, lúc hái rau rừng, bên bếp lửa hồng… các bà, các mẹ đều hát akhàt jucar. Tác phẩm mà bà Giêng thường được mẹ kể là Awơi Nãi Tilơr, nói về nàng Tilơr có sắc đẹp mê hồn, có phép thần tài giỏi hơn người, đã đứng lên chống lại các thế lực bạo tàn, bảo vệ bà con dân làng. Bà Giêng nói: “Hình ảnh nữ thần Awơi Nãi Tilơr cứ thế ám ảnh mình. Mình nghe rồi hát theo. Nghe nhiều, hát nhiều rồi thuộc”. Dứt lời, nghệ nhân Giêng lấy hơi, hát một đoạn của tác phẩm Awơi Nãi Tilơr. Giọng bà chậm rãi, đều đều, đầy huyền bí.
Ít hơn bà Giêng gần chục tuổi, hai nghệ nhân Cao Thị Quang và Cao Thị Thanh, đều ở xã Thành Sơn, giọng hát vẫn khỏe khoắn, rõ ràng. Nghệ nhân Cao Thị Thanh cho biết, khi hơn mười tuổi, bà bắt đầu cảm nhận được cái hay của akhàt jucar. Bà kể: “Cha mẹ thường bắt đầu câu chuyện với những từ ngày xửa ngày xưa, đã từ rất lâu hay tại một làng nọ, ở gia đình kia… khiến mình như lạc vào thế giới cổ tích và cứ muốn nghe đến hết, nghe hết rồi lại muốn nghe lại. Qua những câu chuyện, mình hiểu được phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình nên càng thích. Ngày này qua tháng nọ, mình cứ nghe kể, hát theo, rồi thuộc khi nào không hay”.
Theo các nghệ nhân, tùy cảm hứng mà trong từng thời điểm họ có thể hát về từng chủ đề khác nhau, còn để hết một tác phẩm thì phải kể hết ngày này qua ngày khác. Có những nghệ nhân hát kể “năm ngày mười đêm” mới hết truyện.
Ông Mấu Quốc Tiến, cán bộ Trung tâm văn hóa thể thao H.Khánh Sơn, cho biết các nghệ nhân hát kể chủ yếu bằng các làn điệu dân ca cổ là siri, majieng, alơu… Họ hát như nước chảy. Câu chuyện được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Nội dung akhàt jucar chủ yếu nói đến những người anh hùng đứng lên chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, chống giặc ngoại xâm, gìn giữ và bảo vệ bản làng. Sử thi đã gián tiếp dạy cho con cháu hiểu về cội nguồn dân tộc, khát vọng trong cuộc sống.
Một cách để “giữ lửa”
Nghệ nhân Cao Thị Quang có 5 người con, ai cũng được bà hát cho nghe những làn điệu sử thi từ khi họ còn nằm trong bụng mẹ. “Nhưng, chúng nó không thích nên càng lớn càng quên hết. Giờ cũng chẳng hát được câu nào. Bọn trẻ con thì chỉ thích nhạc xập xình thôi”, bà Quang nói. Khi nghe bà Quang hát một đoạn, đám cháu của bà cười khúc khích. Dường như không bận tâm đến điều đó, giọng bà Quang vẫn đều đều: Cây đuốc mất đi, cây măng mọc lại. Lửa cháy bởi cành khô, trẻ trưởng thành bởi người lớn…
Qua akhàt jucar, những thế hệ người Raglai đi trước đã truyền dạy cho con cháu những bài học về cuộc sống, về đạo lý làm người. Dù ngày nay, akhàt jucar chẳng mấy ai quan tâm, các nghệ nhân ít ỏi còn lại vẫn hát kể. Họ không chỉ hát cho thỏa lòng mình khi akhàt jucar đã ăn sâu vào máu thịt, mà còn hát như một cách để “giữ lửa”, một thứ lửa văn hóa đang đứng trước nguy cơ tàn lụi. Vì vậy, hễ nghe ai có ý định lưu lại thứ tài sản vô giá ấy, những cụ bà này sẵn sàng “phục vụ miễn phí”, quên cả tuổi già lẫn khi đau ốm. Thậm chí, như bà Thanh, sẵn sàng nuôi cơm hằng tuần những người đi sưu tầm sử thi như ông Mấu Quốc Tiến.
Sự nhiệt tình của các cụ bà Raglai đã giúp ông Tiến thu lượm những kết quả bất ngờ. Đó là những tác phẩm akhàt jucar Raglai tiêu biểu, được xuất bản song ngữ Việt - Raglai, gồm: Udai-Ujàc dài gần 1.200 trang, Amã Chisa - Amã Cuvau Vongcơi dài 1.115 trang, Awơi Nãi Tilơr dài 3.165 trang. Ngoài ra, còn hàng trăm băng cassette đã thu nhưng chưa có điều kiện văn bản hóa.
Năm nay, dù tuổi đã già, có người đi lại đã khó khăn, nhưng hằng ngày các nghệ nhân vẫn mượn akhàt jucar để ký thác những buồn vui của lòng mình. Mỗi khi có ai yêu cầu hát kể, các nghệ nhân như được trẻ lại, họ hãnh diện cất tiếng hát akhàt jucar và hát không biết mệt mỏi.
Ông Mấu Quốc Tiến nói: “Các nghệ nhân này như những hạt ngọc của dân tộc Raglai ở Khánh Sơn, họ đã giúp akhàt jucar chưa lùi vào rừng sâu. Mong muốn akhàt jucar sống lâu hơn với đồng bào, các nghệ nhân đã tham gia các lớp truyền dạy sử thi cho các thế hệ con cháu, mặc dù, hiếm ai trong số người học có đam mê theo đuổi lâu dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.