Nỗ lực để lương tăng, giá không tăng

27/07/2024 06:23 GMT+7

Các doanh nghiệp và cơ quan chức năng TP.HCM đang chung tay đẩy mạnh nguồn cung hàng bình ổn ra thị trường nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tăng lương để tăng giá bất hợp lý.

Bà nội trợ tiết kiệm nhờ săn chương trình khuyến mãi

Nhiều người vẫn có thói quen đi chợ truyền thống mỗi buổi sáng để mua được thực phẩm tươi mới hằng ngày cho gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ biến động liên tục thì họ đã chuyển sang siêu thị với các chương trình khuyến mãi lớn để chọn được hàng tốt, giá mềm hơn.

Ảnh 1.jpg

TP.HCM đẩy mạnh các chương trình bình ổn thị trường phục vụ người tiêu dùng

CTV

Chị Lý Ngọc Ngân (ngụ Q.11, TP.HCM) chia sẻ: "Bản thân tôi thích đi chợ truyền thống vì đó là thói quen nhiều năm qua, nhất là cảm giác gần gũi khi có sự giao tiếp giữa người mua kẻ bán. Tuy nhiên, gần đây giá cả ngoài chợ biến động thường xuyên, lượng tiền chi ra thường vượt chi phí dự trù cho mỗi bữa chợ. Theo sự mách bảo của nhiều chị em, tôi chuyển qua mua sắm ở siêu thị và mua hàng qua mạng vì có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích điểm. Ở nhiều siêu thị thường có các chương trình bán hàng giảm giá theo chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Chỉ cần lưu ý một chút sẽ mua được hàng hóa với giá cả rất phải chăng. Thay vì phải đi chợ mỗi ngày thì cũng có thể mua số lượng nhiều hơn để sử dụng cho cả tuần để được giá tốt hơn", chị Ngân nói.

Trên nhiều hội nhóm, các bà các chị cũng rủ nhau đi siêu thị để chọn được hàng ngon, giá rẻ. Chị Trần Thị Hạnh, ngụ Q.Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ: Ngoài các chương trình bình ổn thị trường chung thì những nhãn hàng cũng thường có chương trình riêng cho từng mặt hàng hoặc sản phẩm mới. Chỉ cần chịu khó để ý hoặc tham khảo thông tin trên báo chí hoặc các trang web của siêu thị thì sẽ mua được hàng tốt với giá hời. Thời buổi khó khăn chung nên phải tính toán từng chút. Mỗi chỗ một ít sẽ giúp tiết kiệm được một khoản kha khá cho gia đình để ứng phó với tình cảnh vật giá leo thang.

Tính toán của các bà nội trợ là có thể hiểu bởi thời gian gần đây TP.HCM triển khai nhiều chương trình bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là sau khi lương tăng. Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM) cho biết nhằm hạn chế việc giá cả hàng hóa tăng theo lương từ ngày 1.7, TP.HCM đã chủ động và đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc: đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Theo quy chế của chương trình, DN tham gia với lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng bổ sung khi xảy ra khan thiếu hàng hóa cục bộ; hệ thống phân phối cũng phủ khắp địa bàn thành phố để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

"Chúng tôi cũng theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định", ông Hùng nói.

DN chung tay bình ổn thị trường

Là một trong những DN tham gia chương trình bình ổn thị trường nhiều năm qua, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt, thông tin: Hiện tại đang sắp vào mùa trung thu, nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm bắt đầu tăng, đặc biệt với mặt hàng trứng vịt muối. Bên cạnh đó, giá thu mua trứng từ các trang trại cũng tăng khá cao so với đầu năm. Ngoài ra, việc lương tăng từ 1.7 cũng làm tăng chi phí giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, theo cam kết với lãnh đạo thành phố và chương trình bình ổn thị trường, Vĩnh Thành Đạt vẫn cung cấp trứng ra thị trường với giá bình ổn. "Trứng là mặt hàng rất thiết yếu, đặc biệt với những người có thu nhập thấp, chính vì vậy chúng tôi cũng tìm mọi cách cắt giảm chi phí sản xuất để chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng", ông Thiện cho biết.

