Vào khoảng 0 giờ 10 ngày 13.12, Đồn Biên phòng 558 (H.Cần Giờ, TP.HCM) đã ra quân truy bắt các sà lan khai thác cát trái phép ở vùng biển Cồn Ngựa.
Các trinh sát biên phòng tập kích bắt giữ các sà lan khai thác cát trái phép vào rạng sáng 13.12 - Ảnh: Nguyễn Long |
Trước đó, ngày 11.12, PV Thanh Niên đã có mặt tại khu vực đáy Sông Cầu thuộc vùng biển Cồn Ngựa, ghi nhận tình hình khai thác trái phép ở đây như một công trường.
Ngày 12.12, các trinh sát Đồn Biên phòng 558 đã ra “công trường” để nắm tình hình. Một mũi trinh sát khác thuộc Biên phòng 562 (H.Cần Giờ) cũng triển khai và truy bắt 2 sà lan khai thác cát là SG 4878 và QN 5858 ở cửa Soài Rạp với tổng khối lượng khoảng 1.000 m3. Sau khi nắm bắt được tình hình, Đồn Biên phòng 558 đã quyết định ra quân truy bắt. Ngay trong đêm, PV Thanh Niên đã tháp tùng tổ công tác của Đồn Biên phòng 558 trực chỉ ra khu vực vùng biển Cồn Ngựa. Cách “công trường” khoảng 500 m đã nhìn thấy những chiếc sà lan đang ồ ạt hút cát. Khi phát hiện lực lượng chức năng, sà lan BV 1151 do Trần Ngọc Hậu (37 tuổi, ngụ Nam Định) làm thuyền trưởng vội vã tháo chạy. Sau hơn 5 phút truy đuổi, đại úy Phan Đăng Khoa, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng 558 phải bắn 3 phát súng cảnh cáo mới khống chế buộc sà lan này quay đầu vào bờ.
Trong lúc đó, những sà lan khác cũng đồng loạt tháo chạy. Lực lượng biên phòng bắt giữ thêm 4 sà lan khác, gồm NĐ 2196 do Nguyễn Văn Tung (44 tuổi, ngụ Nam Định) làm thuyền trưởng; BV 1026 do Bùi Văn Hân (38 tuổi, ngụ Nam Định) làm thuyền trưởng; Hgi 4499 do Trần Văn Giang (29 tuổi, ngụ Nam Định) làm thuyền trưởng và Hgi 2098 do Trần Văn Chức (31 tuổi, ngụ Nam Định) làm thuyền trưởng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ, thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rất phổ biến ở khu vực Cồn Ngựa (cửa biển giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trong những năm qua. Nguyên nhân là do khu vực này có nhiều dự án nạo vét luồng lạch và các sà lan khai thác cát lậu đã lợi dụng trà trộn vào. “Số sà lan đăng ký hoạt động nạo vét 10 thì số trà trộn vào để hoạt động trái phép có thể gấp đôi, gấp ba”, ông Sơn nói. Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện đã nhiều lần tổ chức tuần tra, kiểm soát và đã xử lý 6 vụ, nhưng thực tế các sà lan hoạt động trái phép tái diễn tràn lan. Ông Sơn cho rằng “không loại trừ khả năng có tình trạng bảo kê khai thác cát lậu”.
Ông Sơn nhìn nhận, Cồn Ngựa là mỏ cát dự trữ của TP.HCM. Nếu khai thác trái phép tràn lan, không đánh giá tác động môi trường sẽ gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến dòng chảy khiến tàu bè đi lại khó khăn.
Bình luận (0)