Nỗi cô đơn của sự thật

14/06/2011 01:25 GMT+7

Gần 2 tháng trước đây, khi đứng lên nhận giải “Trách nhiệm” và điểm lại quá trình đấu tranh khiến Toyota Việt Nam (TMV) phải thu hồi hơn 65.000 ô tô bị lỗi, kỹ sư làm việc cho TMV Lê Văn Tạch tâm sự: “Nhiều lúc tôi cảm thấy rất cô đơn bởi tôi chẳng có gì ngoài sự thật”.

Đầu tháng 4.2011, khi kỹ sư Tạch quyết định công bố sự việc TMV bán xe bị lỗi ra thị trường, ông Đỗ Hữu Đức, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bình luận: “Anh Tạch là người dũng cảm”. Thời điểm đó, trên nhiều tờ báo, trang mạng, kỹ sư Tạch đã nhận được rất nhiều lời động viên về lòng dũng cảm. Nhưng kèm theo đó cũng có không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về tương lai của anh, họ sợ anh sẽ “tạch” khi đã không “ăn cây nào rào cây ấy”.

Trên thực tế, quá trình công khai những bê bối của TMV, kỹ sư Tạch chịu không ít sự bầm dập, cả về công việc cũng như trong cuộc sống. “Tại công ty, tôi không được làm công việc cũ đúng theo sở trường”, anh từng chia sẻ.

Gần 8 năm làm việc tại TMV, kỹ sư Tạch đã có những người bạn, đồng nghiệp thân thiết. Nhưng từ khi anh đứng đơn tố cáo, không ít bạn bè đã xa lánh, có lẽ họ sợ lãnh đạo nhìn nhận giao lưu với “thành phần xấu”. Ở nhà, người thân của anh cũng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi đề nghị khuyên nhủ anh Tạch rút đơn, không nên gây ảnh hưởng xấu cho một doanh nghiệp lớn. Thậm chí, đang đêm, mẹ anh dựng con trai dậy vừa khóc vừa nói: “Thôi con đừng làm điều dại dột, mình đã làm không được gì, lại thiệt thân”.

Nỗi cô đơn của kỹ sư Tạch dường như được đẩy lên đỉnh điểm khi vào 19 giờ ngày 11.6, anh nhận được quyết định của TMV qua nhân viên bưu điện về việc bị đình chỉ công tác 3 tháng, chỉ được hưởng lương 50%. Cầm tờ quyết định trên tay, kỹ sư Tạch bình thản: “Tôi biết sớm muộn gì rồi cũng sẽ có ngày này. Những điều cần làm tôi đã làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong những hành động của mình”.

Không chỉ kỹ sư Tạch mà gần đây có hàng loạt vụ việc cho thấy những người như anh phải chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi: anh Trần Văn Giáp ở Nghệ An (một trong những người được tỉnh biểu dương đầu năm 2011) bị hành hung vì dám công bố cho các cơ quan hữu trách những việc làm vi phạm pháp luật của cán bộ; một nhà báo bị trả thù vì bài viết chống tiêu cực...

Có thể thấy, những người dám dấn thân bảo vệ lợi ích cho xã hội đôi khi lại chịu thiệt thòi vẫn là một thực tế khiến nhiều người phải suy nghĩ. Vài năm gần đây, cơ quan chức năng nhà nước đã có nhiều cố gắng khi kịp thời biểu dương khen thưởng những người tố cáo tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở khen thưởng thì chưa đủ mà cần phải có những cơ chế để những cá nhân này không cảm thấy cô đơn, thiệt thòi.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.