Cống xả thải ra sông Hồng của Công ty super phốt phát và hóa chất Lâm Thao - Ảnh: Minh Sang |
Từ Yên Bái tàu chúng tôi xuôi Phú Thọ. Tới địa phận xã Man Lạn, huyện Thanh Ba, cuộc hành trình dọc sông Hồng bằng tàu của chúng tôi buộc phải kết thúc sớm hơn kế hoạch. Nguyên nhân được người chủ tàu thông báo là: “Sông quá cạn, nếu cố đi, tàu sẽ va phải đá, không đảm bảo an toàn tính mạng”. Quả thật, khi rời tàu, nhìn xuống khúc sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận xã Man Lạn, chúng tôi có cảm giác như đó là những bãi đất được đổ cát chờ quy hoạch xây dựng...
Xuôi một đoạn chừng vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp trên chính khúc sông cạn trơ đáy kia là những người nông dân đang hối hả cho một vụ mía. Ông Nguyễn Văn Tiến, một cư dân trong xã cho biết, nhiều người trong xã cũng học theo ông, tranh thủ lúc sông cạn kiệt, đem giống má tới để gieo trồng. Hiện nhà ông Tiến trồng được 1,2 mẫu mía, trước đó ông Tiến đã thu hoạch được một vụ mía tại chính lòng sông cạn này. Tuy nhiên, theo ông Tiến, ở bờ bãi bên kia sông Hồng, sâu phía trong, hàng chục ha lúa đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán. Vì từ khi sông Hồng trơ đáy, trạm bơm bốn cửa của xã cũng trở nên vô dụng và người dân chỉ biết mong trời cho mưa xuống.
Những cống xả đáng sợ
Xuôi về hướng cầu Phong Châu, chúng tôi tới được thôn Cao Mại, thuộc thị trấn Lâm Thao. Men tiếp theo triền đê phía ngoài bờ sông Hồng, nơi tỏa ra một thứ mùi hắc cứ như chực xộc vào mũi, vào mồm, chúng tôi bắt gặp một miệng cống thải ra dòng nước trắng đục. Đó là cống xả thải của Công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Người dân nơi đây cho rằng, nước thải thoát ra từ cống xả này đã “giết” chết cả một khúc sông. Những ngày cống xả nhiều, hơi nước bốc lên khiến cây cối bị úa và cháy khô.
Theo báo cáo quan trắc định kỳ năm 2010 của Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ, nước sông Hồng chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ được sử dụng để cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt... chưa đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, nước thải của Công ty cổ phần giấy Lửa Việt ra sông Hồng, trên địa bàn huyện Hạ Hòa có thông số chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 1,15 lần cho phép, thông số chất hữu cơ BOD5 vượt 1,24 lần. Tại huyện Lâm Thao, nước thải Công ty supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao có mùi khó chịu, nồng độ chất rắn lơ lửng vượt 1,16 lần. Còn về hạ lưu phía TP Việt Trì, nước thải từ Công ty cổ phần dệt Vĩnh Phúc có nồng độ chất rắn lơ lửng vượt 3,58 lần, BOD5 vượt 2,6 lần... |
Trên thực tế, hầu như tất cả cỏ dại sống khỏe như bông lau, cỏ tranh mọc xung quanh miệng cống xả thải này, đều chết úa. Chị Nguyễn Thị Phấn, chủ nhân của 2 sào ruộng màu đất bãi bồi, nằm ngay sát cống xả thải này buồn rầu tâm sự: “Ai cũng nghĩ là có ruộng ở bãi bồi đều làm chơi ăn thật. Nhưng riêng gia đình tôi lại khác. Do nằm ngay bên cống thải mà chẳng mùa nào là không bị nước thải làm mất phân nửa ruộng rau”.
