>> Video clip động đất 8,9 độ Richter gây sóng thần ở Nhật (nguồn RT)
>> Cảnh báo sóng thần khắp Thái Bình Dương
>> Bạn đọc Thanh Niên ở Nhật gửi ảnh động đất
>> Động đất, sóng thần ở Nhật: Ít nhất 32 người chết
>> Trận động đất ở Nhật mạnh thứ 7 trong lịch sử thế giới
>> Nhật đóng cửa sân bay quốc tế chính
>> Bạn đọc TNO ở Nhật tường thuật trận động đất kinh hoàng
>> Sóng thần không ảnh hưởng đến Việt Nam
>> GDP Nhật có thể giảm 1% vì sóng thần
>> Tàu chở 100 người bị sóng thần cuốn trôi
>> Những trận động đất kinh hoàng nhất tại Nhật
Cảnh quay của đài truyền hình NHK cho thấy có khói bốc lên từ nhà máy điện và một số công nhân bị thương. Mức phóng xạ ở khu vực bên ngoài nhà máy đã tăng cao gấp 20 lần.
Đài NHK cũng cho biết các bức tường và mái của nhà máy điện Daiichi đã sụp đổ trong vụ nổ. Người dân ở gần khu vực nhà máy được khuyến cáo ở trong nhà.
Trước đó, giới chức Nhật Bản xác nhận có một vụ rò rỉ phóng xạ diễn ra tại đây.
Các quan chức hạt nhân cũng cảnh báo về nguy cơ tan chảy lõi của các lò phản ứng hạt nhân do những hỏng hóc của nhà máy sau vụ động đất và sóng thần kinh hoàng vào hôm qua, 11.3.
Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano nói trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau vụ nổ rằng ông không thể xác nhận vụ nổ xảy ra ở các lò phản ứng.
Ông nói giới chức Nhật đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, song yêu cầu người dân hãy bình tĩnh và không nghe theo những tin đồn. Ông Edano cũng kêu gọi người dân hãy tiết kiệm điện.
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói tổ chức này có biết về vụ nổ nhà máy điện hạt nhân và đang ráo riết tìm kiếm thông tin từ nhà chức trách Nhật.
Trong khi đó, các kênh truyền hình Nhật tiếp tục đưa ra khuyến cáo. Theo đó, người dân ở khu vực lân cận được khuyên đóng cửa, tắt máy điều hòa và không uống nước từ vòi.
Những người đang ở bên ngoài được khuyến cáo che phủ da và bảo vệ mặt bằng mặt nạ và khăn ướt.
Một nhóm cứu hộ đặc biệt từ Sở Cứu hỏa Tokyo cũng được lệnh đến nhà máy Daiichi, theo ông Edano.
Theo Reuters, vụ nổ xảy ra khi TEPCO đang nỗ lực giảm áp tại lõi của lò phản ứng mà nếu không kiểm soát được có thể làm thoát phóng xạ ra môi trường bên ngoài.
Chuyên gia hạt nhân Mark Hibbs nói với Reuters, vụ nổ có thể gây là một "cú sốc vật lý" với nhà máy và gia tăng nguy cơ các lớp che chắn bị phá vỡ và phóng xạ thoát ra.
"Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào từ bên trong nhà máy. Đó là vấn đề đau đầu trong trường hợp này", ông Hibbs nói.
Vào lúc 17 giờ 10 (giờ địa phương), đài truyền hình NHK loan báo vùng sơ tán xung quanh các nhà máy ở tỉnh Fukushima đã được mở rộng ra 20km.
Vào lúc 18 giờ 30 phút (giờ VN), ông Edano dẫn nguồn tin từ TEPCO thông báo vụ nổ tại nhà máy Daiichi không phải xảy ra tại lò phản ứng. Theo ông Edano, khu chứa các lò phản ứng cũng như phần lõi không bị hư hại trong vụ nổ.
Ông Edano cũng cho biết, mức phóng xạ xung quanh nhà máy đã giảm xuống theo sau vụ nổ, theo hãng tin Kyodo.
