Thấp thỏm đợi ngày cái chết đến, nỗi cô đơn giày vò, khát khao nắm một bàn tay người thân. Những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối sống trong tâm trạng bão giông.
|
Nghịch cảnh
Nằm ngay mặt đường 70, nơi ngày đêm đông đúc xe cộ qua lại, nhưng không khí bên trong bệnh viện 09 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tĩnh lặng lạ thường. Gọi 09 là bệnh viện đặc biệt nhất trong các bệnh viện cũng không có gì là quá. Bệnh viện chỉ điều trị và chăm sóc những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Bệnh nhân H.M.T (29 tuổi, Hà Nội) nói: “Ở đây được thuốc thang chu đáo, bác sĩ nhiệt tình nên ai cũng muốn được về đây điều trị. Nhưng nghịch cảnh lắm vì đây chỉ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối tức là bệnh nặng lắm rồi, ngày gần đất xa trời không còn bao lâu. Chúng tôi được về đây điều trị chẳng biết nên vui hay buồn”. Trong ánh mắt T., nỗi buồn thăm thẳm.
Không có tình trạng quá tải bệnh nhân, không có sự xô bồ, chen lấn đến giờ thăm nom như hầu hết cơ sở y tế khác trên cả nước. Bác sĩ Vũ Đức Phê, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp khoát tay chỉ cho tôi xem bãi để xe của bệnh viện, lắc đầu bảo: “Cô thấy đấy, chỉ có xe của cán bộ bệnh viện thôi, làm gì có người nhà nào đến thăm bệnh nhân. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân ở đây thi thoảng lắm mới có người thân đáo qua mấy phút rồi về”.
Khoa Hồi sức cấp cứu nằm ngay tầng một, chỉ cách con đường cái ồn ào vài chục mét. Không khí lặng ngắt. Không còn bệnh nhân nữ điều trị, quanh quẩn trong phòng vài nam bệnh nhân với thân hình yếu ớt, gầy gò và đôi mắt trũng sâu không còn sức sống. Mỗi người nằm một giường, cô đơn và buồn bã.
Ở những bệnh viện khác, dễ dàng bắt gặp cảnh người nhà chăm sóc bệnh nhân, cam, đường chất đầy tủ cá nhân đầu giường. Nhưng ở đây, đồ đạc chỉ là vài bộ quần áo, mấy cuốn sách báo.
L.M.P (32 tuổi) nhác thấy bóng bác sĩ vào phòng nên bỏ cuốn truyện Thủy Hử đã nhàu nhĩ, ố vàng xuống: “Em đỡ hơn hôm qua bác sĩ ạ, nhưng bụng em vẫn trướng lắm”.
P. vén áo lên cho bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuân khám, lộ chi chít những nốt mẩn đỏ. Khuôn mặt P. được che khẩu trang, nhưng cũng không giấu được rất nhiều nốt mẩn đỏ khắp mặt, đôi mắt vàng vọt. P. nghiện ma túy đã nhiều năm về trước và đã cai được, nhưng gần đây thấy sức khỏe kém, đi khám mới biết bị HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Mới lập gia đình được vài tháng thì biết mắc bệnh, P. như rơi xuống địa ngục. P. giờ như lá sắp lìa cành với các bệnh xơ gan, nấm họng, tiêu chảy kéo dài, lao. Nhưng may là anh còn có vợ thi thoảng đáo qua hỏi han.
Sự xuất hiện của cô vợ trẻ là niềm vui của P trong những ngày cuối cùng, nhưng cũng là nỗi xót xa thầm lặng của những bệnh nhân khác, những người ngày đêm vò võ một mình. Họ thèm một lời động viên của người thân mà không được.
Cô đơn và bi quan đến cùng cực là trạng thái của bệnh nhân AIDS khi bị gia đình bỏ rơi. Đã có những người cắt mạch máu hoặc nhảy từ trên tầng 2 xuống đất để tự tử. Bác sĩ Phê tâm sự: “Hồi mới về 09, tôi thực sự bị sốc bởi thái độ của người nhà bệnh nhân. Có bệnh nhân nặng, chúng tôi vừa cấp cứu xong, cho thở ôxy. Bác sĩ quay sang để xem bệnh nhân khác, quay lại đã thấy người nhà bệnh nhân vừa được cấp cứu lén chạy vào giựt ống thở ôxy để bệnh nhân chết cho nhanh”.
Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị những người ruột thịt chối bỏ. Ở bệnh viện này, hầu hết bệnh nhân đều có chung sự ruồng bỏ đó. Nhiều lần bác sĩ gọi điện cho người nhà bệnh nhân để thông báo tình hình sức khỏe thì nhận được từ đầu dây điện thoại đằng kia câu hỏi lạnh lùng: “Nó chết chưa?”.
Phần lớn bệnh nhân sau khi tử vong không có người nhà đến nhận xác, bệnh viện phải đứng ra lo thủ tục hỏa táng và chôn cất. Bác sĩ Xuân ngậm ngùi: “Cũng là một kiếp người, nhưng họ phải chết mà không người thân thừa nhận”.
Chia sẻ thầm lặng
Bác sĩ Phê cho biết bệnh nhân về đây có nhiều nguồn nhưng chủ yếu họ được thuyên chuyển từ các cơ sở y tế quận, các trường, trại, trung tâm lao động xã hội. Trải qua nhiều tuyến điều trị ở các giai đoạn, khi về đến Bệnh viện 09 thì đã là những ngày cuối.
Ai đó đau xót nói, Bệnh viện 09 chính là “bãi thải” của những người mắc căn bệnh thế kỷ ở Hà Nội. Xuất thân của bệnh nhân thì cực kỳ phức tạp, từ tù tội, mại dâm, dân anh chị… và đa phần đều nghiện ma túy. Vì thế, để quản được họ, để cuộc sống đi vào quy củ ngăn nắp không phải là việc dễ dàng.
|
Đa số người bệnh điều trị tại Bệnh viện đều trong tình trạng nặng, thể trạng suy kiệt, suy mòn nặng, sức đề kháng của cơ thể rất kém, tỷ lệ tử vong cao. Tất cả đều có hai hoặc nhiều bệnh kèm theo, nhất là các bệnh nhiễm trùng có cơ hội biểu hiện rất rầm rộ, triệu chứng rõ ràng, dễ lây lan như: bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, viêm gan siêu vi trùng, các loại nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm…
Hơn ai hết, những bác sĩ và hộ lý, điều dưỡng viên là người thấu hiểu tâm trạng của bệnh nhân AIDS. Họ còn là nơi bệnh nhân giãi bày tâm sự. Bác sĩ Xuân cho biết những bệnh nhân có thể có biểu hiện cực đoan về tinh thần, tình cảm, có người còn nói “không cần ai đến thăm hết” nhưng đó chỉ là vẻ ngoài. Bởi chỉ cần bác sĩ vỗ về, an ủi, họ sẽ chia sẻ khát khao được gặp lại cha mẹ, anh chị em.
Tiếp xúc với bệnh nhân và môi trường bệnh tật nguy hiểm hàng ngày trong thời gian dài, không ít nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm HIV, bệnh lao. Mới đây, chị H.K, điều dưỡng trẻ của bệnh viện đã phải uống thuốc điều trị dự phòng HIV do tai nạn nghề nghiệp trong lúc làm việc.
Những ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm cuối cùng sau thời gian uống thuốc điều trị dự phòng với K. là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời. Nếu không may nhiễm bệnh, ai sẽ chăm bẵm đứa con nhỏ? K ngày đêm đau đáu điều đó trong đầu, không hé răng nửa lời với cha mẹ và chồng về tai nạn của mình.
|
Nhưng họ vẫn không từ bỏ công việc nguy hiểm. Hằng ngày vừa tiêm thuốc, khám bệnh vừa trò chuyện với bệnh nhân. Có những bệnh nhân linh tính việc mình không còn sống được bao lâu nên nhờ bác sĩ mua hộ một món ăn từ ngày thơ bé.
Khi đó nhân viên y tế đều thực hiện ước nguyện của họ. Nhìn bệnh nhân cầm món quà nhỏ bé trong tay, các bác sĩ cảm nhận được niềm vui của họ. Ngày hôm sau, họ vĩnh viễn ra đi, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời bất hạnh bằng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cuối đời.
Bệnh viện 09 có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS với quy mô 200 giường bệnh, 4 phòng chức năng và 10 khoa chuyên môn gồm: Khoa Khám bệnh - Tư vấn và điều trị ngoại trú, Lao, Nhi…
Nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh cho người lây nhiễm HIV và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối đang cư trú hợp pháp trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)