Nơi cưu mang những mảnh đời cô quạnh

Nam Long
Nam Long
30/06/2022 18:33 GMT+7

Thành lập năm 2006, đến nay, Trung tâm bảo trợ xã hội Mái ấm Long Thành đã cưu mang hơn 500 người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

Trung tâm bảo trợ xã hội Mái ấm Long Thành (gọi tắt là Mái ấm Long Thành) nằm trong khuôn viên chùa Long Thành, tọa lạc xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long.

Bữa cơm trưa ấm áp của các cụ tại Mái ấm Long Thành

Nam Long

Tiếp chuyện với chúng tôi, đại đức Thích Tâm Trí, Phó trụ trì chùa Long Thành, Trưởng ban điều hành Mái ấm Long Thành, cho biết từ khi thành lập đến nay, nơi đây đã tiếp nhận, cưu mang hơn 500 người, đa phần trên 60 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, bị con cháu ruồng bỏ, không có nhà và người thân… “Họ ở khắp nơi, như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… và khi vào đây đều được chính quyền địa phương xác nhận. Ở đây, nhà chùa lo chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ và mọi chi phí sinh hoạt khác, bởi ngoài đời họ đã quá khổ sở mới đến đây nương tựa. Mỗi ngày, ăn uống 3 bữa chính, các bữa phụ và được niệm Phật mỗi ngày giúp họ tịnh tâm quên đi những chuyện buồn tủi đã trải qua, giúp họ có cuộc sống an nhiên quãng đời còn lại”, đại đức Thích Tâm Trí nói.

Đại đức Thích Tâm Trí thường xuyên đến thăm hỏi, động viên những cụ già đang sinh sống tại Mái ấm Long Thành

Ông Nguyễn Văn L. (72 tuổi, quê Bình Dương) cho biết, ông có 8 người con (4 trai, 4 gái) nhưng không ở được với ai vì thái độ các con, dâu, rể không muốn ông ở chung nên ông xin vào Mái ấm Long Thành ở từ đầu năm 2020 đến nay. “Tụi nó không đuổi thẳng nhưng nhìn thái độ là biết. Có lần, đem cơm cho tôi, nó dằn cái đùng trên bàn, hay lúc tôi ngồi niệm Phật nó đi ra đóng cửa cái rầm… Thà nó đuổi thẳng, tôi còn vui hơn. Tôi thấy cuộc sống này chán quá, vào đây có mấy anh chị em hằng ngày ăn chay, niệm Phật thấy tinh thần nhẹ nhõm hẳn ra. Ở đây được các sư phụ đối đãi như người thân, tôi nguyện ghi tâm suốt đời”, ông L. trầm ngâm nói.

Đại đức Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Long Thành, Giám đốc Mái ấm Long Thành, cho biết ngoài công tác chăm sóc người cơ nhỡ, nhà chùa còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội với tinh thần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Trong nhiệm kỳ qua, chùa Long Thành đã vận động phật tử, nhà hảo tâm đóng góp công tác từ thiện hơn 11 tỉ đồng. Riêng trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhà chùa đã vận động hỗ trợ phòng chống dịch và thăm tặng quà giúp đỡ người khó khăn, trẻ mồ côi do Covid-19 với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng.

Còn bà Lưu Kim B. (quê H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho biết: “Ở quê, tôi làm nghề mua bán tại chợ. Không có con nên tôi nhận nuôi một bé trai, nuôi lớn, nhưng nó theo bạn bè hư hỏng, nghiện ma túy. Mấy năm trước, nó còn đuổi đánh, tôi phải bán nhà chia tiền cho nó rồi lên đây ở. Cuộc sống ở đây an nhàn, thấy mình khỏe ra, hằng ngày có mấy chị em bạn già thủ thỉ với nhau”, bà B. chia sẻ.

Đại đức Thích Tâm Trí cho biết, ở đây có 13 phòng nuôi dưỡng người cơ nhỡ, mỗi phòng rộng hơn 30 m². Người ở đây đa phần là người cao tuổi, họ vẫn tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi phòng có thể ở được từ 4 - 5 người, nhưng chỉ bố trí 2 - 3 người để những người lớn tuổi có không gian, không bị cảm giác tù túng. Mọi chi phí sinh hoạt đều được nhà chùa lo toàn bộ từ nguồn vận động phật tử và nhà hảo tâm, đến lúc về với Phật nhà chùa cũng lo lễ hỏa táng và tro cốt được đặt trong nhà cốt của chùa. Hằng ngày, ngoài ăn uống và niệm Phật, ai muốn vận động có thể làm những việc vặt quanh chùa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.