Nợ xấu của Vietcombank giảm mạnh

19/10/2015 09:54 GMT+7

Bức tranh nợ xấu của toàn ngành ngân hàng (NH) đã không còn căng thẳng khi các nhà băng đang dồn toàn lực xử lý. Trong đó điểm sáng đáng kể nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).

Bức tranh nợ xấu của toàn ngành ngân hàng (NH) đã không còn căng thẳng khi các nhà băng đang dồn toàn lực xử lý. Trong đó điểm sáng đáng kể nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).


Tính đến nay, Vietcombank đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,1% tổng dư nợ - Ảnh: Ngọc Thắng Tính đến nay, Vietcombank đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,1% tổng dư nợ - Ảnh: Ngọc Thắng
Nợ xấu chỉ còn 2,1% tổng dư nợ
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 30.9.2015, nợ xấu của Vietcombank chỉ còn 7.776 tỉ đồng, giảm còn 2,1% tổng dư nợ sau khi đã ở mức gần 3% hồi đầu năm (tương đương gần 9.000 tỉ đồng). So với chỉ tiêu của NHNN là phải giảm nợ xấu xuống còn tối đa 3% tổng dư nợ, Vietcombank đã hoàn thành.
Về khả năng thu hồi nợ, từ năm 2013 trở về trước, tỷ lệ thu hồi được của NH này khá thấp. Tuy nhiên sang năm 2014, tỷ lệ đã tăng gấp đôi năm 2013, lên tới hơn 1.800 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2015, thu nợ ngoại bảng lũy kế đạt 1.313 tỉ đồng (trong đó thu hồi nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro là 1.024 tỉ đồng, thu nợ bán cho Công ty quản lý và tài sản quốc gia - VAMC là 289 tỉ đồng).
Đến nay, ngoài tỷ lệ nợ xấu đã giảm về còn 2,1%, NH này đã chính thức hạ nhiệt nợ xấu khi nâng tỷ lệ quỹ dự phòng trên số dư nợ xấu lên tới 95%. Tức cứ 10 đồng nợ xấu, Vietcombank đã trích lập được 9,5 đồng. Trích dự phòng lớn nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của Vietcombank vẫn đạt 4.527,5 tỉ đồng, bằng 75% kế hoạch năm. Với mức tăng trưởng này, các chỉ số sinh lời của Vietcombank tiếp tục cải thiện, như ROE đạt 11,82%, ROA đạt khoảng 0,86%.
Bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu, Vietcombank là NH thương mại áp lãi suất thấp nhất trên thị trường, nhưng tăng trưởng huy động vốn đến cuối tháng 9.2015 đã đạt 15,5% so với cuối 2014. Theo lãnh đạo Vietcombank, kết quả này phản ánh giá trị niềm tin của thị trường, chứ không hẳn ở giá trị cạnh tranh bằng lãi suất.
Trong huy động, chủ trương của NH này là tiếp tục dịch chuyển cơ cấu vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn chi phí thấp, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và cạnh tranh. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9.2015 của Vietcombank đã đạt trên 12%, trong đó tín dụng thể nhân tăng trưởng mạnh với 27,2%. Nếu tính các khoản đầu tư có thể xem như tín dụng gián tiếp, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng là khoảng 19% và cả năm dự kiến đạt trên 25%.
Vietcombank tiên phong xử lý nợ xấu, phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng
Vietcombank tiên phong xử lý nợ xấu, phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng - Ảnh: Ngọc Thắng
Mặc dù tín dụng tăng trưởng khá cao, nhưng tỷ lệ sử dụng vốn của Vietcombank lại khá thấp, đến cuối tháng 9.2015 chỉ hơn 70%. Điều này giúp NH thuận lợi và chủ động hơn trong vấn đề thanh khoản. Với những kết quả trên, theo lãnh đạo Vietcombank, dự kiến cả năm 2015 NH sẽ hoàn thành các chỉ tiêu mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua. Riêng mối liên hệ giữa nợ xấu, trích lập dự phòng với lợi nhuận, sau khi đã tập trung xử lý như trên, dự kiến từ năm 2016 Vietcombank sẽ nhẹ bước để có thể bứt phá rõ hơn về lợi nhuận.
Chủ động tái cơ cấu
Không chỉ nỗ lực giải quyết nợ xấu, Vietcombank còn tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu của toàn hệ thống. Được chỉ định tham gia quản trị, điều hành NH TMCP xây dựng (NHNN mua lại với giá 0 đồng), Vietcombank đã cử cán bộ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, điều hành chủ chốt của NH được mua lại; hỗ trợ NH này phát triển khách hàng, sản phẩm và nguồn vốn để triển khai phương án cơ cấu lại. Từ đó từng bước xử lý những khó khăn, yếu kém, đồng thời bảo đảm NH được mua lại hoạt động một cách an toàn và đúng pháp luật.
Hiện tại, NH TMCP xây dựng (VNCB) sau khi tái cơ cấu đã được đổi tên thành NH thương mại TNHH một thành viên xây dựng Việt Nam (CB Bank). Theo báo cáo của NHNN, dự trữ thanh khoản của CB Bank là 1.000 tỉ đồng tương đối ổn định. Nợ xấu, tài sản không sinh lời của những NH này bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, quản trị điều hành được củng cố. NHNN cũng đã bắt đầu nới lỏng kiểm soát đối với 3 NH này khi xét thấy có những chuyển biến trong hoạt động. Trong đó, bước đầu cho tăng trưởng tín dụng trở lại vào một số lĩnh vực an toàn.
Để giữ vững vị thế đứng đầu, Vietcombank vẫn luôn không ngừng thay đổi và đưa ra phương châm hoạt động “tăng tốc, hiệu quả, bền vững”. Trong đó, yếu tố khách hàng luôn được Vietcombank chú trọng số một với thông điệp rất rõ ràng: giữ ổn định và từng bước gia tăng thị phần khách hàng truyền thống; tập trung phát triển nhóm khách hàng niêm yết có tình hình tài chính lành mạnh và nhóm FDI. Cùng đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng không hạ chuẩn cho vay.
Mục tiêu chiến lược của Vietcombank là đến 2018 sẽ dẫn đầu thị trường về bán lẻ. Còn ngay trong năm nay, NH sẽ tăng trưởng nhanh doanh số đối với các dòng sản phẩm chủ chốt của bán lẻ như: tín dụng thể nhân, NH điện tử và thẻ nội địa... Đây là hướng đi cần thiết nhằm nâng dần tỷ lệ thu nhập ngoài lãi và thu nhập từ bán lẻ trong tổng thu nhập của NH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.