Nở rộ học thêm các môn 'rộng cửa' vào ĐH tốp đầu

27/09/2024 06:03 GMT+7

Ngày càng nhiều học sinh ôn luyện các bài thi như SAT, đánh giá năng lực ngay từ bậc THCS để "chắc suất" vào ĐH tốp đầu, trong bối cảnh nhiều trường chọn dùng kết quả này để tuyển sinh trong các năm qua.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng để tuyển sinh hoặc kết hợp với yếu tố khác. Riêng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vừa qua thu hút gần 110 đơn vị đăng ký dùng kết quả để xét tuyển. Mặt khác, các kỳ thi chuẩn hóa của quốc tế như SAT (Mỹ) cũng nhận được nhiều chú ý, khi hơn 20 trường ĐH, trong đó có các đơn vị hàng đầu, cũng dùng kết quả để tuyển sinh vào năm 2024.

Nở rộ học thêm các môn 'rộng cửa' vào ĐH tốp đầu- Ảnh 1.

Một buổi ôn thi SAT trực tiếp của học sinh tại trung tâm luyện thi

ẢNH: NVCC

VÌ SAO SAT ĐƯỢC ƯA CHUỘNG ?

Đồng Minh Khánh, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho biết em đã bắt đầu học SAT từ đầu năm lớp 11, thi lần đầu vào cuối năm 2023 và dự kiến tiếp tục thi vào cuối năm nay để đạt mức điểm tốt hơn. "Em học SAT để du học Mỹ, Hàn Quốc và xét tuyển sớm vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 theo phương thức kết hợp với IELTS", nam sinh chia sẻ.

Theo Khánh, không chỉ em mà nhiều bạn đồng trang lứa cũng chọn thi SAT để tăng cơ hội và "làm đẹp" hồ sơ du học, nhất là ở mặt học thuật. "Những bạn có định hướng học các ngành như y dược, kinh tế, kỹ thuật... hầu hết đều đầu tư cho SAT, khi IELTS không còn là lợi thế mà trở thành yếu tố gần như bắt buộc trong cuộc đua vào các ĐH tốp đầu", Khánh bộc bạch.

Khánh nói thêm, đề thi SAT hầu như không dùng kiến thức được dạy trong chương trình phổ thông mới em đang theo học. Chẳng hạn, phần toán có một số câu HS dễ dàng làm được nhờ kiến thức trên lớp, nhưng chiếm tỷ lệ thấp và không ra thi thường xuyên. Còn lại là những câu hỏi về tính toán, giải thích, dự đoán... và yêu cầu HS có kiến thức nhất định về xác suất thống kê, kinh tế vi mô... để đạt hơn 700/800 điểm, theo nam sinh.

Nguyễn Quang Đạt, HS lớp 12 một trường THPT tại Q.5, TP.HCM, đồng tình với ý kiến trên. Đạt hiện ôn luyện cả SAT lẫn ĐGNL tại một trung tâm, "bởi các nội dung thi tuy có nhưng nếu chỉ học trên lớp thôi là chưa đủ để đạt điểm cao". "Lợi thế của các kỳ thi trên là tụi em được thi nhiều lần trong năm, tránh dựa hoàn toàn vào một lần thi như tốt nghiệp THPT. Nó giống như tấm "vé vàng" giúp tụi em "rộng cửa" vào ĐH hơn", Đạt nhận xét.

Trường hợp như Khánh, Đạt không hiếm và ngày càng tăng trong những năm gần đây, theo thầy Lê Quang Hưng, giáo viên (GV) Trung tâm luyện thi VietAccepted (TP.HCM). Về tỷ lệ, tại trung tâm của thầy Hưng, số lượng HS ôn thi SAT để xét tuyển ĐH trong nước đang chiếm ưu thế so với xét tuyển ĐH nước ngoài, một bức tranh hoàn toàn đối lập so với nhiều năm trước đó.

Lý do bài thi SAT được ưa chuộng, thầy Hưng nhận định có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự an toàn, khi HS được đăng ký đến 7 đợt thi mỗi năm và các trường ĐH thường chấp nhận kết quả thi trong hai năm gần nhất. Thứ hai là sự ổn định, trong bối cảnh bài thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi theo định hướng của chương trình mới từ năm học này.

"Lý do cuối cùng là ngày càng nhiều cơ sở giáo dục ĐH dùng SAT để tuyển sinh như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới", thầy Hưng phân tích.

BẮT ĐẦU HỌC TỪ LỚP 8

Chị Hằng Trần, quản lý Trung tâm Anh ngữ Phoenix Prep, cho biết một điểm đáng chú ý khác là người học SAT ngày càng trẻ hóa. Theo chị, thông thường các bạn luyện thi từ học kỳ 1 lớp 10 hoặc lớp 11, bởi SAT có một số kiến thức của môn toán THPT và yêu cầu nền tảng tiếng Anh tốt. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận nhiều trường hợp học ngay từ lớp 8, 9 nhưng vẫn đạt kết quả cao", nữ quản lý cho hay.

