Nỗ lực kéo giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội

22/02/2018 07:00 GMT+7

Tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội là giải pháp quan trọng nhằm cải thiện nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong năm 2018.

Doanh nghiệp nợ, người lao động thiệt thòi
Theo thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Buôn Ma Thuột, đến đầu tháng 2.2018, trên địa bàn thành phố có 517 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 6 tháng trở lên với tổng số nợ hơn 36,7 tỉ đồng; không ít lao động ở các DN đã bị ảnh hưởng quyền lợi từ những khoản nợ này. Mới đây, tại chi nhánh Công ty TNHH hợp tác quốc tế G.G, có hai trường hợp nữ công nhân không được thanh toán chế độ nghỉ thai sản, nguyên nhân do đơn vị này nợ nộp BHXH của người lao động 207 triệu đồng kể từ tháng 5.2017.
BHXH TP.Buôn Ma Thuột cũng cho biết tại 2 doanh nghiệp (DN) nợ kéo dài khá lâu là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Việt Khôi (nợ BHXH 782 triệu đồng từ tháng 8.2014) và Công ty TNHH Toàn Thắng (nợ 356 triệu đồng từ tháng 3.2015), có hai lao động là N.T.V.A và T.H.M nghỉ thai sản nhưng không được thanh toán chế độ.
“Những trường hợp trên cho thấy việc DN nợ đóng BHXH đã làm thiệt thòi quyền lợi của người lao động đáng ra được hưởng”, bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó giám đốc BHXH TP.Buôn Ma Thuột, nhận xét.Theo bà Trà, trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 2.000 đơn vị tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; trong đó có khoảng 1.200 DN ngoài quốc doanh, phần lớn là DN nhỏ và vừa, khá nhiều DN diện “siêu nhỏ”, chỉ với vài lao động. Nhiều DN trước đây sử dụng lao động không thường xuyên, lao động thời vụ dưới 3 tháng nên lách luật, không ký hợp đồng lao động để tránh đóng BHXH. “Trong số DN nợ BHXH đến đầu năm 2018, có đến 245 DN “mất tích” có số nợ gần 15 tỉ đồng. Qua nhiều lần kiểm tra, xác minh, những DN này không còn hoạt động, khóa mã số thuế, không có địa chỉ rõ ràng, không liên lạc được nên cơ quan BHXH gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ”, bà Trà cho biết.
Dai dẳng “nợ Ea Tul”
Trên phạm vi toàn tỉnh, tình trạng DN nợ BHXH, BHYT, BHTN cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Theo thống kê của Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, hiện có 616 đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ hơn 66 tỉ đồng. Nhiều đơn vị nợ kéo dài nhiều năm với số tiền lớn như: Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Tul (gọi tắt Công ty Ea Tul) nợ và lãi chậm đóng hơn 12 tỉ đồng, Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk 5,8 tỉ đồng, Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715A gần 3,8 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng số 1 gần 2 tỉ đồng…
Nợ đọng tại Công ty Ea Tul (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cà phê VN) chiếm gần 20% số nợ BHXH toàn tỉnh, có thời gian nợ gần 60 tháng. DN này có trên 200 lao động, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, cơ chế khoán và quản lý sản phẩm không chặt chẽ… Khi có tiền thì đơn vị cân đối vào các khoản chi khác mà ít quan tâm đến nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đắk Lắk, việc nợ đọng trên đã vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các quy định của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ hưu trí, nghỉ việc một lần, ốm đau, thai sản…
Những năm qua, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Tổng công ty cà phê VN đề nghị có chính sách hỗ trợ giải quyết nợ tồn đọng BHXH, BHYT, BHTN đối với Công ty Ea Tul, nhưng đến nay tình hình nợ đọng tại công ty này vẫn không được cải thiện và ngày càng trầm trọng hơn. Vào tháng 7.2017, Tổng công ty Cà phê VN đã kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH về việc xử lý các khoản nợ BHXH, không tính lãi đối với trường hợp chậm nộp tiền đóng BHXH của Công ty Ea Tul. Tuy nhiên, trong một văn bản trả lời hồi tháng 10.2017, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc kiến nghị không tính lãi trường hợp chậm nộp tiền đóng BHXH của Công ty Ea Tul là không đúng với quy định của Luật BHXH. Bộ này cũng đề nghị Tổng công ty Cà phê VN căn cứ quy định của Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ, hướng dẫn Công ty Ea Tul thực hiện đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc xử lý khoản nợ đọng của Công ty Ea Tul vẫn còn gặp nhiều khó khăn do liên quan việc sắp xếp DN này. “Theo văn bản số 2252/TTg-ĐMDN ngày 10.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp và tái cơ cấu Tổng công ty Cà phê VN thì Công ty Ea Tul thuộc diện giải thể trong năm 2016. Do đó, việc giải thể cùng với giải quyết số nợ đọng BHXH nói trên đang cần Tổng công ty Cà phê VN cùng các ngành liên quan có hướng thực hiện cụ thể”, ông Khánh đề nghị.
Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành
Theo ông Lê Xuân Khánh, để kéo giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống dưới 10% so với kế hoạch thu trong năm 2018 (năm 2017 là 14%) đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhất là xử lý kiên quyết đối với những đơn vị cố tình không chấp hành quy định pháp luật về BHXH. “Mặc dù tỷ lệ nợ đọng BHXH của Đắk Lắk thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước nhưng BHXH tỉnh cũng xem đây là một trong những nhiệm vụ tập trung thực hiện trong năm 2018. Công tác khai thác, thu nợ tiếp tục có biện pháp thu hồi nợ đọng đối với những đơn vị có số nợ lớn; đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đối với lao động trong các DN ngoài quốc doanh”, ông Khánh cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2018, việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH sẽ là giải pháp quan trọng góp phần cải thiện tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động. Ngành BHXH cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tới người sử dụng lao động và người lao động để nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật; công khai các hành vi vi phạm pháp luật để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong đấu tranh với các chủ thể vi phạm.
“Bên cạnh đó, ngành BHXH tiếp tục tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quản lý, đôn đốc các DN thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN; xử lý vi phạm của các đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với công đoàn các cấp, các cơ quan tố tụng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện biện pháp khởi kiện đối với những đơn vị sử dụng lao động cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN”, bà Xuân nhấn mạnh.
Có chế tài “đủ mạnh”
Bà Nguyễn Thị Xuân nhận định Luật BHXH 2014 và Nghị định 21/2016/NĐ-CP ngày 31.3.2016 của Chính phủ, với nhiều điểm mới giao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho ngành BHXH, cùng với Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 đã quy định việc xử lý hình sự đối với nhóm tội danh như tội gian lận, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động… Đây được xem là những chế tài "đủ mạnh" để giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.