Cùng lúc đó, xuất hiện trên đài truyền hình, Thủ tướng Nhật Naoto Kan mô tả trận động đất và sóng thần là thảm họa mà nước này chưa từng gặp phải. Ông Kan kêu gọi người dân hãy hành động có trách nhiệm, nghe theo lời khuyên và thông tin từ các phương tiện truyền thông.
Ông Kan cho biết, ông đã nói chuyện cùng với nhiều lãnh đạo trên thế giới và có khoảng 60 quốc gia đã bày tỏ sự thông cảm với người dân Nhật Bản.
Rò rỉ phóng xạ ở Nhật Một vụ rò rỉ phóng xạ đã được xác nhận vào trưa nay, sau khi giới chức Nhật Bản buộc phải giải phóng hơi hạt nhân tại một nhà máy điện và di tản hàng chục ngàn cư dân ở khu vực, theo Reuters. Thủ tướng Nhật Naoto Kan xác nhận vào trưa nay rằng đã có lượng nhỏ phóng xạ bị rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima. Các lò phản ứng hạt nhân vốn bị hư hại sau trận động đất cực lớn vào hôm qua, 11.3. Vào 12 giờ 45 phút, hãng tin Kyodo và Jiji dẫn lời giới chức Nhật cho biết, có nhiều khả năng một vụ tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân, kịch bản tồi tệ nhất trong vụ khủng hoảng hạt nhân này, sẽ diễn ra. Đại diện Nhà máy điện Tokyo (TEPCO) nói, các máy phát điện chạy diesel sử dụng cho hệ thống làm lạnh đã bị hư hỏng ở nhà máy Daiichi (số 1), một trong hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima, cách 240 km về phía bắc thủ đô Tokyo.
Theo giới chức Nhật, chỉ mới có một lượng nhỏ phóng xạ bị rò rỉ. Giáo sư Naoto Sekimura thuộc đại học Tokyo trấn an rằng khó có khả năng xảy ra một thảm họa phóng xạ lớn.
Giáo sư Sekimura nói với Reuters: “Không có khả năng xảy ra một vụ Chernobyl tại lò phản ứng nước nhẹ. Mất hệ thống làm lạnh nghĩa là nhiệt độ sẽ gia tăng, tuy nhiên nó cũng làm ngưng các phản ứng. Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, khi một ít phóng xạ rò rỉ và thiết bị hư hỏng, cũng không xảy ra vụ nổ. Nếu việc thải năng lượng được thực hiện cẩn thận, sẽ có ít rò rỉ. Nó cũng không đi xa hơn bán kính 3km”. Hãng tin Kyodo tường thuật giới chức Nhật đã sơ tán khoảng 20.000 người ở khu vực lân cận một nhà máy điện hạt nhân khác là Daini (số 2). Thủ tướng Kan, đã thực hiện chuyến thị sát Fukushima bằng trực thăng, trước đó đã ra lệnh sơ tán những cư dân sống trong vòng bán kính 10km xung quanh nhà máy Daiichi.
Giống như ở Daiichi, TEPCO nói họ đã mất khả năng kiểm soát áp suất tại một vài lò phản ứng ở Daini. Áp suất ở một lò phản ứng ở Daiichi đã tăng lên gấp 2,1 lần khả năng thiết kế, theo Bộ Thương mại Nhật. Mức độ phóng xạ ghi nhận tại phòng kiểm soát lò phản ứng ở Daiichi cao hơn 1.000 lần mức bình thường song vẫn chưa đến mức đòi hỏi các công nhân phải sơ tán, theo một quan chức Bộ Thương mại Nhật. Hỏng hóc về hệ thống làm lạnh đã gia tăng lo ngại về sự tái diễn của vụ rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Three Mile Island vào năm 1979, sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử công nghiệp điện hạt nhân của Mỹ. Những trục trặc thiết bị, lỗi thiết kế và sơ sót của con người đã khiến lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy tại nhà máy điện Three Mile Island làm giải phóng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, may mắn chỉ có một lượng nhỏ khí phóng xạ nguy hiểm thoát ra ngoài khi đó. Hiện tại, các nhà máy điện ở Nhật cũng đối mặt với nguy cơ tan chảy lõi lò phản ứng.
|
Sơn Duân
Bình luận