Những đợt sóng khổng lồ do trận động đất 9,0 độ richter gây ra đã ập vào bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, tàn phá nhiều thị trấn chỉ trong vài giờ buổi chiều ngày 11.3.2011.
Đến sáng ngày 12.3.2011, lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót và thi thể nạn nhân trong những đóng đổ nát và hàng trăm thi thể bắt đầu dạt vào bờ biển, theo AFP. Đến lúc 15 giờ 30 cùng ngày, một vụ nổ đã xảy ra tại một trong những lò phản ứng hạt nhân bị trục trặc ở nhà máy điện.
Các công nhân đã đổ nước biển vào nhà máy hạt nhân, cố gắng làm mát các lò phản ứng vì hệ thống làm mát đã bị hỏng, nhưng 2 vụ nổ khác đã làm rung chuyển nhà máy điện trong các ngày ngày 14 và 15.3.2011 và sau đó ngọn lửa bùng phát tại một lò phản ứng. Thảm họa đã làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, buộc hơn 160.000 cư dân phải sơ tán theo lệnh hoặc tự nguyện vì rò rỉ phóng xạ trong không khí, theo Reuters.
Nỗ lực tái xây dựng cộng đồng dân cư
Đến nay, chính quyền tuyên bố nhiều khu vực ở Fukushima là an toàn sau khi dọn dẹp phóng xạ và các thị trấn nỗ lực thu hút mọi người quay trở lại.
Chẳng hạn, ông Masakazu Daibo trở về Fukushima vào năm 2020 và đã mở cửa lại nhà hàng chuyên về món lươn của gia đình mình tại thị trấn Namie, nằm cách nhà máy điện hạt nhân khoảng 9 km. Thị trấn Namie và 11 cộng đồng lân cận xung quanh nhà máy điện đã trở thành khu vực cấm sau thảm họa.
Trong suốt nhiều năm qua, ông Daibo chỉ có thể trở về Namie trong những chuyến thăm ngắn ngủi. "Thị trấn vẫn còn đó nhưng không có người ở. Tôi không nghe thấy tiếng người, và chỉ thấy chó hoang, bò, lợn”, ông Daibo (65 tuổi) kể về những chuyến thăm ngắn ngủi đó.
|
Phóng xạ bao trùm khắp khu vực buộc Daibo phải vứt bỏ mọi thứ trong nhà hàng. Ông Daibo và vợ từng do dự nhiều lần về việc quay trở lại. Sau khi chính quyền dỡ bỏ dỡ bỏ quy định hồi năm 2017, họ quyết định sẽ cố gắng vực dậy cộng đồng nơi đây.
“Tôi muốn mọi người thốt lên: Ồ, đây là hương vị đã bị lãng quên lâu nay khi họ nếm thử món ăn của tôi. Tôi hy vọng sự hiện diện của vợ chồng tôi giúp mang đến chút ánh sáng cho thị trấn này”, ông Daibo nói.
“Tôi không thể trở về”
Không giống như ông Daibo, nhiều người dân đã quyết định không trở về, bất kể chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích bao gồm giảm giá thuê nhà và hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà cửa. Dân số Namie chỉ còn 7% so với quy mô cũ là 21.000 người dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ đối với chỉ 20% thị trấn.
Khoảng 36% người dân tại Namie là ở độ tuổi 65 trở lên và chỉ có 30 học sinh theo học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở ở địa phương, so với gần 1.800 trước đây. Chính quyền thị trấn Namie kỳ vọng sẽ nâng dân số lên 8.000 người vào năm 2035, với khoản trợ cấp quốc gia lên tới 2 triệu yên (18.500 USD) cho mỗi gia đình mới chuyển đến đây.
Hiện chỉ còn 2% tỉnh Fukushima vẫn còn thuộc diện phải tuân thủ lệnh sơ tán. Tuy nhiên, chính quyền không đưa ra thời hạn cuối cùng để dỡ bỏ tất cả lệnh sơ tán và nhiều người dân vẫn hoài nghi về dự án ngừng hoạt động nhà máy điện Fukushima Daichii sớm nhất là vào năm 2041.
Nhiều người vẫn lo ngại về phóng xạ và không tin tưởng vào quy trình dọn dẹp phóng xạ và đây chính là trở ngại lớn để chính quyền khuyến khích họ quay trở lại. "Nếu tôi ở một mình, tôi sẽ về nhà ở Fukushima, nhưng là một người mẹ, tôi muốn tránh rủi ro cho các con", cô Megumi Okada (38 tuổi) sống ở thủ đô Tokyo chia sẻ. Hiện cô Okada có 4 con và cô mang thai đứa con thứ 3 vào thời điểm thảm họa xảy ra và phải sơ tán khỏi Fukushima.
|
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Đại học Kwansei Gakuin, khoảng 2/3 số người sơ tán khỏi Fukushima không có kế hoạch quay trở lại. "Nhiều người cho rằng họ không thể tin tưởng vào mục tiêu ngừng hoạt động nhà máy điện Fukushima Daichii cùng sự mất lòng tin của họ đối với các biện pháp xử lý rò rỉ phóng xạ của chính phủ", giáo sư Yoko Saito của Đại học Kwansei Gakuin cho biết.
Tỷ lệ trở về các khu vực đã mở cửa lại hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, Futaba trở thành “thị trấn ma” vì không một ai quay trở lại. Tại làng Kawauchi, lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ hồi năm 2016 nhưng hiện dân số chỉ còn 68% so với con số trước năm 2011.
Đài NHK gần đây công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy 85% người dân Nhật Bản lo ngại về tai nạn hạt nhân.
Chỉ có 9 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân thương mại còn lại của Nhật Bản đã được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn thời hậu Fukushima và chỉ có 4 lò đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa.
Năng lượng hạt nhân cung cấp 6% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020, 23,1% từ các nguồn tái tạo (điện gió và điện mặt trời) và gần 70% là nhiên liệu hóa thạch.
|
Trong khi đó, nhiều người trở về nhưng vẫn bị ám ảnh bởi nỗi sợ phóng xạ. “Các quan chức chính phủ đề nghị kiểm tra phóng xạ nghiêm ngặt thực phẩm trong khu vực, nhưng nhiều người vẫn lo sợ", ông Takao Kohata (83 tuổi) đã quay trở lại thành phố Minamisoma, nói.
Còn ông Yuko Hikichi (83 tuổi) trở về thị trấn Namie cách đây 3 năm trước và đang sống một mình trong một khu nhà mới. Vợ ông Hikichi thiệt mạng trong trận động đất sóng thần.
Ông Hikichi hỗ trợ tổ chức các cuộc họp mặt người dân và các buổi tập thể dục theo nhóm để tăng cường mối quan hệ cộng đồng ở Namie. Dù vậy, ông vẫn phải thừa nhận nỗ lực tái thiết một thị trấn hậu thảm họa không chỉ đơn giản là xây dựng lại các căn nhà. “Gầy dựng lại một cộng đồng mới thật sự là một thách thức lớn”, ông Hikichi nói.
Bình luận (0)