Nở rộ tài năng nhí - Kỳ 10: Tài năng rồi đi về đâu?

29/04/2015 10:01 GMT+7

(TNO) Trước khi Đức Vĩnh lên ngôi quán quân Vietnam's Got Talent năm nay, hàng loạt tài năng nhí đã chinh phục khán giả bằng khả năng ca hát, nhảy, múa. Tuy nhiên, sau ngày đăng quang là gì, có phải ai cũng đổi đời giống như cô bé Phương Mỹ Chi?

(TNO) Trước khi Đức Vĩnh lên ngôi quán quân Vietnam's Got Talent năm nay, hàng loạt tài năng nhí đã chinh phục khán giả bằng khả năng ca hát, nhảy, múa. Tuy nhiên, sau ngày đăng quang là gì, có phải ai cũng đổi đời giống như cô bé Phương Mỹ Chi?

Tự tìm cho mình một lối đi riêng
Sau khi trở thành quán quân của Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids mùa đầu tiên, cậu bé Quang Anh trở về cuộc sống đời thường. Đang là học viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia, Quang Anh phải làm lại mọi thứ từ đầu khi vừa phải học văn hóa, vừa học chuyên môn. Mẹ của Quang Anh cũng phải nghỉ việc tại thành phố Thanh Hóa để lên Hà Nội cùng con. Cuộc sống tại Thủ đô không hề dễ dàng, nhưng đó xem như là giải pháp tối ưu nhất cho Quang Anh lúc này.
Quang Anh hiện vừa học văn hóa, vừa học chuyên môn - Ảnh: NVCC
Với 'tóc xù Doremon' Nguyễn Hoàng Anh, một hiện tượng lạ ở The Voice Kids mùa thứ 2, kinh tế gia đình cậu bé cũng không dư dả. Hoàng Anh nhận được một học bổng âm nhạc trong TP.HCM. Bố Hoàng Anh ở cùng con trai, nhưng học bổng không bao gồm các chi phí ăn ở khác cho 2 bố con, bố cậu bé phải tự mình xoay xở giữa Sài Gòn để con yên tâm học tập.
Cái tên thân quen với nhiều người trong suốt một thời gian dài khi Vietnam’s Got Talent 2013 phát sóng, đó là Đăng Quân - Bảo Ngọc, cặp đôi nhí nhưng có những bước nhảy điêu luyện, kỹ thuật rất cao. Nhiều người kỳ vọng ở cả Quân và Ngọc những bước tiến dài hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình Quân không cho phép, bố mẹ bệnh tật, kinh tế hạn hẹp, Quân chỉ biết nuôi dưỡng ước mơ được nhảy trong những show ca nhạc, đám cưới, lấy chút tiền thù lao. Ngọc thì chuyển sang học violin, vì học nhảy quá mạo hiểm, vất vả.
Bố mẹ hướng Quân theo học thanh nhạc, vũ đạo tại một trường trung cấp âm nhạc, sau đó lập nghiệp ở TP.HCM, dù biết đó là một con đường chông gai, khó khăn bội phần khi em không có ai dìu dắt và kinh tế gia đình eo hẹp. “Giá như có một trường nghệ thuật nào nhận đỡ đầu các cháu thì tốt hơn biết bao nhiêu”, bố Đăng Quân từng chia sẻ với phóng viên Thanh Niên Online.
Nhà khó khăn nên Đăng Quân chỉ biết nuôi dưỡng ước mơ được nhảy trong những show ca nhạc, đám cưới - Ảnh: NVCC
Tài năng rồi đi về đâu?
“Sau Xuân Mai 'con cò bé bé’, đến bây giờ Việt Nam mới tìm kiếm được rất nhiều tài năng đặc biệt của các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, tìm xong rồi thì các cháu sẽ học ở đâu, bồi dưỡng, vun đắp như thế nào để các cháu như một cái mầm non lớn lên thành một cái cây khỏe, ra hoa, thu được thành quả thì chưa ai trả lời cho phụ huynh và các cháu”, ca sĩ Thái Thùy Linh nói.
