Nợ công: 29 triệu đồng/người

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo nợ công 2016 của VN sẽ tăng ở mức 63,8% GDP, lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% vào 2018. Với mức trần nợ công cho phép là 65%, viễn cảnh 'đụng trần' nợ công của VN sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo nợ công 2016 của VN sẽ tăng ở mức 63,8% GDP, lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% vào 2018. Với mức trần nợ công cho phép là 65%, viễn cảnh 'đụng trần' nợ công của VN sẽ diễn ra trong tương lai gần.

VN vay nhiều vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - Ảnh: D.Đ.MinhVN vay nhiều vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - Ảnh: D.Đ.Minh
Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN đạt 4.192.900 tỉ đồng, tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 2.675.070 tỉ đồng (khoảng 120 tỉ USD). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.
Tận thu, DN sẽ khó vay vốn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi người dân VN đang gánh trên vai 29 triệu đồng nợ công là quá cao vì cách đây khoảng nửa năm, nợ công VN bình quân trên đầu người gần 1.000 USD, tương đương khoảng 22 triệu đồng. “Nợ công tăng lên khiến nhà nước phải tìm cách huy động thêm từ các nguồn trong xã hội, bằng cách phát hành trái phiếu để có tiền bù đắp cho đầu tư công, chi tiêu công. Nhà nước phát hành trái phiếu khiến cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng dồn tiền cho nhà nước vay, nên không có tiền cho DN vay hoặc DN không cạnh tranh được với nhà nước vì cho nhà nước vay có lãi suất cao hơn… Vì vậy, DN khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. DN khó khăn sẽ không nộp thuế được dẫn tới hụt thu. Nhà nước hụt thu ngân sách thì chắc chắn sẽ huy động vốn thêm, cứ thế trở thành vòng luẩn quẩn”, bà Lan bình luận.
Theo bà Lan, những năm gần đây xu hướng tận thu DN, người dân là quá lớn, đáng lo ngại. Các bộ, ngành, địa phương tìm mọi cách để thu thêm từ xã hội. Những nguồn đã thu rồi thì tăng thêm, những nguồn chưa thu hết thì nghĩ ra cách mới để thu. Thành ra gánh nặng về thuế, phí đè lên người dân càng ngày càng nghiêm trọng, không giảm mà tăng lên. Đấy là những hệ quả tiêu cực tác động lên nền kinh tế”, bà Lan chỉ trích và phân tích Nhật Bản nợ công hơn 200% GDP nhưng đầu tư công của họ ít, hiệu quả đảm bảo cao, tính minh bạch cao, nên nợ công có cao cũng không thành mối lo của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế VN cho đến nay vẫn là nền kinh tế hiệu quả thấp.
TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng đây chưa hẳn là con số gây đột biến bởi thực tế cách tính nợ công của VN vẫn cho ra nhiều số liệu. “Theo báo cáo của Chính phủ mới đây thì nợ công VN vẫn đang ở mức an toàn và Chính phủ cũng khẳng định vậy. Cụ thể, tỷ lệ trả nợ trực tiếp so thu ngân sách ngưỡng cho phép là dưới 25%, ở đây là hơn 16%, nghĩa là ở mức an toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nợ công vượt quá 60% GDP phải nói đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia...”, ông Lịch nhận xét.
PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói, ông mới nghe con số nợ công từ 22 - 24 triệu đồng/người nay vọt lên 29 triệu đồng/người là đáng lo ngại. Nếu cứ so với các nước phát triển khác như Nhật, Mỹ vẫn có nợ công cao ngất ngưỡng để tự an ủi rằng nợ công của chúng ta đang trong ngưỡng cho phép là điều không nên. Bởi các nước phát triển tuy nợ công lớn, nhưng đổi lại, tổng tài sản của họ ở nước ngoài rất lớn. Nợ công cũng cần xét đến triển vọng phát triển kinh tế, điều đó thì VN ở ngưỡng đang phát triển, triển vọng vẫn còn ở phía trước, trong khi gánh nặng nợ lại là điều hiện hữu trước mắt.
