Nở rộ dịch vụ học thuê

16/10/2010 01:54 GMT+7

“Bạn không cần học mà vẫn có bằng và có thời gian lo cho công việc cũng như nhu cầu giải trí của mình...” - Những lời rao hấp dẫn như vậy nhan nhản trên mạng.

Gì cũng có!

Diễn đàn sinhvien.daihochaiphong... đăng công khai topic (chủ đề) “Dịch vụ đi học thuê giá rẻ bất ngờ”. Trong đó có nội dung: “Với mong muốn phục vụ các anh, chị, em đang bận bịu với công việc và không có nhiều thời gian, hiện tại chúng tôi mở dịch vụ đi học thuê từ đại học chính quy đến các hệ văn bằng 2 hoặc tại chức. Về mặt chất lượng, chúng tôi xin đảm bảo tuyệt đối. Dịch vụ của chúng tôi không chỉ là nhận tiền của các bạn rồi đến lớp ngồi không mà còn phải đảm bảo ghi chép bài đầy đủ, làm bài kiểm tra điều kiện cho mỗi học kỳ đạt được kết quả cao...”. Những người làm “dịch vụ” này tự cho mức giá họ đưa ra là “rẻ bất ngờ”, kèm những điều kiện cụ thể: “Với 1 buổi học có thời gian từ 1,5 giờ đến 2 giờ chỉ lấy 20k (1k tức là 1ngàn đồng - PV). Còn đối với 1 buổi học 5 tiết thì lấy với giá hữu nghị hơn 30k”. Họ nhận làm cả bài kiểm tra bộ môn với giá 15 ngàn đồng/bài và đặc biệt là “bao trọn gói cả kỳ” chỉ với 50 ngàn đồng/kỳ/môn. Riêng với những bài tiểu luận thì giá cả được khẳng định là “rất hữu nghị”, nhưng chi tiết sẽ được “bàn sau” vì còn phụ thuộc vào đặc thù ngành học.

Chiều 8.10, chúng tôi liên lạc số 0985.082.3... đăng trên trang web “hocthue...”, một thanh niên nhanh nhảu lên tiếng: “Bà chị muốn bất cứ ngành gì, bậc học nào, chúng em cũng đều đáp ứng”. Khi tôi ngỏ ý cần người học thuê tại TP.HCM, anh ta nói: “Trước nay, dịch vụ chúng em chủ yếu phục vụ khách hàng ở Hà Nội. Hiện chúng em đang xúc tiến mở chi nhánh phía Nam”. Người này ra giá khoảng 60 ngàn đồng/buổi học thuê. Tôi hỏi về cách thức thanh toán, anh ta hồ hởi: “Rất thoải mái. Sau 1 tuần hoặc thậm chí sau 1 tháng học thuê, người của chúng em mới có thể nhận tiền của chị. Làm ăn phải tin tưởng nhau chứ!”.

Tăng cường quản lý học viên 

Bộ GD- ĐT vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục ĐH yêu cầu tăng cường công tác quản lý học viên hệ vừa làm vừa học (VLVH). Bộ cho biết: Gần đây, dư luận xã hội phản ánh tình trạng một số học viên hệ VLVH đã thuê người đi học thay và đang trở thành một loại hình dịch vụ được quảng cáo công khai trên mạng internet. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy chế học viên các trường ĐH, CĐ, TCCN hệ VLVH; tổ chức các lớp học phù hợp và tăng cường quản lý việc đến lớp của học viên; tổ chức quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ học viên khi đến lớp và trong công tác thi, kiểm tra; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế.

Vũ Thơ

Không chỉ có học thuê, “dịch vụ” này còn đảm nhận làm đề tài, luận văn, luận án thuê. Họ không ngần ngại quảng bá trên trang web nội dung như: “Với đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, đông đảo khắp các trường ở thành phố Hà Nội, chúng tôi phục vụ quý khách một cách chuyên nghiệp, làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất...”. 

Ai đi học thuê?

Một số người mới tốt nghiệp hoặc đã ra trường vài năm nhưng chưa có việc làm ổn định xem đây như là một công việc kiếm tiền không mấy vất vả. Lê Bích Thủy (số điện thoại 01669068...) tự giới thiệu trên một mẩu rao vặt là “đã tốt nghiệp CĐ ngành Kế toán và có 1 năm kinh nghiệm thực tế”. Thủy cam kết: “Tôi nhận học thuê cho đại học liên thông, tại chức, học cao học chuyên ngành Kinh tế cho các trường trong khu vực Hà Nội. Giá thỏa thuận. Đảm bảo tính ổn định, trách nhiệm trong công việc”.

