Với Larrabee, mục tiêu của Intel là sản xuất GPU, nhưng cách tiếp cận khác hẳn so với GPU thông thường. Công ty đã công bố thông tin chi tiết về Dự án Larrabee vào năm 2008, nơi nó giống CPU hơn hầu hết các card đồ họa.
Larrabee có thể được coi như là một loại kết hợp giữa GPU và CPU đa lõi, sử dụng tập lệnh x86 giống như CPU máy tính để bàn với một số phần mở rộng nhất định dành riêng cho nền tảng. Nó có hệ thống phân cấp bộ đệm và kiến trúc của CPU, phần cứng lấy mẫu kết cấu và khả năng kết xuất của GPU.
Kết quả nó như là một bộ đồng xử lý đa năng. Thiết lập kết hợp cho phép nó tối ưu hóa mọi thứ, bao gồm cả dò tia theo thời gian thực - điều chưa thực sự thấy trên GPU dành cho máy tính để bàn cho đến khi Nvidia ra mắt dòng card RTX vào năm 2018.
Intel đã có ý định phát hành GPU tiêu dùng, và điều này càng được thể hiện khi một nguyên mẫu của Larrabee xuất hiện vào năm 2009 với sức mạnh ngang bằng Nvidia GTX 285. Nhưng khi mà nhiều người xem đó là tín hiệu về sự xuất hiện của GPU rời đầu tiên từ Intel, công ty đã từ bỏ ý định phát hành GPU.
Lý do khiến Larrabee thất bại
Ở thời điểm hiện tại, lý do cụ thể khiến Intel gác lại dự án Larrabee vẫn chưa được xác định, nhưng một số dự đoán cho rằng điều đó bắt nguồn từ sự chậm trễ trong quá trình phát triển. Intel dự định phát hành GPU dành cho người tiêu dùng vào năm 2009 - 2010, và khi năm 2009 trôi qua, mọi thứ càng trở nên rõ ràng khi dự án gần như không bắt kịp kế hoạch.
Các nguồn tin cho biết thêm, những con số hiệu suất đáng thất vọng cũng khiến Intel không bao giờ thực sự phát hành nó. Do cách thức hoạt động, Larrabee thiếu phần cứng cho các tính năng như đệm và cắt khi tất cả đều được thực hiện trong phần mềm. Về cơ bản, kết hợp CPU - GPU của Intel không hoạt động tốt trong các tác vụ đồ họa như các GPU chuyên dụng.
Một số nguồn tin cũng nói rằng, có khả năng tại một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển, Intel đã thấy mọi thứ đang hình thành như thế nào và quyết định việc phát hành sản phẩm này dường như không phải là ý tưởng tốt, ít nhất với tư cách là một GPU. Dự án không bị khai tử hoàn toàn khi công nghệ và những gì Intel học được khi tạo ra nó đã được tái sử dụng cho sản phẩm khác.
Mở đường cho Xeon Phi
Mặc dù không phát hành GPU nhưng Intel đã áp dụng lại kiến thức thu được của mình từ Larrabee vào loạt bộ đồng xử lý Xeon Phi. Vì Larrabee thực sự tốt trong việc xử lý phần mềm và các tác vụ chạy trên bộ xử lý x86 nên Intel đã quyết định sử dụng điều đó cho CPU và cắt bỏ hoàn toàn phần xử lý đồ họa. Từ đó, Xeon Phi đã ra đời.
Ban đầu, Intel phát hành Xeon Phi dưới dạng bộ đồng xử lý, nơi thẻ PCI Express tách biệt với CPU thông thường. Ngay sau đó, công ty cũng chọn phát hành dưới dạng CPU độc lập thay vì chỉ là bộ đồng xử lý. Các CPU cuối cùng ra mắt dưới thương hiệu Xeon Phi được trang bị đến 72 lõi, và không giống như các GPU thông thường đi kèm công nghệ siêu phân luồng với 2 luồng cho mỗi lõi, những CPU này đi kèm với công nghệ siêu phân luồng bốn chiều, mang lại một con số khổng lồ 4 luồng cho mỗi lõi. Kết quả là các CPU 72 lõi này cũng có 288 luồng.
Xeon Phi được sử dụng trong các ứng dụng chuyên dụng cũng như các siêu máy tính như Tianhe-2. Chúng là những bộ phận rất chuyên dụng cho các nhiệm vụ điện toán cụ thể thay vì các CPU máy chủ Xeon thông thường.
Sau nhiều năm, Intel đã quay trở lại với lĩnh vực GPU. Vào năm 2018, công ty công bố ý định đưa GPU rời ra thị trường vào năm 2020, và thực tế là card đồ họa Xe DG1 đã ra mắt năm 2020. Tiếp theo đó là dòng card chơi game Intel Arc vào năm 2022. Nhìn chung, những nỗ lực của Intel trong lĩnh vực GPU cuối cùng cũng thu lại kết quả.
Bình luận (0)