Mỗi sáng, cậu bé Naser, 17 tuổi, thức dậy sớm để làm gạch. Cậu phải lao động quần quật suốt 14 giờ mỗi ngày và làm 7 ngày trong tuần. Có lẽ đó là công việc cậu phải làm cả đời mình. Cậu chưa hề được bước chân đến trường và chưa bao giờ có được một tuổi thơ đích thực.
Lao động thế nợ
Naser – không phải là tên thật của cậu bé – chỉ là một trong số hàng trăm ngàn trẻ em lao động gán nợ ở các lò gạch tại Pakistan. Theo đài CNN (Mỹ), những công nhân nhí này bị giữ chân ở đây bởi vì gia đình của chúng mắc những món nợ không thể trả nổi. Naser kể: “Ông chủ lò gạch đánh đập em nếu công việc không trôi chảy”.
Ở Pakistan, các tổ chức nhân quyền cho biết các chủ lò gạch thường đẩy người nghèo vào cảnh phải lao động gán nợ bằng cách cho họ vay nợ. Các gia đình này đồng ý làm việc để trừ nợ nhưng chủ của họ tính gộp vào đó cả lãi suất cao và chi phí sinh hoạt khiến cho họ không thể nào trả được nợ. Trong khi đó, tiền lương mỗi ngày của họ chưa tới 5 USD.
Ghulan Fatima, thuộc Mặt trận Giải phóng Lao động gán nợ, một tổ chức nhân quyền đấu tranh để giải thoát các gia đình nghèo khỏi các lò gạch ở Pakistan, nhận định: “Lao động bị cưỡng bức, có thể nói đó là hình thức nô lệ tồi tệ nhất”. Chị cho biết nếu bất cứ lao động nào từ chối làm việc, họ sẽ bị trừng trị một cách tàn bạo. Sự trừng trị đó cụ thể là: “Ông ta sẽ bị giết chết, con gái ông ta sẽ bị bắt cóc, bị quấy rối tình dục. Thậm chí một phụ nữ mới sinh con cũng phải làm việc. Nếu không, người mẹ này sẽ bị đối xử tàn bạo”.
Muhammad Mansha là một công nhân lò gạch, một lao động gán nợ. Anh đã phải liều mạng để giải thoát gia đình khỏi cuộc sống nô lệ. Mansha kể anh đã bán thận của mình để chuộc lại con do khoản nợ lớn của gia đình. Cuối cùng, Fatima đã giúp Mansha và các con anh. Thế nhưng, theo chị, có quá nhiều gia đình vẫn bị mắc nợ.
Vấn đề toàn cầu
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nô lệ tạm thời vẫn còn là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến hàng triệu người. Những người có nguy cơ nhất là các nạn nhân của hệ thống đẳng cấp trong các xã hội khắp châu Á, công nhân nhập cư và những ai lọt vào tay bọn buôn người.
Gần đây, CNN nêu trường hợp một phụ nữ Indonesia bị bán làm nô lệ tình dục ở Ả Rập Saudi sau khi đến đó như một công nhân nhập cư với hy vọng có thể gửi tiền về nhà để giúp đỡ gia đình. Sunarsih – tên đã được đổi – cho biết chị đã trốn ông chủ đầu tiên sau khi bị gạ gẫm, rồi bị bán với giá 1.300 USD cho một chủ chứa. Người này bắt chị phải tiếp khách liên tục trong suốt hơn một năm trời cho đến khi cảnh sát bố ráp, bắt giam và trục xuất chị.
Chị tâm sự: “Tôi cảm thấy như tôi đã chết rồi. Nhiều khi tôi có suy nghĩ tự tử vì như vậy có lẽ còn tốt hơn. Tôi bị làm nhục đến mức cùng cực. Người ta đối xử với tôi như với một con vật. Nhưng, chủ chứa luôn hứa hẹn rằng khách hàng trả giá cao cho tôi”.
12 triệu lao động gán nợ Các tổ chức nhân quyền nhấn mạnh rằng lao động gán nợ là một trong những cách phổ biến nhất để bắt buộc người ta làm việc ngược với ý muốn của họ. Liên Hiệp Quốc cho biết hiện có 12 triệu người lao động gán nợ mà tổ chức này xác định là nô lệ thời hiện đại. Rất nhiều gia đình ở các quốc gia như Ấn Độ, Nepal và Brazil nhận thấy họ không thể thoát khỏi nợ nần gia tăng liên tục và các mối đe dọa bạo lực. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, đôi khi họ phải dùng đến các phương cách liều lĩnh để tự giải thoát bản thân hoặc con cái họ. |
Ngô Sinh/ NLĐ
Bình luận (0)