Đảm bảo lương hưu cho tuổi già
Gặp chúng tôi khi đến đóng tiền BHXH tự nguyện tại đại lý ở xã, ông Đặng Văn Nghi (54 tuổi), trú thôn 4, xã Bình Hòa, H.Krông Ana (Đắk Lắk), cho biết từ năm 2009 đến nay mỗi tháng ông đều dành ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện ở mức tối thiểu. “Gia đình tôi làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, nhưng qua tìm hiểu tôi thấy tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích khi về già, nhất là có lương hưu như người từng công tác nhà nước, đỡ gánh nặng kinh tế cho con cái. Tôi cũng đang vận động thêm mọi người trong gia đình và hàng xóm của mình tham gia”, ông Nghi chia sẻ.
Cả hai vợ chồng ông Trần Nha Trang (51 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lý (49 tuổi) ở xã Bình Thuận, TX.Buôn Hồ, đều tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 3.2017. Ông Trang bộc bạch: “Gia đình tôi trồng cà phê, tiêu, những năm gần đây thu nhập có chút dư dả nhưng lo ngại đến khi tuổi cao, vợ chồng không còn sức lao động, không thể “ăn bám” con cái nên tham gia BHXH là cách có thu nhập từ lương hưu về sau”.
Chị Nguyễn Thị Thủy, ở P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, đã đóng BHXH tự nguyện được 1 năm nay. Trước đây, sau khi tốt nghiệp ĐH ngành tài chính ngân hàng, chị làm việc vài tháng ở một doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM và đã tham gia BHXH bắt buộc. Vì lý do gia đình, chị về lại Buôn Ma Thuột, chưa tìm được việc làm ưng ý nhưng chị không muốn bỏ lỡ thời gian nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, với phương thức đóng 6 tháng một lần (mức đóng 3 triệu đồng). “Thấy vậy, một số người bạn của tôi mở trang trại nông nghiệp, hoặc buôn bán kinh doanh tạm thời cũng bắt đầu tham gia đóng BHXH tự nguyện để có thâm niên đóng BHXH nhiều hơn, sau này lương hưu sẽ cao hơn”, chị Thủy cho biết.
|
Công tác tuyên truyền đi trước
Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Từ năm 2009, ngành BHXH Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tuy đạt số thu BHXH tự nguyện theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao nhưng so với số lượng lao động trên địa bàn, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 2.100 người tham gia BHXH tự nguyện, phần lớn trong số này là những người trước đây từng tham gia BHXH bắt buộc, vì nhiều lý do đã nghỉ việc, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đến tuổi nghỉ hưu có thể nhận lương hưu. “Đối tượng lao động tự do như nông dân, tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện đang còn ít, trong khi đây là lực lượng lao động đông đảo trong xã hội. Có nhiều lý do dẫn đến số lao động tham gia BHXH tự nguyện từ đầu thấp mà chủ yếu là người trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc”, bà Xuân nói.
Theo bà Xuân, phần lớn người dân nhận thức về BHXH tự nguyện còn rất hạn chế, chưa thấy được lợi ích lâu dài do BHXH tự nguyện mang lại. Mặt khác, quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự hấp dẫn, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao đông, bệnh nghề nghiệp không được thụ hưởng.
Bà Xuân cho rằng để người dân nhận thức đúng về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện và tích cực tham gia, công tác tuyên truyền luôn phải đi trước, sâu rộng ở khắp các địa bàn dân cư, đối với tất cả người lao động ở các ngành nghề không tham gia BHXH bắt buộc. “Sắp tới, ngành BHXH có chương trình phối hợp tích cực với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để đưa nội dung tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến với tất cả hội viên. Đồng thời tăng cường cải cách hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu tham gia”, bà Xuân nói. Ngoài ra, bà Xuân cho biết ngành BHXH cũng đang kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định bổ sung các chế độ được hưởng (ngoài hưu trí, tử tuất) đối với người tham gia BHXH tự nguyện, để tăng tính hấp dẫn và lợi ích thiết thực của chính sách bảo hiểm này.
Quy định ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18.2.2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; cụ thể:
1- Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 2- Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 3- Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 10 năm đóng BHXH. Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2018 là 700.000 đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ bằng cách hàng quý ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH để chuyển tiền đóng vào quỹ BHXH, trên cơ sở mức hỗ trợ mà người dân được hưởng, và sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH.
Chính sách BHXH tự nguyện cũng thay đổi phương thức đóng (đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu…) nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được hưởng chế độ hưu trí.
Khi đóng BHXH đủ 10 năm trở lên mà hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi) thì được đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm và được nhận lương hưu ngay. Do đó, nếu mới đăng ký tham gia BHXH lần đầu mà người lao động đã ở tuổi 50 đối với nam, 45 tuổi đối với nữ vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu theo quy định này.
|
Bình luận (0)