Theo chị Hằng Trần, 30% HS tại trung tâm dùng điểm SAT để xét tuyển sớm vào các trường ĐH VN và con số này đang tăng dần. Một điểm đáng chú ý khác là các bạn thường chọn ôn luyện SAT song song với IELTS vì hai bài thi này có thể bổ trợ cho nhau. "Có IELTS cao thì ôn SAT sẽ nhàn hơn và tư duy SAT cũng giúp thi IELTS hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhiều trường cũng yêu cầu cả SAT và IELTS khi xét tuyển", chị lý giải.

Nở rộ học thêm các môn 'rộng cửa' vào ĐH tốp đầu- Ảnh 2.

Một buổi ôn thi SAT trực tuyến của học sinh

ẢNH: NVCC


NGƯỜI HỌC ĐGNL CŨNG TĂNG MẠNH

Một kỳ thi khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm là ĐGNL do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi ĐGNL trực tuyến tại TP.HCM, cho biết số HS đăng ký học vẫn duy trì đà tăng trưởng, với khoảng 1.200 HS tính đến hiện tại và sẽ còn tăng khi vào mùa "cao điểm". "Khóa học khai giảng từ tháng 5, và trong số đó ngoài HS cuối cấp còn có nhiều bạn lớp 11, thậm chí lớp 10 cũng muốn tìm hiểu", thầy Công nói.

"Năm nay, số HS tăng mạnh không chỉ vì nhiều trường ĐH dùng điểm thi ĐGNL để xét tuyển sớm, mà còn do đề thi tốt nghiệp THPT thay đổi hoàn toàn mới và các trường ĐH chưa công bố phương thức tuyển sinh đối với kết quả bài thi này. Điều này khiến HS quyết định chọn kế hoạch an toàn", thầy Công phân tích.

"Bộ GD-ĐT thì chia sách giáo khoa phổ thông thành nhiều bộ khác nhau, còn chúng tôi phải cố hợp nhất các bộ sách thành một chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của học trò. Tôi cũng phải quay lại toàn bộ bài giảng trực tuyến theo chương trình mới, đồng thời nghiên cứu đề minh họa từ ĐH Quốc gia Hà Nội để thiết kế học liệu trong khi chờ ĐH Quốc gia TP.HCM", thạc sĩ Công cho hay.

Sự tăng trưởng diễn ra tương tự tại hệ thống luyện thi ĐGNL Lasan - Helius Education (TP.HCM) do thầy Đặng Duy Hùng làm quản lý. Tuy nhiên, do chưa có đề minh họa từ ĐH Quốc gia TP.HCM, thầy Hùng cũng chia sẻ bản thân đang phải "cầm đèn chạy trước ô tô". "Chúng tôi hiện dạy đủ 9 môn theo định hướng chương trình mới, trong đó có 3 môn bắt buộc và các môn còn lại các bạn có thể tự chọn tùy theo tổ hợp", thầy Hùng nói.

Theo thầy Hùng, ĐGNL hiện mở rộng thành một mảng luyện thi riêng, khi nhiều trường ĐH như nhóm trường công an, sư phạm... cũng đang có những bài thi ĐGNL riêng.

"Riêng ở kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM, tôi muốn khuyên HS muốn thi vào ngành gì thì hãy tập trung ôn môn thi tự chọn có liên quan đến ngành đó, đừng mang tư tưởng dù xét tuyển vào ngành y nhưng lại chọn thi sử, địa để dễ đạt điểm cao. Bởi hiện tại các trường vẫn chưa công bố sẽ tuyển sinh bằng kết quả thi ĐGNL ra sao và nếu học quá lệch, các bạn có thể gặp bất lợi sau này", thầy Đặng Duy Hùng nhấn mạnh.

Những lưu ý khi học luyện thi SAT

Nêu góc nhìn về trình độ tiếng Anh trước khi học SAT, thạc sĩ Trần Giang Thanh, Giám đốc học thuật hệ thống Anh ngữ DOL English, khuyên HS nên bồi dưỡng năng lực tiếng Anh học thuật, nhất là từ vựng, vì trường từ vựng ở bài thi này "khá cao cấp" nếu so với những gì được học ở trường. Ngoài ra, khả năng đọc hiểu tiếng Anh cũng cần được chú trọng, bởi bài thi có nhiều câu hỏi "bẫy" mà nếu chỉ hiểu "sương sương" sẽ dễ làm sai.

"HS của chúng tôi thường nhắm đến mức IELTS trên 7.0, SAT trên 1.400. Đây là mức khá cao so với trước đây, một phần vì chất lượng đầu vào của các bạn đã cải thiện đáng kể. Như ngày trước, đa phần HS lớp 11, 12 mới được 8.0 IELTS, nhưng hiện tại mức này các bạn lớp 8, 9 cũng có thể đạt được. Hay 6.5 IELTS trước đây được đánh giá cao, còn giờ mốc 7.0 gần như được bình thường hóa", thạc sĩ Thanh nói.

Còn chị Hằng Trần nhấn mạnh: "Không thể so sánh điểm thi SAT và IELTS bởi mỗi bài kiểm tra sẽ đánh giá các năng lực khác nhau. Một số trung tâm còn có xu hướng tư vấn HS phải luyện IELTS cho cao mới học SAT được. Điều này không nhất thiết, vì SAT dù là bài thi có ngôn ngữ là tiếng Anh nhưng kiểm tra khả năng tư duy là chính. Do đó, các bạn chỉ cần luyện các kỹ năng liên quan như đọc hiểu, tư duy phản biện".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.