Ảnh 2.jpg

Các kênh phân phối hiện đại với những chương trình giảm giá, khuyến mãi góp phần bình ổn thị trường

Chí Nhân

Cũng là một DN bình ổn thị trường nhiều năm qua, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), nói: "Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục tăng và duy trì mức cao nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn bán theo diện hàng bình ổn giá, tức thấp hơn giá thị trường. Vừa qua chúng tôi có kiến nghị xin tăng giá theo xu hướng giá heo hơi tăng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đồng ý. Do đó, lãnh đạo DN cũng phải tìm cách giảm chi phí để vừa đảm bảo nhiệm vụ phục vụ cộng đồng vừa thực hiện các mục tiêu kinh doanh".

Đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ: "Chúng tôi có sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp để giữ ổn định giá hàng hóa, triển khai các chương trình khuyến mãi để đồng hành với người tiêu dùng. Đặc biệt, để chia sẻ với người lao động khó khăn, chúng tôi đã tổ chức các phiên chợ đồng giá, mang đến cho khách hàng hơn 100 sản phẩm rau xanh, trái cây, thủy hải sản… được bán từ 10.900 đồng trở lên theo khung giờ quy định trong ngày. Các chương trình được thiết kế khoa học, hài hòa, thiết thực với cộng đồng, giúp các bà nội trợ giảm áp lực trong việc cân đối tài chính gia đình". "Không riêng Saigon Co.op mà các nhà cung cấp cũng đang phải "gồng mình" và chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn chung", ông Thắng cho biết thêm.

Theo đó, Saigon Co.op đang giảm giá đến 50% cho 1.500 mặt hàng tại 800 điểm bán trên toàn quốc trong chương trình "Cơm nhà nồng nàn - hương vị ngập tràn" kéo dài đến hết ngày 31.7. Đặc biệt tại khu vực TP.HCM, Saigon Co.op phối hợp với các đối tác kinh doanh xây dựng kế hoạch dài hạn về nguồn cung ứng, về sản lượng hàng hóa dồi dào để có thể tổ chức các lễ hội theo từng ngành hàng, từng sản phẩm, từng vụ mùa, mục đích là giúp người tiêu dùng luôn có nhiều lựa chọn cho bữa ăn ngon, chất lượng, giá cả phù hợp nhất. Có thể kể đến như "Lễ hội rau Đà Lạt" diễn ra từ ngày 22 - 28.7 với 200 mặt hàng rau củ quả từ vùng nguyên liệu Đà Lạt giảm giá đến 33%. Hay như chương trình "Bếp nhà khang trang" đang ưu đãi từ 17 - 46% cho các đồ dùng bếp: nồi cơm điện, bếp, nồi inox, hộp nhựa thực phẩm, chất tẩy rửa…

Lượng hàng bình ổn thị trường tăng mạnh

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024 - 2025 trên địa bàn TP.HCM thu hút 69 DN tham gia, tăng 10 DN so với năm 2023. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín như: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa; Vinamilk, Nutifood, Vissan… Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4 - 6% so năm 2023; chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường. Bên cạnh những sản phẩm thiết yếu, chương trình mở rộng và bổ sung nhiều nhóm mặt hàng mới, đặc biệt là sản phẩm điện tử phục vụ học tập như laptop, máy tính để bàn… Dưới sự điều phối của Sở Công thương, các DN sản xuất và nhà phân phối đã hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả từ khâu sản xuất đến chế biến và kinh doanh. Nhờ chuỗi cung ứng bền vững nên tiết kiệm được giá thành và DN mạnh dạn cải tiến sản xuất - kinh doanh, từ đó ổn định đầu ra và giá bán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.