Nợ tiềm ẩn của ngân hàng

29/10/2020 06:27 GMT+7

Không ít ngân hàng vẫn đang “đua” nhau báo lãi, song phía sau các bảng cân đối kế toán, nhiều khoản nợ tiềm ẩn có thể sẽ trở thành nợ xấu khi đại dịch Covid-19 đang khiến hơn 78.000 doanh nghiệp tạm đóng cửa, phá sản.

Lợi nhuận lớn...

9 tháng năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 khiến hơn 78.000 doanh nghiệp (DN) đóng cửa, giải thể, phá sản; trong đó, 38.600 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 82% so với cùng kỳ. “Điều này thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng DN”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) đánh giá.
Trái với những khó khăn phía các DN, cùng thời điểm, các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo kết quả lợi nhuận rất khả quan. Cụ thể, báo cáo của Ngân hàng (NH) TMCP Hàng hải (MSB) cho thấy lợi nhuận trước thuế
9 tháng năm 2020 của NH này đạt trên 1.666 tỉ đồng, vượt mức 1.439 tỉ đồng kế hoạch của cả năm 2020. Tương tự, NH TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) lợi nhuận lũy kế đã vượt mục tiêu cả năm 2020, đạt hơn 1.740 tỉ đồng. NH TMCP Quốc tế (VIB) quý 3/2020 cũng đạt 1.668 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý trước và tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của NH này đạt 4.025 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 89,4% kế hoạch cả năm...
Phía sau bức tranh tươi sáng về lợi nhuận, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của nhiều nhà băng cũng cho thấy nợ xấu tăng lên khá nhanh. Đơn cử tại ACB, lũy kế 9 tháng, NH này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.411 tỉ đồng, tăng tới 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng quy mô nợ xấu của ACB tính đến hết tháng 9.2020 cũng lên tới 2.479 tỉ đồng, tăng 71% so với đầu năm, tương đương tăng 1.030 tỉ đồng.
Đi sâu hơn, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ACB tăng tới 253%; trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 74,8% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 22,4%. NH TMCP Quân đội (MB) tổng dư nợ cho vay khách hàng 257.661 tỉ đồng, nợ xấu đã tăng khá mạnh, đặc biệt nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ 866 tỉ đồng lên 938 tỉ đồng; và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 616 tỉ đồng lên gần 2.000 tỉ đồng...

... Tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu

Song, rủi ro lớn nhất đối với các nhà băng không chỉ nằm ở số nợ xấu có thể “nhìn thấy” trên bảng cân đối kế toán, mà ở chính các khoản nợ tiềm ẩn (nợ tiềm tàng).
Với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, rất nhiều khoản mục như cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác... sẽ có thể mang lại rất nhiều rủi ro.
Tại MB, lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 2.295 tỉ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.272 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhưng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nằm ở ngoại bảng được thống kê là 366.733 tỉ đồng (tăng hơn 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, khoản mục cam kết khác tăng gần gấp đôi, từ hơn 35.000 tỉ đồng lên gần 65.000 tỉ đồng. Một điểm rất đáng chú ý là các khoản phải thu của MB cũng hàm chứa các yếu tố rủi ro trong tương lai.
Cụ thể, tổng số các khoản phải thu tăng từ gần 9.000 tỉ đồng lên 12.513 tỉ đồng, trong đó khoản phải thu liên quan đến dịch vụ thanh toán từ 2.364 tỉ đồng lên 3.748 tỉ đồng; phải thu tài trợ thương mại 2.924 tỉ đồng tăng lên 4.731 tỉ đồng; các khoản phải thu khác từ hơn 952 tỉ đồng tăng lên 1.641 tỉ đồng.
Mặc dù nợ xấu theo báo cáo tài chính riêng lẻ của MB đến hết quý 3 chỉ 3.516 tỉ đồng, chiếm khoảng 1,36% tổng dư nợ, nhưng nó cũng không phản ánh được hết các yếu tố rủi ro như đã nói ở trên. Bởi chỉ cần một số khoản phải thu trong tương lai không thu được, đã có thể “thổi” bay một phần lợi nhuận không nhỏ của nhà băng này.
Theo quy định hiện nay đối với các cam kết ngoại bảng, các NH thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. NH chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Điều này rõ ràng càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các NH.
Báo cáo tài chính hết quý 3, NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) lợi nhuận trước thuế đạt 4.966 tỉ đồng, tăng so với mức 4.369 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu nội bảng của nhà băng này cũng tăng từ mức khoảng 5.178 tỉ đồng lên 5.689 tỉ đồng. Đáng chú ý, báo cáo cũng cho thấy nghĩa vụ nợ tiềm ẩn với khoản mục cam kết khác của VPBank tăng từ 115.638 tỉ đồng lên 227.275 tỉ đồng; riêng các khoản phải thu cũng tăng từ mức hơn 14.897 tỉ đồng lên 16.255 tỉ đồng.
Điều đó cho thấy phía sau con số lợi nhuận của các TCTD vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt khi các khoản nợ được giãn, cơ cấu lại do tác động của dịch Covid-19 sẽ đến thời gian đáo hạn trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% là mức an toàn theo chuẩn quốc tế (ước tính đến cuối tháng 8 ở mức 1,96%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7.2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỉ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 7.2020 vẫn ở mức 4,47%, và ước tính đến cuối tháng 8 tăng lên 4,49%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.