Bên cạnh đó, chiếm phần lớn số người học thuê là sinh viên (SV). Một người có nick name “meosut” cho biết mình mới 19 tuổi, đang học năm thứ 2 một trường ĐH. “Meosut” tự quảng cáo: “Nhận đi học thuê, nếu học ngành Tài chính ngân hàng hay ngành Kinh tế thì càng tốt. Giá cả phải chăng theo thỏa thuận. Đảm bảo về sự chăm chỉ, chuyên cần và chất lượng”.

Qua số điện thoại 0164958... đăng trên trang web “timhang...”, chúng tôi liên lạc với một thanh niên tự xưng là SV trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Người này cho biết, theo “thị trường học thuê” hiện nay, giá cao nhất trả cho mỗi buổi là 70 ngàn đồng. Mặc dù đang là SV nhưng anh ta khẳng định: “Có thể đi học thuê vào tất cả các buổi trong tuần, học trong thời gian hè và học lâu dài, bất kỳ thời gian nào trong ngày”.

Bằng thật, chất lượng giả

Lần theo số điện thoại: 098433..., chúng tôi có cuộc trao đổi với người đàn ông là tác giả mẩu rao tìm người học thuê đăng ở diễn đàn donghuongphutho... Mẩu rao này viết: “Hiện tại anh có bà chị đang là giảng viên cao đẳng công nghiệp thực phẩm. Chị đang theo lớp cao học ở sư phạm nên không thể đi học. Chị nhờ anh tìm hộ 1 em nữ ở gần trường sư phạm đi học điểm danh và ghi chép hộ chị....”. Khi tôi thử đăng ký, người này thông báo: “Bản tin này đã đăng khá lâu. Từ dạo đó, bà chị mình đã tìm được người học hộ ưng ý. Chị ấy trả 30 ngàn đồng/buổi cho người học thuê. Đến nay chị ấy đã lấy bằng thạc sĩ rồi”.

Một giảng viên khoa Xây dựng công trình một trường ĐH tại TP.HCM cho hay tại trường của anh cũng từng xảy ra tình trạng SV dùng đồ án của mình (đã bảo vệ) để bảo vệ thuê cho bạn học cùng khoa. Tuy nhiên những trường hợp này thường bị xử lý khá nhẹ vì nhà trường thấy “tội nghiệp” SV, điều này dẫn đến hiện tượng “lờn thuốc”. Cũng theo giảng viên này, do số lượng SV mỗi lớp rất đông, cộng với thực tế cán bộ coi thi - giáo viên chủ nhiệm - giảng viên không phải cùng một người nên việc phát hiện người học và thi thuê rất khó. “Mới ở giảng đường mà còn gian dối vậy, huống hồ ra trường làm thầu xây dựng, chủ đầu tư... Để thay đổi thực trạng này, cần sự thay đổi quan niệm về bằng cấp của cả xã hội cũng như cơ chế giáo dục”- giảng viên này trăn trở.

Anh Nguyễn Tử Anh - Giám đốc Đào tạo phát triển nguồn nhân lực Hoa Sen Group cho rằng: “Đứng ở góc độ tuyển dụng thì bằng cấp là bước đầu xét duyệt hồ sơ. Có thể nhà tuyển dụng bị qua mặt khi thấy bằng cấp chuyên môn đẹp, đầy đủ”. Tuy nhiên, theo anh Tử Anh thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là thực lực. Bởi lẽ, những nhà tuyển dụng, nhất là ở những công ty tư nhân, công ty nước ngoài sau khi giao việc sẽ dễ nhận ra “chân tướng” của những ứng viên như vậy. Anh Nguyễn Tử Anh cho rằng đây là thực trạng rất đáng lo ngại vì đã tạo nên tâm lý “có tiền là mua được tất cả”!

Anh Trần Phước Lộc - một cựu du học sinh cho biết những năm học ở Malaysia, anh hoàn toàn không thấy chuyện học thuê - thi hộ vì mỗi lớp tối đa cũng chỉ 20 - 30 người. Nhờ vậy, giáo viên bao quát được tình hình và biết mặt từng SV. Nếu vắng quá 3 buổi, nhà trường sẽ mời SV lên làm việc... Anh Lộc cho rằng, tệ học thuê - thi thuê tràn lan là một trong những nguyên nhân chính khiến những nhà tuyển dụng nước ngoài thường đánh đồng về nền giáo dục VN yếu kém, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, trình độ dân trí của người VN nói chung.

Nguyễn Như

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.