‘Nợ xấu’ chính sách với ngư dân

22/11/2016 04:11 GMT+7

Một trong những “trụ cột” của Chính phủ kiến tạo là vấn đề xây dựng thể chế. Do vậy, Chính phủ quyết không để nợ đọng văn bản, đặc biệt là những chính sách có ảnh hưởng đến việc làm ăn, sinh kế của người dân, doanh nghiệp.

Thông điệp trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, khi ông dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ tại Bộ NN-PTNT ngày 21.11.
Tính đến giữa tháng 11.2016, trong hơn 500 nhiệm vụ được Chính phủ giao thì ngành nông nghiệp chỉ trễ hẹn 14 công việc, tức chưa tới 3%. Đó là kết quả khả quan nhất trong số các bộ ngành mà tổ công tác đã kiểm tra gần 3 tháng qua. Tuy nhiên, điều khiến tổ công tác chưa hài lòng là trong những nhiệm vụ quá hạn, có đến 3 văn bản được coi là có ý nghĩa lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh mà lỗi lại tập trung ở một cơ quan chủ trì là Tổng cục Thủy sản. Đó là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản; Đề án khai thác viễn dương và đề án hệ thống thông tin quản lý nghề cá.
Đây đều là những nhiệm vụ được ngành nông nghiệp chủ động đề xuất, được Thủ tướng đồng ý gần 1 năm qua song đến nay đều chậm tiến độ hơn 4 tháng. Thế nhưng, theo Tổng cục Thủy sản, ban soạn thảo sửa đổi nghị định mới được... thành lập; đề án khai thác viễn dương cần lùi đến tháng 6.2017 và đề án thông tin nghề cá ít nhất cũng phải đến quý 1 năm sau mới xong.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, khi báo cáo ra Chính phủ điều này khó lòng được chấp nhận và lưu ý rằng không thể giữ mãi tư duy “nhờ nhờ” trong xây dựng thể chế. Theo Bộ trưởng, trước đây khâu xây dựng văn bản thường chậm ở quy trình lấy ý kiến các bộ ngành. Nhưng nay, chỉ cần cơ quan soạn thảo hoàn thành thì Chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức để rút ngắn thời gian bằng cơ chế rút gọn hoặc giảm thời gian “ngâm” văn bản. Ngay với vấn đề còn có ý kiến bất đồng thì Văn phòng Chính phủ sẵn sàng triệu tập cuộc họp giữa các bên để giải quyết khúc mắc, không phải chờ công văn qua lại xin ý kiến hàng tháng trời. Dẫn lời Thủ tướng, Bộ trưởng cho hay không để Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động mà Thủ tướng thì sốt sắng còn ở dưới lại trù trừ.
Một điều rất đáng nói nữa là, việc kiểm tra các nhiệm vụ với ngành nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Trong đó, không thể phủ nhận ngành nông nghiệp là một trong những cơ quan tham gia tích cực, có nhiệm vụ nặng nề nhất. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, những lãnh đạo của ngành, mà trực tiếp là cán bộ làm công tác thủy sản, hiểu hơn ai hết sự cần thiết của những chính sách kể trên với ngư dân trong bối cảnh này. Qua đó, phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành văn bản, đề án để ngư dân có được hành lang pháp lý, có thêm thông tin hữu ích về ngư trường, thêm phương tiện an toàn khi ra khơi mưu sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.