Cách cống xả thải này chừng 5 km về phía hạ lưu là làng chài xã Hương Nộn, huyện Tam Nông. Ở đây, từ khi nước sông Hồng ô nhiễm nặng, con cá, con tôm vợi hẳn, các hộ gia đình cứ lũ lượt theo nhau bỏ thuyền lên bờ tìm đủ thứ nghề để mưu sinh. Bà Lê Thị Sáng, một ngư dân năm nay đã 65 tuổi cho biết: “Nước ở khúc sông đó giờ ô nhiễm nặng lắm, cá chết mà vảy của nó phồng hết cả lên. Trong khi thuyền bè neo đậu tại đó lâu thì nhanh bị han gỉ. Cách đây không lâu, có con bò không hiểu sao lại bị sa chân xuống khúc sông đó, bì bõm được một lúc thì ngắc ngoải, khi mọi người kéo được lên bờ thì da ở cổ chân nó đã đỏ, phồng lên”.
“Trước đây có lần giăng lưới được mẻ cá, tôi toan kho với khế chua. Nhưng khi mổ bụng mấy con cá ra thì thấy thịt cá không phải màu hồng đỏ thông thường, mà trắng đục, có mùi hắc hệt như nước ở cống xả. Thấy sợ quá tôi đành đổ hết”, anh Ngô Văn Thân, một dân chài lưới khác kể lại. Cũng theo anh Thân, bây giờ không chỉ người dân xóm anh, mà khắp hai bên sông, nông dân trồng ngô và hoa màu đã thôi không sử dụng nước sông tưới tiêu, mà dùng nước giếng.
Xuôi về phía hạ lưu, khúc sông Hồng chảy qua địa phận TP Việt Trì, nằm cách thị trấn Lâm Thao chừng 30 km cũng đang bị đầu độc. Theo phản ánh của người dân phường Bến Gót (TP Việt Trì), từ nhiều năm qua, Công ty Pangrim Neotex đã xả thải nước bẩn ra sông Hồng. Và cũng chỉ bằng mắt thường quan sát cũng có thể thấy tác hại của việc xả thải này. Đó là lớp bùn đặc sệt, đen xì bốc mùi hắc rất khó chịu dưới cửa mương cống nước thải. Đó là những hàng chuối chạy dọc bãi bồi Bến Gót nằm bên sông Hồng đang héo khô, chết dần...
Bà Bùi Thị Quý, một người dân phường Bến Gót bức xúc cho biết, giếng nước ăn nhà bà mấy năm gần đây liên tục nổi một lớp váng màu vàng, bốc hơi khói lại kèm mùi tanh, do vậy gia đình đành phải lấp đi và hằng tháng mất thêm một khoản tiền mua nước máy để sinh hoạt. Còn theo những ngư dân đánh cá ven sông, cách khu vực mương xả thải Bến Gót hơn 3 km, những năm gần đây lượng cá họ đánh bắt được đã giảm đi rất nhiều. Những ngư dân này cho biết thêm, hiện các nhà thuyền đã không còn dám sử dụng nước sông cho bất kỳ việc gì trong sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ cho biết, mỗi năm sở đều tiến hành thanh, kiểm tra nước mặt sông Hồng định kỳ 4 lần vào 4 quý. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều đợt đi kiểm tra đột xuất các khu vực của sông. Nhưng theo ông Nguyễn Bá Thọ, Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Sở TN-MT chỉ đi thanh kiểm tra chứ không lấy mẫu nước tại các cửa cống để kiểm tra và xét nghiệm các thông số về sự ô nhiễm. Nước xả thải của các công ty do chính các công ty này lấy mẫu nước rồi mang đi xét nghiệm theo định kỳ 6 tháng rồi gửi báo cáo quan trắc về nước thải lên sở, chứ Sở TN-MT không trực tiếp lấy mẫu để xét nghiệm.
Mặt khác, ông Thọ cho rằng, việc kiểm tra các nhà máy xả trộm là rất khó khăn, bởi các nhà máy, công ty rất có thể sẽ xả trộm vào ban đêm.
Hà An
Bình luận (0)