Nợ Trung Quốc lập kỷ lục mới giữa hàng loạt lo ngại kinh tế

25/04/2016 13:50 GMT+7

Tổng số nợ của Trung Quốc tăng lên kỷ lục 237% GDP trong quý 1/2016, cao hơn nhiều so với mức nợ của các thị trường mới nổi khác.

Theo CNBC và Financial Times, giới chuyên gia cảnh báo số nợ “khủng” của Trung Quốc làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kéo dài trong tăng trưởng kinh tế.

Bắc Kinh gần đây đã chuyển sang cho vay lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng số nợ ròng lên 163.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 25.000 tỉ USD, vào cuối tháng 3 năm nay. Con số trên bao gồm cả cho vay trong nước lẫn nước ngoài, theo tính toán của tờ Financial Times.

Mức nợ như trên cao hơn nhiều khi so với các nước đang phát triển khác khi so tỷ lệ thu nhâp quốc dân, dù có thể ngang bằng với mức nợ của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Trong khi kích thước nợ Đại lục đã là một mối lo, tốc độ tích lũy nợ lại càng đáng lo hơn. Hồi năm 2007, nợ Trung Quốc chỉ chiếm 148% tổng sản phẩm quốc nội.

“Bất cứ nước lớn nào có nợ gia tăng nhanh chóng đều chịu một cuộc khủng hoảng tài chính hay sự suy thoái kéo dài trong tăng trưởng GDP”, giám đốc chiến lược đầu tư Ha Jiming của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. Mức nợ hiện tại và liên kết ngày càng tăng của Trung Quốc với thị trường tài chính toàn cầu là một phần trong cảnh báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF cho hay Đại lục đặt ra nguy cơ tăng cao với các nền kinh tế tiên tiến.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), trong quý 1/2015, các thị trường mới nổi có mức nợ thấp hơn nhiều, vào khoảng 175% GDP. Dữ liệu của BIS, có được từ phương pháp tương tự như tờ Financial Times thực hiện, xác định nợ Trung Quốc là 249% GDP, gần với mức nợ của eurozone là 270% GDP và Mỹ là 248% GDP.

Bắc Kinh đang tung hứng giữa hai việc: chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn và giảm nợ để tránh rủi ro tài chính dài hạn. Gần đây, khi các lo ngại về việc “hạ cánh cứng” tăng, họ thay đổi hẳn sang phương án kích thích kinh tế.

Nhìn chung, các nhà kinh tế đồng ý cho rằng sức khỏe kinh tế Trung Quốc đang lâm nguy. Khác biệt giữa họ là về thời điểm khi kinh tế nước này gặp vấn đề.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ gặp cuộc khủng hoảng tài chính cấp tính - một “giây phút Lehman” gợi nhớ đến những gì xảy ra ở Mỹ năm 2008, khi nhiều ngân hàng lao đao và thị trường tài chính tê liệt. Một số chuyên gia khác cho rằng Trung Quốc sẽ mắc căn bệnh kinh niên như Nhật Bản, tăng trưởng chậm trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.