Nở rộ tiền ảo cho người yêu bóng đá

17/06/2021 08:29 GMT+7

Ngày càng có nhiều câu lạc bộ (CLB) bóng đá tên tuổi tung ra loại tiền ảo gọi là "fan token" để kiếm thêm doanh thu sau đại dịch.

Theo Reuters, sử dụng token do CLB phát hành, người hâm mộ có thể góp phần đưa ra một số quyết định nhỏ cho câu lạc bộ. Tuy nhiên, động thái mới nhất của các câu lạc bộ tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ vì muốn tương tác nhiều hơn với đội bóng yêu thích, thậm chí muốn đưa ra những quyết định nhỏ cho CLB như đề xuất bài hát được phát tại các trận đấu khi cầu thủ ghi bàn, hoặc lựa chọn hình ảnh đại diện CLB trên mạng xã hội. Số khác lại cho rằng đây là biện pháp mới để các CLB "bào tiền" từ người hâm mộ. 
Các CLB tung ra fan token gồm có Manchester City và AC Milan. Đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha cũng có kế hoạch phát hành loại tiền ảo tương tự. Giữa mùa giải Copa America, Argentina cũng tung ra token cho người hâm mộ vào tuần trước.
Người sở hữu có thể giao dịch fan token như bao loại tiền mã hóa khác. Fan token cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch bán lẻ và nhà đầu tư. Giá cả có xu hướng dao động mạnh và có thể bị thành tích trên sân của các đội bóng ảnh hưởng. Một số token của các CLB tên tuổi đã mất khoảng 2/3 giá trị trở lên trong vài tuần gần đây, phản ánh đà lao dốc nói chung của thị trường tiền mã hóa.
Malcolm Clarke - chủ tịch Hiệp hội người ủng hộ bóng đá (FSA), đại diện cho người hâm mộ ở Anh và xứ Wales, cho biết các CLB đang cố gắng kiếm tiền bằng cách để người hâm mộ quyết định một số hoạt động trong CLB. Ông nói: "Họ đang cố gắng vắt tiền từ người hâm mộ bằng các cuộc thăm dò trực tuyến câu tương tác vô bổ. Không có gì hay ho cả".

Một số fan token của các CLB

Ảnh chụp màn hình CoinGecko

Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm vì đại dịch, các trận đấu không có người hâm mộ trên khán đài, fan token trở thành ý tưởng hấp dẫn đối với các CLB. Theo công ty tư vấn Deloitte LLP, doanh số bán hàng của 20 CLB có doanh thu hàng đầu châu Âu giảm 12% còn 8,2 tỉ euro (9,9 tỉ USD) trong năm 2020.
Lãnh đạo các CLB lớn như Juventus, AC Milan cho biết token giúp họ tăng cường tương tác với người hâm mộ trên toàn thế giới. Họ thường hợp tác với các công ty chuyên về tiền mã hóa để phát hành token và nhận được một phần doanh thu từ lần phát hành đầu tiên (ITO). Một số CLB tên tuổi tung ra token với giá 2 USD/đồng, nhưng giá cả sẽ có nhiều biến động sau đó.
Sự trỗi dậy của fan token giúp ngành thể thao tiến thêm một bước vào thị trường tiền mã hóa. Một số đội bóng đề nghị trả lương cầu thủ và nhân viên bằng tiền số, hoặc dùng tiền số mua vé và đồ lưu niệm. Trước đó, nhiều người hâm mộ lẫn nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ tiền mua các token độc nhất (NFT) là các trích đoạn bóng rổ nổi bật của đội bóng yêu thích.
Tuy nhiên, không ít người hâm mộ phản đối động thái phát hành token của các CLB. Sue Watson - chủ tịch hiệp hội người hâm mộ của West Ham United cho biết: "Tại sao bạn phải trả tiền để có tiếng nói trong câu lạc bộ?". Cô cho rằng việc mua token làm tăng chi phí ủng hộ cho một đội bóng, dù trước đó người hâm mộ đã trả tiền mua vé xem mùa giải và áo đội tuyển.

Trung Quốc quan ngại gì mà cấm cửa tiền ảo bitcoin?

Năm ngoái, West Ham định tung ra token hợp tác với công ty blockchain Chiliz nhưng không thành công.
CLB Borussia Dortmund cũng vấp phải làn sóng chỉ trích từ người hâm mộ. CLB này tiết lộ với Reuters rằng đã phải thay đổi kế hoạch ra mắt token vào tháng 3, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Ở phía ngược lại, những người ủng hộ fan token thích bỏ tiền để tham gia vào các quyết định trong CLB. Katia Gigliotti - fan của AS Roma tuy ban đầu do dự về các token, nhưng rồi bắt đầu thích chúng vì nhờ đó cô được giao lưu với đội tuyển và những người hâm mộ khác trong lúc giãn cách xã hội.
Giuseppe Bognanni - fan của Juventus chia sẻ: "Thật tuyệt khi bài hát bạn bình chọn vang lên trên sân vận động, bạn sẽ nghĩ "tôi đã góp phần lựa chọn ca khúc đó"". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.