Theo nữ ca sĩ, cô cảm thấy áy náy với trường hợp của Đức Vĩnh. Với tài năng của “Thị Mầu 9 tuổi”, cậu bé cần một môi trường để phát triển khả năng nhưng hiện tại cậu không thể vào một đoàn chèo nào để học cùng, diễn cùng, vì còn quá nhỏ, nhưng cũng khó có thể vào các lớp thanh nhạc, hát những ca khúc thiếu nhi. Gia đình Đức Vĩnh còn nhiều khó khăn, nếu cậu bé không được địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ đặc biệt, sẽ rất uổng phí khi tài năng của Vĩnh chỉ quanh quẩn ở xóm làng.
Đức Vĩnh tỏa sáng trong tiết mục tuồng cổ ở đêm chung kết Vietnam's Got Talent năm nay - Ảnh: Nguyên Nguyễn
Theo nữ ca sĩ từng là giám khảo của nhiều cuộc thi giọng hát thiếu nhi, có một thực tế hiện nay, nhiều gia đình cho con tham gia các cuộc thi hát, nhảy trên truyền hình để muốn nổi tiếng, không ít người từng đề cập thẳng với ban giám khảo “cần bao nhiêu” để con có thể vào các vòng trong.
Cũng có nhiều gia đình, khi con bắt đầu được công chúng biết đến, vội vàng cho con chạy theo các show diễn để được nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, không quân tâm chăm chút, bồi đắp tài năng. Một ngày, khi ánh hào quang mất đi, tên tuổi các em đã nhạt nhòa trong công chúng, các em không tránh khỏi bị sốc khi đối diện với sự thất bại. “Bố mẹ nghĩ ngắn, các con không thể đi dài”, nữ giáo viên, giám đốc của trung tâm nghệ thuật cho trẻ em bày tỏ.
Có thể nói cho đến thời điểm hiện nay Phương Mỹ Chi là người có nhiều thuận lợi nhất để phát triển tài năng sau khi được phát hiện qua cuộc thi Giọng hát Việt nhí - Ảnh: Đình Tuyên 
“Tôi đã từng nhận đỡ đầu cho một thí sinh nhí, từng nổi danh sau một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, đã có hợp đồng giữa công ty và gia đình thí sinh. Tuy nhiên, vì muốn con chạy theo showbiz, hi vọng giúp con nổi tiếng nhanh hơn, gia đình này đã phủ nhận hoàn toàn mọi ràng buộc giữa con họ và công ty tôi”, Thái Thùy Linh nhắc đến một cú sốc lớn đến bây giờ vẫn còn ám ảnh mình.
Thực tế đã chứng minh có nhiều tài năng nhí từng được biết đến như thần đồng trong nghệ thuật, tuy nhiên trước sự cám dỗ của showbiz, ánh đèn sân khấu, sự tung hô của khán giả, tiền cát sê… đã sớm bỏ dở việc học văn hóa và đã gặp nhiều khó khăn khi từ bỏ nghệ thuật, quay lại cuộc sống đời thường.
E dè trước thực tế này, phụ huynh của nhiều tài năng nhí đã chọn giải pháp an toàn hơn. Vẫn cho con học nghệ thuật vì yêu thích, nhưng tìm cho con những sự lựa chọn có tương lai hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, Trần Linh Nhi, từng vào top 5 của The Voice Kids 2014 bây giờ chỉ xem ca hát là hoạt động ngoại khóa sau giờ học ở Hải Phòng.
Vũ Song Vũ, tài năng Vietnam’s Got Talent đã vào Sài Gòn sinh sống, gia đình muốn Vũ học ngành kiến trúc. Bé Thu An ở Quảng Ninh, người giành giải nhất Đồ Rê Mí 2014 đang được bố mẹ tạo mọi điều kiện để có thể hát, nhảy theo sở thích. Tuy nhiên, như mẹ Thu An chia sẻ cho con học hát, nhảy để rèn kỹ năng sống, còn chuyện quyết định xem con có theo nghệ thuật lâu dài hay không còn rất nhiều vấn đề phải bàn tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.