83.410 tỉ đồng, trả lãi nợ công
Thực tế, nợ công của VN tăng nhanh từ 10 năm qua, từ 22,7% GDP vào năm 2006, lên 62,2% vào cuối năm qua theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội. Đặc biệt, từ 5 năm trở lại đây, nợ công của VN tăng trung bình 20% mỗi năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào khoản nợ công này là nợ của Chính phủ, đạt mức 50,3% GDP cả nước, chiếm hơn 80% nợ công, vượt cả giới hạn an toàn cho phép 0,3%.
Nợ công tăng, dẫn đến chi trả nợ từ ngân sách cũng tăng mạnh qua mỗi năm, chiếm tỷ lệ lớn trong thu chi ngân sách. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chiếm 16,1% tổng thu ngân sách. Một nghiên cứu về nợ công ở VN của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2015 cho thấy năm 2010, số tiền để trả lãi nợ công lấy từ ngân sách nhà nước là 25.400 tỉ đồng (chiếm 3,2% tổng chi), sang đến 2015, con số đó đã lên đến 83.410 tỉ đồng (chiếm 7,7% tổng chi). Đặc biệt, khoản chi trả lãi này đã lấn át nhiều khoản chi thường xuyên khác, chỉ đứng sau chi cho giáo dục, quản lý hành chính và lương hưu, an sinh xã hội.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đánh giá các con số về nợ công được công bố trong thời gian qua là chưa chính xác khi không tính hết, tính đầy đủ nợ đọng cơ bản; nợ của DN nhà nước không được bảo lãnh nhưng tiềm ẩn phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh... “Nguyên tắc của nợ công là phải tính cả nợ tiềm ẩn. Nếu tính hết thảy thì nợ công của VN phải trên 100% GDP. Nếu biết mình nợ bao nhiêu mới có đối sách, không biết thực sự bao nhiêu là cực kỳ nguy hiểm. Vấn đề quan trọng bây giờ phải tính lại nợ công”, TS Tuấn nói.
Và theo đó, TS Tuấn đề nghị để kiểm soát đà tăng quá mạnh của nợ công, cần phải siết lại kỷ cương, kỷ luật tài khóa, bằng cách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu. Không có chuyện quy cho tập thể. Thứ hai là các bộ ngành địa phương phải lập ngân sách dựa trên kết quả, không phải dựa trên nhu cầu vốn. Thứ ba là đẩy mạnh, đẩy nhanh công tác lập ngân sách vốn trung hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn và phải kết nối hai cái này lại với nhau, chứ không phải lập ngân sách từng năm. Thứ tư là phải xử lý triệt để nợ đọng cơ bản.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, trong chi tiêu công của VN có phần lớn nguồn không vững chắc, chủ yếu là nguồn tiền vay trái phiếu, vay nước ngoài. Vay nước ngoài có lãi suất rất cao còn vay trái phiếu của dân làm cạn kiệt sức dân. Đáng lẽ phải đầu tư cho DN, thì ở đây chúng ta huy động của họ, của dân thì cạn kiệt của dân là chắc chắn. Còn vay của ngân hàng, lẽ ra tiền đó phục vụ cho sản xuất kinh doanh lại đi mua trái phiếu chính phủ. Đây là thực trạng đáng lo trong quản lý chi tiêu công của VN.
Phải giải quyết 3 vấn đề
TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá: Việc quản lý chi tiêu công phải giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất phải rà soát lại hệ thống quy hoạch, kế hoạch, có phân công phân cấp và được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, từ T.Ư trở xuống để “vít” được cái vòi phun vốn ra từ ban đầu. Thứ hai, trong quyết định triển khai dự án phải đảm bảo các cơ chế, điều kiện, chính sách đồng bộ, có sự phối hợp. Nếu không, chính sách không đồng bộ sẽ kéo dài công trình. Thứ ba, phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh lợi ích nhóm, cục bộ... Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Thời gian vừa qua khi phát hiện sai phạm đã không xử lý nghiêm, đánh trống bỏ dùi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.