Mưa lũ tại khu vực miền Trung khiến lưu lượng nước về hồ Sông Tranh 2 tăng đột biến trong thời gian ngắn. Song do đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nên Công ty thủy điện Sông Tranh đã chủ động báo cáo và tham mưu kịp thời cho Ban chỉ huy Phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam để ban hành các lệnh vận hành đảm bảo an toàn công trình, điều tiết cắt, giảm lũ về hạ du.
Thủy điện Sông Tranh 2 là công trình đa mục tiêu vừa vận hành đảm bảo an toàn công trình; giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ; đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho hạ du trong mùa cạn. Địa hình lưu vực Sông Tranh có độ dốc lớn, lại thường có mưa nhiều tập trung nên lũ lên nhanh và xuống nhanh, tốc độ dòng chảy lớn, mùa lũ tuy ngắn nhưng có lượng dòng chảy chiếm tới 60-70% của cả năm và dung tích của hồ tương đối nhỏ (khoảng 729,14 triệu m3). Vì vậy, công tác vận hành điều tiết hồ chứa gặp rất nhiều khó khăn, nếu dự báo, tính toán không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả cắt giảm lũ cho khu vực hạ du cũng như có thể không tích trữ đủ nước cho tưới tiêu trong mùa cạn. Vì vậy, nhân viên vận hành phải ứng trực 24/24h để theo dõi mực nước hồ, lưu lượng về hồ 15 phút/1 lần và khi có sự thay đổi thì thao tác để điều chỉnh cửa van đập tràn nhằm thay đổi lưu lượng xả điều tiết nước về hạ du cho phù hợp.
Trong quá trình vận hành điều tiết hồ chứa, công ty đã chủ động thông báo đến các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của quy trình liên hồ, ngoài ra còn thông báo đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Điện Bàn, Hội An tỉnh Quảng Nam và thông báo qua hệ thống loa phóng thanh của các trạm cảnh báo lũ từ xa cho bà con nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin mưa, lũ để chủ động phòng tránh.
Từ ngày 1 - 17.10, tổng lượng nước về hồ trong các cơn lũ vừa qua là 623,28 triệu m3, tuy nhiên chỉ xả về hạ du 231,37 triệu m3 (gồm nước xả qua tràn và chạy máy phát điện) và đã tích trữ lại hồ chứa là 391,91 triệu m3, góp phần cắt lũ đáng kể cho hạ du đồng thời phối hợp tốt với các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai nên hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Không chỉ tại Sông Tranh, để thống nhất ứng phó các diễn biến mưa lũ, EVN GENCO1 đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị thủy điện khu vực miền Trung và Tây nguyên thực hiện việc phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương để thống nhất các phương án triển khai. Mục tiêu quan trọng là đảm bảo điều tiết lũ, đảm bảo an toàn hạ du; đồng thời với đảm bảo an toàn công trình hồ đập và đảm bảo sản xuất. Việc xả nước điều tiết và xả lũ tuyệt đối tuân thủ quy trình liên hồ chứa.
EVNGENCO1 cũng chỉ đạo các đơn vị thủy điện gửi thông báo về việc xả nước trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, đài phát thanh, hệ thống tin nhắn cảnh báo để chính quyền và người dân địa phương chủ động ứng phó. Ví dụ, theo kết quả phối hợp kiểm tra hạ du sáng ngày 16.10 giữa Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và BCH PCTT&TKCN huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, do được cảnh báo và thông báo từ nhiều ngày trước, các hộ gia đình canh tác rau màu dọc sông Đa Nhim đã chủ động thu hoạch nông sản nên bị ảnh hưởng không đáng kể bởi việc xả nước từ đập Đơn Dương.
Nói về việc vận hành các hồ thủy điện xả lũ khu vực miền Trung, tại họp báo của Bộ Công thương cuối tuần trước, ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết nhiều hồ thủy điện có dung tích nhỏ, không có khả năng phòng lũ. Khi nước về qua đập tràn sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du. Còn các hồ có dung tích lớn, có khả năng cắt lũ, như Sông Tranh, A Vương việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ, được quy định mức đón lũ và các hồ này hiện đều duy trì mức đón lũ để làm chậm, giảm lũ hạ du.
Bình luận (0)