Người giữ hồn phố Hoài: Gánh Hội An ra thế giới

31/12/2014 09:00 GMT+7

Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) không chỉ có những mái nhà cổ xưa, rêu phong mà còn có những con người bình dị mưu sinh trong lòng phố cổ. Thiếu vắng họ, phố như thiếu mất phần 'hồn'.

Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) không chỉ có những mái nhà cổ xưa, rêu phong mà còn có những con người bình dị mưu sinh trong lòng phố cổ. Thiếu vắng họ, phố như thiếu mất phần “hồn”.

Cụ Đường cùng vợ bên tấm giấy chứng nhận do Tổ chức Kỷ lục VN trao vào đầu tháng 12 vừa qua
- Ảnh: Hoàng Sơn
Chỉ một ngày không thấy bóng dáng cụ già gánh nước ấy, nhiều người tại phố cổ Hội An chắc hẳn sẽ bồn chồn tự hỏi “không lẽ hôm nay cụ ấy ốm”.
Người gánh thuê kỷ lục

Cụ Nguyễn Đường (83 tuổi, trú tại hẻm 30 đường Phan Chu Trinh) được Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục “Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại VN” vào đầu tháng 12 vừa qua. Gánh nước là nghề để cụ nuôi sống cả gia đình hàng chục năm qua. “Tui chỉ nhớ khi không làm nghề bốc vác dưới bến sông Hoài thì tui về nhà phụ vợ gánh nước giếng Bá Lễ. Thời gian chậm trôi, nghề gánh nước giếng dễ lắm cũng bằng tuổi đời con trai tôi, 50 tuổi rồi”, cụ Đường móm mém nhắc lại.

Cụ Đường gặp vợ là cụ bà Nguyễn Thị Mỹ (85 tuổi) tại Sài Gòn rồi nên duyên vợ chồng. Ngày đầu lập nghiệp ở Hội An, không mảnh đất cắm dùi, vợ chồng cụ Đường khổ sở làm đủ nghề, sống vạ vật nhiều nơi tại phố cổ. “Hồi đó chồng tui thường ra bến sông, ai thuê gì làm đó. Cũng nhờ có sức khỏe lại thật thà nên nhiều người ưng thuê ông bốc vác. Riêng tui thì hằng ngày ra giếng Bá Lễ đầu hẻm để gánh nước thuê cho người ta. Mà duyên nghề cũng kỳ lạ lắm. Hồi đó, tui thấy người ta rất thích uống nước giếng Bá Lễ. Nhiều người ở xa cả cây số cũng lặn lội quang gánh đi lấy nước về. Thế rồi, tui mở lời gánh thuê kiếm ít đồng. Họ gật đầu và tui vào nghề từ đó”, cụ Mỹ kể.

Tùy độ dài quãng đường mà tiền công của cụ cũng chênh lệch ít nhiều. Từ mấy hào đến mấy đồng cho một đôi nước. Sau những ngày giải phóng đất nước, giá mỗi đôi nước tăng lên từ 100 đồng đến 300 đồng, rồi lên 10.000 đồng như bây giờ. Hồi đó, còn ít người theo nghề nên có ngày hai vợ chồng cụ gánh đến cả trăm đôi nước, kiếm được tiền làm căn nhà nhỏ, mua ti vi để xem. Những nhà hàng, khách sạn, quán cà phê... trở thành khách hàng quen thuộc của vợ chồng cụ nhờ “món hàng” nước giếng Bá Lễ. Hằng ngày, đôi vợ chồng với quang gánh và cặp thùng nhôm cứ chậm rãi đi qua từng ngóc ngách, mang thứ nước đặc sản đến từng căn nhà, từng quán cao lầu, mì Quảng...

Có nước máy vẫn thuê gánh nước

Vừa kéo chiếc gàu từ dưới giếng lên, cụ Đường bảo tôi vốc một ngụm nước uống thử xem. Với tôi, người lần đầu uống nước múc từ giếng thì thấy có vị ngọt ngon, mát lành. Người hàng xóm của cụ Đường cho biết mấy mươi năm qua bà đã thuê cụ Đường gánh nước để cả gia đình cùng uống dù nước máy được kéo về tận nhà. “Pha ấm trà với nước giếng Bá Lễ thì hương vị của trà không những không bị mất đi mà còn thêm đậm đà. Nước giếng Bá Lễ ngọt ngon, theo tôi là do không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn”, người này nhận định.
Cuộc đời cụ Đường gắn liền với hình ảnh di tích giếng Bá Lễ
Nhiều tài liệu chép rằng, di tích giếng Bá Lễ do người Chăm đào mà thành, có niên đại khoảng 1.000 năm. Giếng sâu khoảng hơn 10 m. Đứng bên thành có thể thấy vách giếng được ốp gạch theo dạng hình vuông, rêu phong phủ đầy. Không ai nhớ chính xác giếng có tên gì, chỉ biết rằng khoảng hơn 100 năm về trước vào thời Pháp thuộc, một người phụ nữ giàu có trong vùng bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương để tu bổ. Ghi ơn bà, người dân lấy tên bà đặt cho giếng đến ngày nay. Cụ Đường cho biết, vào mùa hè dù có nắng hạn bao nhiêu, giếng Bá Lễ cũng không trơ đáy. “Khi nước lưng chừng, tụi tui múc hết để giếng cạn hẳn. Sau đó, dùng thang và dây thừng lần xuống giếng để vét bùn đất lắng đọng, bỏ muối sống rồi leo lên. Cỡ khoảng 1 ngày thì giếng lại cho nước”, cụ Đường nói.

Người dân trong hẻm 30 Phan Chu Trinh không lạ lẫm gì với hình ảnh một số người tay cầm máy ảnh, máy quay theo gánh nước của cụ Đường. Đôi thùng nước ngày ngày bên giếng cổ Bá Lễ đã được báo chí trong nước và quốc tế nhiều lần nhắc đến. Căn nhà nhỏ hẹp của cụ, nhiều bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế lẫn khách du lịch chụp hai vợ chồng treo kín tường. Nhiều người bảo rằng, chính nhờ cụ mà di tích giếng cổ Bá Lễ như được “sống lại” có lẽ không ngoa. Đôi vai chai sần và đôi chân rắn rỏi ấy đã gánh nước giếng Bá Lễ, “gánh” hình ảnh Hội An đi xuyên thế kỷ.

Thờ thần giếng Bá Lễ

Cứ vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, không ai bảo ai, người mưu sinh nhờ nguồn nước giếng lại ghé vào thắp hương, kính cẩn đặt lên bàn thờ một ít trái cây. Cụ Nguyễn Đường cho biết đó là một hành động để tri ân thần giếng đã giúp những người như cụ có kế sinh nhai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.