Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 8: Quản lý nợ công, chi ngân sách và tinh thần pháp trị

09/11/2014 12:06 GMT+7

(TNO) Ngày 7.11.2014, Việt Nam phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 4,8%, thấp hơn mức dự kiến 5,125%.

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 7: Luận về vốn ODA ở Việt Nam
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 5: Nhà nước vú em
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson


Các tổ chức quốc tế vừa ghi nhận Việt Nam có những tiến bộ rõ rệt trong quá trình phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và cải thiện hệ thống ngân hàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất so với mức lãi suất 6,755% của đợt phát hành năm 2010 và mức lãi suất 6,875% của đợt phát hành 2005. Đợt phát hành này diễn ra đồng thời với việc hoán đổi 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 nhằm cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.

Đợt phát hành trái phiếu này nhằm khai thác lợi thế sau khi các tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s và Fitch nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng xếp hạng từ B2 lên B1, Fitch nâng xếp hạng từ B+ lên BB-), ghi nhận những tiến bộ rõ rệt trong quá trình phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và cải thiện hệ thống ngân hàng. Với “thành công ngoài mong đợi” đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ khả năng tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới nhằm chủ động cơ cấu lại nợ công để giảm bớt rủi ro ngắn hạn.

Cùng với việc tăng lượng phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công, chuyển áp lực nợ ngắn hạn sang dài hạn, việc thu hút vốn ODA vẫn đang rất cao với cam kết ODA duy trì ở mức 6,5 tỉ USD năm 2013 và mức cam kết này dự kiến không giảm trong năm 2014. Và tới đây, khi kinh tế hồi phục, GDP sẽ tăng tốc, cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện, xu hướng đó sẽ khiến cho tình hình nợ công mặc dù sẽ tăng mạnh, nhưng dưới góc độ quản lý vĩ mô thì rủi ro sẽ giảm xuống.

 
“Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được”, là quan điểm mà nhiều vị lãnh đạo của chúng ta thường nhắc tới, cần được thể hiện trong thực tế
Rủi ro trong ngắn hạn giảm xuống nhưng rủi ro trong dài hạn thì gia tăng, bởi vì mọi nỗ lực “cơ cấu nợ” để bảo đảm an toàn trong ngắn hạn sẽ tích tụ rủi ro cho dài hạn. Chúng ta không thể biết trước trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào vì lịch sử kinh tế học cho thấy mọi mô hình dự báo đều thất bại. Chúng ta không nên giành lấy phần an toàn cho mình và đẩy những rủi ro không lường trước được cho con cháu. Vì vậy, trong khi “cơ cấu nợ” nhất định phải đồng thời tính đến những chuyện vừa lâu dài vừa khẩn cấp để từng bước giảm thiểu nợ nần và chống thất thoát nguồn vốn của nhà nước.

Thứ nhất là giảm chi tiêu công. Quá trình Đổi mới gần 30 năm qua thực chất là quá trình giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, nên lẽ ra chi tiêu công cũng phải giảm theo quá trình này, nhưng nghịch lý ở nước ta là chi tiêu công không những không giảm mà còn tăng: tổng chi ngân sách vào năm 1990 bằng khoảng 22% GDP, những năm gần đây đã lên trên dưới 30% GDP. Bội chi ngân sách liên tục trong nhiều năm ở mức trên dưới 5% GDP. Đây là mức chi quá cao so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực (Singapore 18%, Đài Loan 16%, Thái Lan 20%, Trung Quốc 22%...). Căn cứ vào thực tiễn của các nước, nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị ở những quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam tổng chi ngân sách nên ở mức 15-20% GDP là phù hợp.

Vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội mặc dù giảm mạnh từ khoảng 60% vào năm 2001 xuống còn khoảng 38% vào năm 2012 do hiệu quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự kích thích mạnh mẽ đầu tư tư nhân từ sau khi có luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn còn quá cao và ít hiệu quả. Khoảng 1/3 vốn đầu tư của Nhà nước là vốn vay (số liệu năm 2011). Việc cắt giảm mạnh vốn đầu tư của nhà nước là hoàn toàn khả thi vì rất nhiều lĩnh vực nhà nước đang bao sân, tư nhân hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng đầu tư. “Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được”, là quan điểm mà nhiều vị lãnh đạo của chúng ta thường nhắc tới, cần được thể hiện trong thực tế.

Khác với nhiều nước trên thế giới, ngân sách nhà nước của Việt Nam còn phải chi, từ tiền lương đến kinh phí hoạt động, cho không ít các tổ chức xã hội và nghề nghiệp, gồm các hội đoàn và liên hiệp hội đoàn, vốn là những tổ chức dân sự tự nguyện, lẽ ra chỉ hoạt động từ tiền hội phí do các hội viên đóng góp và từ thu nhập hợp pháp của chính các tổ chức ấy. Hiện nay đến cả nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ (làm việc trong các hội hoặc liên hiệp các hội chuyên ngành, không tính những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước) mà cũng ăn lương nhà nước thì quả là điều hiếm thấy trên thế giới. Việc “Nhà nước hóa” các tổ chức xã hội và nghề nghiệp không những làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà còn làm vô hiệu hóa các tổ chức này với tư cách là một thiết chế xã hội dân sự tự nguyện.

