Xa quê, đến ngụ ở một con hẻm Sài Gòn đã qua năm thứ 21, nồi bánh tét vẫn hương vị ấy. Nhưng cảm giác mỗi khi gói, buộc và nổi lửa nấu nồi bánh ở thành phố phương Nam này còn mang nhiều hương vị khác. Đó là một nỗi hoài hương trắm tríu, một nỗi hoài niệm ùa về, một cảm thức cố níu giữ lấy cái truyền thống, đôi khi có thể xem ra vô hình nhưng không vô định… Huống chi, cái tết dịch giã Covid-19 với bao câu chuyện đang chộn rộn ùa vào ngóc ngách mọi nhà, thì cái sự gói một nồi bánh trước để cúng gia tiên, sau để dùng mấy ngày tết “thúc thủ”, không di chuyển đi đâu, lại mang một màu sắc có vẻ… “hư ảo” và đầy chiêm nghiệm.
Chiều 27 tháng Chạp, vợ chồng tôi chở nhau đi chợ Xóm Mới trên đường Lê Đức Thọ (Q. Gò Vấp, TP.HCM). Ngôi chợ truyền thống của đa phần là người xứ Bắc vô đây từ dạo 1954, mỗi khi tết đến xuân về lại bày bán đủ thứ cho nhà nhà sắm sửa tết mà tôi đã có dịp viết trong ký sự Chuyện Xóm Mới đăng trên Chuyên trang Sài Gòn số thứ bảy của Thanh Niên ngày 18.7 năm ngoái.
|
Này đây, bắt đầu là lá và lạt. Lá chuối xanh rờn, lạt dang trắng muốt. Cô bán hàng chọn cho một xấp lá tốt, là loại lá có dong dài và ít rách cho dễ gói, với nụ cười xởi lởi giọng pha Bắc: “Chị mua xấp này mới gói bánh đẹp, với lại đủ chục ký gạo nếp. Còn lạt thì chắc phải lấy bó to”. Trả tiền, vỏn vẹn hai thứ là 130 ngàn. Cười với nhau tiếng, rồi hối hả đi cho người khác ghé.
|
Chạy lên một đoạn, tạt vào mua mấy viên than tổ ong. Người ta đã cẩn thận bó bằng ni lông mỗi bó 5 viên đen tròn vành vạnh. Mua than phải xem kỹ, người bán có tâm thì nhận về loại nhào than nhiều để bán, dễ đun. Còn có đôi hàng than nhận về loại than trộn nhiều đất bùn, nhiều khi đun khói um lên cả xóm, mắt mũi cay xè vẫn không chịu cháy. Đó là… nỗi buồn bếp úm chiều cận tết, khi bánh đã gói xong, mà loay hoay mãi với cái bếp mua phải thứ than… trật chìa trớt quớt!
|
Xong, là nếp và đậu xanh. Chọn loại nếp cái hoa vàng, người ta thường nấu rượu. Loại nếp này là một thứ truyền thống… “rất lạ” của đồng bằng Bắc bộ, bởi nấu rượu cũng ngon, không quá nồng mà dịu, uống vào say la đà chút mà ngọt hậu. Còn để gói bánh thì rất nhuyễn mà dẻo, hạt nếp quyện lấy nhau quyến luyến lắm, không hề rời rạc. Mà cái hay hơn nếp nương của nếp cái hoa vàng là bánh gói để lâu không hề bị rã, ung dung thế có khi để đến qua rằm tháng giêng, nếu chịu khó nấu kỹ.
Đùm đề đủ thứ với lá, lạt, nếp, đậu. Để rồi sáng hôm sau ra chợ sớm mua ít thịt mỡ đùi. Xẻ dọc theo dong, thịt ướp để đó để cùng với đậu xanh làm nhân. Nếp xổ ra vo sạch ngâm nước 6 tiếng. Lá lau sạch, lạt dang ngâm vào chậu nước. Và rồi khi xong các khâu chuẩn bị, quây quần cả nhà một khoảnh người gói, người tước lạt, người buộc, người chuẩn bị cho chiếc bếp lò để sẵn. Rỉ rả chuyện trò, bày nhau từng nút buộc, xoay nắn từng đòn bánh. Đo đi đo lại cho các lượt bánh đều nhau không dài hơn, ngắn hơn mà cũng không lớn, không nhỏ. Sắp lại thành một chồng bánh tăm tắp, với bao sự gửi gắm yêu thương khéo léo vào đó. Bởi thế, người ta nói gói bánh gia đình tự nấu có những điểm rất khác biệt với người gói bánh chuyên nghiệp đem bán, là thế!
|
Gói xong nồi bánh 10 kg, thì đã về đêm. Khuya, trở dậy lục tục nhóm lửa bếp lò. Than tổ ong lâu cháy, nếu khéo thì nhóm lửa rực cũng phải nửa tiếng, còn vụng một chút thì mất cả tiếng như chơi. Trời dần sáng, bếp lung linh. Bỏ bánh vào nồi bắc lên. Lúc ấy mới có thể ung dung chút đỉnh, lướt web online xem nơi này cách ly, nơi kia phong tỏa vì dịch giã hay nghe chuyện mưa nắng quê nhà, hỏi han tết nhất buồn vui… Nồi bánh tết năm nay vì thế xung quanh nó đẫm chất thời sự trộn lẫn với bao thứ hoài niệm quá khứ, hy vọng tương lai. Tôi tưởng chừng như thế!
Trời dần về chiều. Đã qua 3 lượt thay than châm nước. Nắng tết có lúc hoang dại một chút trên đầu trần không đội nón. Một đám mây xám lướt qua lại nghe hồi hộp mưa xuống bếp tắt. Nhưng không sao, tôi lơ mơ hình dung ra chuyện trời đất cuối tháng chạp, với năm nhuận rồi cũng sẽ không đến nỗi nào.
Năm nay, nồi bánh gói hơi to, đùa nhau rằng điềm lành Tân Sửu e no đủ. Vì bởi, sao cứ cố gắng gói thon lại chút, mà cũng thành ra mỗi đòn bánh lại to hơn mọi năm.
Cũng thành ra, năm trước nấu nồi bánh khoảng 14 tiếng đồng hồ với 5 lượt thay than. Năm nay nồi bánh nhà tôi nấu từ 6 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm với 7 lượt thay than. Vớt bánh ra, gửi cặp bánh cho người bạn dùng thử, gửi luôn cả cái tình trong đó. Tôi nhận lại câu nhắn “nhìn ngon quá anh ơi”!
Nghe lòng mình bừng lên chút rộn rã. Hy vọng ùa vào như khỏa lấp những tất bật khó khăn. Ngồi vào bàn viết, canh đồng hồ, loáng thoáng lướt qua trong đầu lời nhắc, còn 5 tiếng nữa là đón giao thừa!
Bình luận (0)