Nợ phải đòi

28/02/2012 03:56 GMT+7

Đã tới lúc, bản quyền âm nhạc từ chỗ là món “nợ khó đòi” có thể trở thành món “nợ phải đòi”, và phải đòi kỳ được cho tác giả của nó là các nhạc sĩ. Nhưng ai đòi? Từ khi ra đời Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc, các nhạc sĩ VN đã có thể thở phào để phó thác “quyền đòi nợ giùm” cho nơi này.

Đã tới lúc, bản quyền âm nhạc từ chỗ là món “nợ khó đòi” có thể trở thành món “nợ phải đòi”, và phải đòi kỳ được cho tác giả của nó là các nhạc sĩ. Nhưng ai đòi? Từ khi ra đời Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc, các nhạc sĩ VN đã có thể thở phào để phó thác “quyền đòi nợ giùm” cho nơi này.

Trong thực tế, VCPMC sau mấy năm hoạt động đã giúp các nhạc sĩ thu được khá nhiều tiền từ bản quyền tác giả âm nhạc. Theo giới nhạc sĩ, thì số tiền đòi được, sau khi trừ “phí đòi nợ” khoảng 19-20% gì đó, đã được trả cho các nhạc sĩ. Nhưng số tiền này cũng chỉ phản ánh được một phần tác quyền âm nhạc của các nhạc sĩ mà thôi. Do sự bức xúc của các nhạc sĩ cùng sự bức xúc của VCPMC muốn đòi được nhiều hơn, tiến tới đòi rốt ráo được tất cả các khoản nợ tác quyền âm nhạc, nên mới xuất hiện cái kiến nghị yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) ra một nghị định trong đó quy định những đơn vị làm sự kiện biểu diễn âm nhạc buộc phải có giấy chứng nhận đã nộp đủ tiền tác quyền âm nhạc mới được tổ chức biểu diễn.

Thực ra, nếu “từ trên trời rơi xuống” một quy định kiểu như vậy thì sẽ rất khỏe cho VCPMC, vì tiền tác quyền sẽ được thu đúng thu đủ một cách dễ dàng, và cả trung tâm đòi nợ lẫn các chủ nợ là giới nhạc sĩ đều sẽ rất hài lòng. Tiếc thay, một quy định như thế là không thể (hay chưa thể) có.

Về vấn đề này, Sở VH-TT-DL TP.HCM đã có một kinh nghiệm tốt, bằng cách vận động, giao kết, thuyết phục để những đơn vị tổ chức biểu diễn nộp đủ tiền tác quyền âm nhạc. Giới nhạc sĩ nói chung đã có thu nhập tốt hơn từ tiền tác quyền âm nhạc của mình. Tôi đã nhiều lần chứng kiến một số người bạn nhạc sĩ ở TP.HCM “vui như tết” khi “tự nhiên” nhận được một khoản tiền tác quyền đủ để chi dùng trong gia đình và… nhậu với bạn bè. Để có được tiền tác quyền ấy, VCPMC không thể chỉ ngồi chờ các cơ quan quản lý ra quy định, đồng nghĩa với “đòi hộ nợ” cho mình. Đã chấp nhận là một nơi giúp nhạc sĩ đòi tiền tác quyền âm nhạc, thì cũng phải “tự thân vận động” bằng nhiều cách, tìm kiếm sự giúp đỡ và hợp tác từ nhiều phía, thậm chí khởi kiện ra tòa để việc đòi tiền tác quyền âm nhạc diễn ra suôn sẻ và đạt tới nguyện vọng “thu đúng thu đủ”. Trong tình trạng một số đơn vị tổ chức biểu diễn ở ta đang tìm mọi cách để “né” nộp tiền tác quyền âm nhạc cho nhạc sĩ, thì lẽ ra, vai trò của các VCPMC phải năng động hơn nữa, khôn khéo và quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ bản quyền cho tác giả âm nhạc, cũng là tìm được nguồn thu chính đáng cho chính mình, không chỉ biết ngồi chờ và… kiến nghị các cơ quan quản lý giúp mình “đòi nợ” hộ.

Tất cả các nhạc sĩ trên thế giới này đều chấp nhận chia sẻ “miếng bánh tác quyền âm nhạc” của chính mình. Và họ gửi trọn niềm tin ở các nơi tương tự như VCPMC. Việc của các nơi này là phải làm sao để xứng đáng với sự tin cậy trao gửi ấy chứ không phải đá “trái bóng nợ” sang cơ quan quản lý nhà nước.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.