Thứ hai là hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền nhằm đưa toàn xã hội vận hành theo những nguyên tắc pháp trị. Pháp trị không chỉ để bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật mà còn đòi hỏi việc ban hành luật pháp cũng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, sao cho các điều luật đều được áp dụng đồng loạt cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, để người dân có thể đoán trước được những hành vi của mình và của những người khác có đúng pháp luật hay không trong mọi tình huống. Do vậy nó cũng yêu cầu luật pháp không giao cho bất cứ cơ quan nào có quyền ban hành những quy định mà người dân không thể đoán trước.

Theo tinh thần đó thì thông lệ ban hành và triển khai thực hiện nhiều đạo luật của nước ta rất dễ vi phạm nguyên tắc pháp trị. Bởi vì nhiều đạo luật thường được giao cho bộ, ngành thuộc Chính phủ soạn thảo. Sau khi Quốc hội ban hành, chính bộ, ngành này soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật đó cho Chính phủ ban hành. Sau khi có nghị định lại cũng chính bộ, ngành này soạn thảo thông tư để chính mình hướng dẫn thi hành nghị định. Tình trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” cũng là chuyện hiếm thấy trên thế giới. Thông lệ này gây chậm trễ và phiền hà cho việc thực thi pháp luật là chuyện nhỏ, chuyện lớn và nguy hiểm hơn là mặc nhiên tạo ra quyền hành quá lớn cho các bộ. Có vô số những lý do để biện giải cho tình trạng một đạo luật được soạn thảo để không thi hành được ngay mà phải chờ có nghị định, một nghị định được soạn thảo cũng không thi hành được ngay mà phải chờ có thông tư, nhưng có một lý do ít ai dám đối mặt: Một số chỗ “không thi hành được ngay” đó sẽ được biến tấu mập mờ nhằm duy trì cơ chế xin cho, tạo đặc quyền cho cơ quan soạn thảo và là mảnh đất làm nẩy sinh các nhóm lợi ích. Đã có phiên tòa những người tham gia tố tụng phải làm công văn hỏi ý kiến của một bộ rằng việc này việc kia có đúng pháp luật hay không.

 
Việc “Nhà nước hóa” các tổ chức xã hội và nghề nghiệp không những làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà còn làm vô hiệu hóa các tổ chức này với tư cách là một thiết chế xã hội dân sự tự nguyện
Để bảo đảm nguyên tắc pháp trị, không thể không nói đến vai trò độc lập của tòa án. Nước ta không thực hiện “tam quyền phân lập”, là do ta có đặc điểm thực tiễn và truyền thống của ta, vả lại “tam quyền phân lập” như phương Tây chưa chắc là mô hình tối ưu, nhưng nhất định phải có cơ chế giới hạn và kiểm soát quyền lực, trong đó có vai trò của tòa án.

Cần hết sức lưu ý những quy định mới của Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định: “Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp hiện hành thì quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Hiến pháp cũ không nói rõ việc can thiệp vào hoạt động xét xử phạm tội gì, còn theo Hiến pháp hiện hành thì việc can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án là vi hiến. Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú trong một bài viết đăng trên website của Tòa này còn giải thích: “Tiến trình Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử” như quy định của Hiến pháp năm 1992”.

Vai trò độc lập của tòa án còn liên quan đến cơ chế bổ nhiệm và nhiệm kỳ thẩm phán. Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trong bài viết Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp đăng trên báo Nhân dân điện tử mới đây đã nêu rõ: “Nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng có ảnh hưởng đến sự độc lập của tư pháp. Khi được bảo đảm một nhiệm kỳ đủ dài, không phải lo lắng quá nhiều về việc tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ thẩm phán, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết mà không phải bận tâm tới phúc lợi cá nhân và nghề nghiệp của mình. Thẩm phán giữ nhiệm kỳ lâu dài giúp họ yên tâm với công việc xét xử, không phải bận tâm về việc tái bổ nhiệm nhiệm kỳ sau, cương quyết và độc lập hơn trong bảo vệ lẽ phải, công lý”. Còn theo ông Trần Văn Tú thì Thẩm phán chỉ nên có nhiệm kỳ trong thời gian đầu, nếu được bổ nhiệm lại thì làm việc cho đến khi về hưu, “đối với Thẩm phán TAND tối cao không có nhiệm kỳ, nghĩa là khi được Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn thì Thẩm phán TAND tối cao làm việc cho đến khi nghỉ hưu”.

Tóm lại, chỉ nói riêng việc quản lý nợ công và tài sản công, nếu những nguyên tắc pháp trị không được tuân thủ thì việc chống tham nhũng và ngăn chặn các nhóm lợi ích chỉ là những lời tuyên bố cho sướng miệng mà thôi.

Hoàng Hải Vân

>> Cơ chế ‘xin - cho’, nguồn gốc của núi nợ công
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> Khổ sở đi đòi nợ công ty vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.