Nổi danh ở Silicon

09/12/2012 03:30 GMT+7

Dù có nhiều lúc thăng trầm nhưng triệu phú gốc Việt Bill Nguyễn vẫn luôn giữ vai trò biểu tượng trong làng công nghệ Mỹ.

Hồi tháng 10, tạp chí Forbes đưa tin Tập đoàn công nghệ Apple vừa quyết định mua lại ứng dụng Color chuyên chia sẻ hình ảnh trên điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android và iPhone. Không nêu ra con số chi tiết nhưng Forbes dẫn một số nguồn tin khẳng định giá trị thương vụ phải vài chục triệu USD.

Nhà tiên phong…

Như vậy, một lần nữa Apple đã chịu khó chi ra những khoản tiền đáng kể để mua lại ứng dụng do nhà triệu phú gốc Việt Bill Nguyễn (42 tuổi) phát triển. Trước đó, Apple hồi năm 2009 từng bỏ ra 80 triệu USD để mua dịch vụ trực tuyến Lala cũng do ông phát triển.

 Bill Nguyễn
Triệu phú Bill Nguyễn để lại dấu ấn trong làng công nghệ Mỹ - Ảnh: Parameter.sk

Sinh ra tại Việt Nam và sang Mỹ khi còn nhỏ tuổi, dù không đạt thành quả đáng kể trên con đường học tập nhưng Bill nhanh chóng đạt được những thành công mà rất nhiều người phải mơ ước. Năm 2003, CNN dẫn nguồn tạp chí Fortune bình chọn công ty của Bill Nguyễn nằm trong số 10 doanh nghiệp đáng để theo dõi nhờ những thành tích ấn tượng, ngay cả khi lĩnh vực internet Mỹ gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phải đến lúc đấy, tên tuổi của Bill Nguyễn mới được nhắc đến. Trước đó, vào năm 2002, tạp chí Technology Review của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ xếp ông vào danh sách 100 người dưới 35 tuổi đóng vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực.

Sự vinh danh trên là hoàn toàn tương xứng với những thành tựu mà ông Bill Nguyễn đạt được. Hồi năm 2000, cả thế giới công nghệ không khỏi sửng sốt khi Công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông One Box, do ông đồng sáng lập, được Công ty viễn thông Phone.com mua lại với giá khoảng 800 triệu USD. Sau đó, ông bắt tay vào phát triển Công ty Seven Networks chuyên cung cấp các dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhà mạng, đặc biệt là gửi nhận email trên thiết bị không dây. Đến nay, Seven Networks đang là đối tác của những nhà mạng hàng đầu thế giới.

 Bill Nguyễn
Bill Nguyễn (trái) và cộng sự một thời Peter Phạm - Ảnh: VTP

Tiếp đến, vào năm 2006, Bill Nguyễn ra mắt dịch vụ trao đổi nhạc và đĩa CD trực tuyến có tên Lala. Dịch vụ này cho phép người dùng trao đổi các đĩa nhạc CD cũ với mức phí chỉ 1 USD nên nhanh chóng thu hút người dùng. Sau đó, dịch vụ Lala nhanh chóng mở rộng sang nhạc nén MP3 và hợp tác cả với Facebook để chia sẻ nhạc. Đến năm 2009, trước những thành tựu ấn tượng của Lala, Apple quyết định chi ra khoảng 80 triệu USD để mua lại dịch vụ này. Sau khi bán Lala cho Apple, triệu phú Bill về làm việc cho “táo cắn dở” một thời gian ngắn rồi tiếp tục “ra riêng” để khởi sự một dự án khác.

…và những chỉ trích

Dự án tiếp theo của Bill Nguyễn là ứng dụng chia sẻ hình ảnh Color, thu hút được đến 41 triệu USD đầu tư. Tuy nhiên, dường như ứng dụng này chẳng đem lại cho ông nhiều thành công. Cách đây chưa lâu, ông rút lui không còn nắm giữ vị trí điều hành Color và sau đó Apple mua lại ứng dụng này. Không chỉ là dự án được xem ít thành công nhất của Bill Nguyễn, Color còn khiến ông bị chỉ trích khá nhiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng ông đã quá “ngạo mạn” khi từng khẳng định Color sẽ thành công rực rỡ. Đồng thời, Bill Nguyễn còn bị một số người cho là đã “hủy hoại” Color dù dự án này ẩn chứa nhiều tiềm năng.

Khi khởi sự dự án Color, Bill Nguyễn đã quy tụ được một tên tuổi khác trong làng công nghệ Mỹ là Peter Phạm, cũng là người gốc Việt. Trước khi về với Color cùng Bill Nguyễn, ông Peter Phạm cũng là biểu tượng thành công khi từng giữ chức Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu phát triển của dịch vụ chia sẻ hình ảnh Photobucket. Ngoài ra, Peter Phạm còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của một số công ty danh tiếng trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông như Billshrink. Tuy nhiên, lương duyên giữa ông với Color kết thúc chỉ sau khoảng 1 năm.

Thương vụ đình đám

Năm 2000, những tờ báo và chuyên trang công nghệ hàng đầu thế giới liên tục đăng tải về thương vụ Công ty viễn thông Phone.com bỏ ra khoảng 800 triệu USD để mua lại One Box, nhà cung cấp các dịch vụ ứng dụng liên lạc. Con số trên có thể không quá lớn đối với những thương vụ sau đó trong ngành công nghệ, nhưng việc một One Box vừa được thành lập với số nhân sự chỉ 70 người lại là điều đáng nói. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời Tổng giám đốc Phone.com Alain Rossmann khẳng định: “Đây là bước đi quan trọng vì chúng tôi sẽ có vị thế mạnh mẽ hơn”. Theo đó, Phone.com sẽ mở rộng hoạt động bằng cách cung cấp dịch vụ ứng dụng cho các nhà mạng.

Ông Rossmann cũng dự báo trong một tương lai không xa các công ty viễn thông sẽ kiếm phần lớn doanh thu từ việc cung cấp những dịch vụ ứng dụng như One Box đang có khi ấy. Quả thực, đến nay, dự báo của ông Rossmann đã trở thành thực tế. Vì vậy, giới công nghệ luôn có lý do để khâm phục ý tưởng cũng như khả năng thực thi của triệu phú Bill Nguyễn, một trong những nhà đồng sáng lập Onebox.com

Hoàng Đình

>> Google đưa ứng dụng biên tập ảnh Snapseed lên Android
>> Android thống trị thị trường smartphone đến năm 2016
>> Google cập nhật phiên bản Gmail mới trên Android
>> Skype cập nhật phiên bản mới trên Android
>> Firefox trên Android hỗ trợ bộ vi xử lý ARMv6
>> ZTE công bố 4 điện thoại Android mới
>> Quản lý các ứng dụng trên Android

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.