(TNTS) Nhiều người nói năm 2015 là năm Nobel của phụ nữ khi giải Nobel Y sinh, Văn chương và Hòa bình đều gọi tên họ. Đó là giáo sư Đồ U U (Trung Quốc), nhà văn kiêm nhà báo Svetlana Alexievich (Belarus) và bà Wided Bouchamaoui của Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia. Nhưng sự vươn lên của phụ nữ trên bản đồ Nobel thế giới năm nay vẫn chưa đủ thu hẹp khoảng cách nam - nữ.
Wided Bouchamaoui |
Từ năm 1901 đến nay, giải Nobel tổng cộng được trao cho 824 gương mặt của phái mạnh trong khi con số người chiến thắng của phái yếu chỉ là 47. Những thập niên gần đây chứng kiến đà tăng nhẹ trong danh sách nữ chủ nhân giải Nobel. Những năm 2010 được xem là thời điểm thăng hoa nhất của phụ nữ khi những cái tên nữ chiếm đến 13,8% số người được vinh danh - tỷ lệ cao nhất trong lịch sử 114 năm của giải thưởng này. Hòa bình và Văn chương là hai lĩnh vực thế mạnh của phụ nữ. 15,5% người được trao giải Nobel Hòa bình và 11,6% giải Nobel Văn chương là phụ nữ.
Năm nay, vượt qua những “đối thủ” được đánh giá cao là Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia đã gây ngạc nhiên khi được trao giải Hòa bình bởi những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này sau cuộc Cách mạng Hoa nhài 2011. Và một thành viên chủ chốt của nhóm này là bà Wided Bouchamaoui, Tổng thư ký Liên minh Công nghiệp, Thương mại và thủ công mỹ nghệ Tunisia (UTICA). Thêm một người phụ nữ nữa được gọi tên cho những nỗ lực vì hòa bình của thế giới và là một lời khẳng định mạnh mẽ cho quyền lực mềm ở lĩnh vực này vốn bắt đầu từ nữ văn sĩ theo chủ nghĩa hòa bình Bertha von Suttner (người Áo) năm 1905.
Bước vào thế kỷ 21, có đến 7 chủ nhân giải Nobel Hòa bình là phụ nữ. Chỉ trừ nhà hoạt động chính trị - môi trường người Kenya Wangari Maathai qua đời năm 2011, những người còn lại vẫn tích cực với vai trò và trọng trách của họ. Cùng TNTS xem họ làm gì hiện nay.
Ellen Johnson Sirleaf và Leymah Gbowee (2011)
Ellen Johnson Sirleaf
|
Leymah Gbowee
|
Nhà hoạt động hòa bình người Liberia Leymah Gbowee và Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf là một bộ đôi nổi tiếng ở châu Phi. Dưới sự lãnh đạo của họ, phong trào hòa bình của phụ nữ đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến thứ 2 của Liberia năm 2003 và mở đường cho bà Sirleaf trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở châu Phi. Dù nội chiến đã chấm dứt nhưng bà Gbowee vẫn không “buông” cựu Tổng thống Charles Taylor bị lật đổ năm 2003. Tại diễn đàn Women in the World do nhà báo Tina Brown tổ chức ở London vào ngày 9.10 vừa qua, bà Gbowee đề nghị bán tài sản của ông Taylor để lấy tiền giúp các nạn nhân của cuộc nội chiến ở Sierra Leone.
Được mệnh danh là “Bà đầm thép của Liberia”, bà Sirleaf hiện đang trong nhiệm kỳ 2 của ghế tổng thống và vẫn nêu cao ngọn cờ hành động vì quyền của phụ nữ ở đất nước này.
Tawakkol Karman (2011)
|
Là nhà báo, chính trị gia (thành viên của đảng Al-Islah của Yemen), nhà hoạt động nhân quyền (đồng sáng lập tổ chức Các nhà báo nữ không xiềng xích), bà mẹ 3 con này không ngừng tìm cách bày tỏ tiếng nói của phụ nữ cũng như tầm quan trọng của các hoạt động phi bạo lực trong các chuyến thăm quan trường đại học. Tại buổi nói chuyện ở Học viện Hòa bình Mỹ (Washington D.C) vào tháng 9 vừa qua, người phụ nữ 36 tuổi này khẳng định niềm tin của chị cũng như của người dân Yemen khi xung đột vẫn dâng cao ở đất nước của họ: “Không thể có hòa bình nếu không có công lý”. Karman là người Yemen đầu tiên và là phụ nữ Ả Rập đầu tiên sở hữu giải Nobel Hòa bình.
Shirin Ebadi (2003)
|
Là phụ nữ đạo Hồi đầu tiên và người Iran đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) được trao giải Nobel, bà Shirin Ebadi phải sống lưu vong ở Anh từ năm 2009. Nữ luật sư 68 tuổi này đang chuẩn bị xuất bản cuốn hồi ký có tên Treachery: My Story of Exile from Iran (tạm dịch: Sự phản bội: Câu chuyện lưu vong từ Iran) kể về cuộc sống hậu Nobel cũng như cuộc chiến công lý của bà. “Xây dựng đất nước Iran là công việc của đời tôi từ khi tôi trở thành một thẩm phán cho đến nay. Cuộc cách mạng Iran năm 1979 đã tước đoạt địa vị quan tòa của tôi nhưng tôi vẫn đấu tranh bên cạnh những người phụ nữ Iran để bảo vệ sự bình đẳng và tự do. Tôi viết cuốn sách mới này để ghi lại quyết tâm của chúng tôi. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ thắng thế. Tôi cầu nguyện và hy vọng rằng lịch sử sẽ ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi”, bà chia sẻ.
Malala Yousafzai (2014)
|
Năm ngoái, cô gái 17 tuổi người Pakistan này đã trở thành người trẻ tuổi nhất lịch sử Nobel khi được trao giải Nobel Hòa bình cùng với nhà hoạt động giáo dục và quyền trẻ em Ấn Độ Kailash Satyarthi. Tháng 7 năm nay, Yousafzai đánh dấu tuổi 18 của mình bằng việc khánh thành một ngôi trường nữ sinh mang tên mình ở Lebanon, sát biên giới Syria để tạo điều kiện cho 200 bé gái Syria đang sống trong các trại tị nạn được đi học. Cô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp thêm 39 tỉ USD mỗi năm để đảm bảo cho trẻ em toàn thế giới được học hành miễn phí.
Sắp tới đây, nguồn năng lượng mang tên Malala Yousafzai sẽ được truyền đi rộng rãi bởi nhà làm phim tài liệu từng đoạt giải Oscar Davis Guggenheim đã bắt tay làm bộ phim về cô với tên gọi He named me Malala (tạm dịch: Ông ấy đặt tên tôi là Malala).
Bình luận (0)