Nơi độc nhất ở Sài Gòn hiệp sĩ theo chân trộm cướp nơi chợ cổ Bình Tây

13/12/2016 14:01 GMT+7

Tất bật với công việc bốc xếp tại chợ Bình Tây nhưng anh Trần Văn Hùng vẫn nhanh mắt nhìn xung quanh, hễ nghe quanh chợ có chuyện bất bình là lập tức có mặt và ra tay nghĩa hiệp.

Ở Sài Gòn, nếu chịu khó nhìn xung quanh một chút thì ở đâu người ta cũng có thể thấy những tấm lòng hào sảng và những hành động nghĩa hiệp.
Từ trà đá, cơm, áo miễn phí đến bơm xe, dạy học, quan tài, thậm chí bắt cướp cũng… miễn phí luôn làm ấm lòng bao người mỗi khi nhắc đến.
VIDEO: 'Hùng bắt cướp' nói về cách nhận dạng trộm cướp - Thực hiện: Vũ Phượng
Bốn năm trở lại đây, khu chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) vốn sầm uất, náo nhiệt trở nên trật tự hơn hẳn vì có người đàn ông luôn sẵn sàng liều mình dí theo trộm, cướp rồi giao cho công an.
‘Nơi mình kiếm tiền, không thể để tụi trộm kiếm chuyện’
Sau buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” của UBND TP.HCM, chúng tôi tìm đến khu chợ cổ lớn nhất Sài Gòn để tìm gặp anh Trần Văn Hùng (39 tuổi), người được tuyên dương là Hiệp sĩ bắt cướp chợ Bình Tây.
Trong bộ quần áo ướt sũng mồ hôi, anh Hùng cho biết, năm 12 tuổi thì cha mất nên anh nghỉ học để phụ mẹ lo cho hai em gái. Ra đời bươn trải với đủ thứ nghề từ sớm nên anh có vẻ ngoài rắn rỏi và từng trải hơn nhiều so với tuổi thật.
Mỗi lần về nói với vợ nay bắt được 1 thằng giao công an là vợ lại kiểm tra khắp người xem có bị sao không, sau đó nói giọng vừa giận vừa quan tâm rằng phải cẩn thận vì sợ bị dính xì ke hay trả thù. Còn thằng con trai lớn thì cứ kêu ba kể bắt cướp là bắt như thế nào, giống trong phim không, chừng nào ba đi bắt cướp cho con theo với. Đó chính là động lực lớn nhất đời tui”.
Anh Trần Văn Hùng
Đến khi lập gia đình, vì muốn có thu nhập ổn định nên anh đến chợ Bình Tây để làm bốc xếp. Hồi đó, bốc xếp ở chợ này còn lộn xộn, người này giành việc của người kia nên thường xuyên xảy ra xô xát, “lên đồn công an như cơm bữa”.
Thấy không ổn, Công an phường đề nghị thành lập Nghiệp đoàn bốc xếp, tất cả anh em muốn bốc xếp tại chợ phải nộp sơ yếu lý lịch đầy đủ để phường quản lý. Từ đó, mọi việc dần đi vào quy củ, có tổ chức, việc ai nấy làm.
Anh Hùng chia sẻ: “Thành lập Nghiệp đoàn là người bốc xếp có đeo thẻ ở trên ngực, hồ sơ thì công an quản lý nên đâu dám làm bậy, có gì họ tìm về gia đình mình thì vợ con ở nhà nghĩ gì. Vậy nên những người trước đây đánh nhau cũng nắm tay làm huề để cùng nhau kiếm cơm”.
Rồi một lần đang đứng đợi hàng, anh Hùng nghe tiếng hô “cướp, cướp” lại thấy có người thanh niên chạy bạt mạng vào đường ngược chiều theo hướng anh đứng nên anh băng qua đường đạp ngã xe.
Người thanh niên cầm dao ra quơ loạn xạ rồi quăng xe bỏ chạy thì anh Hùng dí theo tóm gọn ngay sau đó cùng sợi dây chuyền vàng tang vật đang cầm trên tay.
“Lần khác, có ông Tây đang cầm điện thoại chụp ngoài cổng chợ thì hai thằng đi xe máy chạy tới, thằng ngồi sau giật phăng cái điện thoại trong nháy mắt. Ông Tây chưa kịp phản ứng thì người dân đã la lên, sẵn đang đứng gần đó tui chạy theo quật ngã rồi đưa về phường”, anh Hùng kể thêm.
Anh Hùng bốc xếp ở chợ Bình Tây đã được 9 năm Ảnh: Vũ Phượng
Chúng tôi hỏi đùa rằng anh có võ hay sao lại liều thế, anh Hùng cười: “Võ gì đâu, ngày nhỏ mình chơi rượt bắt thì nay cứ vậy mà rượt thôi. Nơi mình kiếm tiền không thể để cho tụi nó kiếm chuyện được. Đầy đủ tay chân mà lại đi ăn cắp là không chấp nhận được. Còn mình rượt theo có té thì trầy tay chân xíu vài ba hôm nó lành”.
Từ ngày di dời sang chợ tạm, công việc của anh bị giảm đi vì tiểu thương không nhập nhiều hàng Ảnh: Vũ Phượng
Cứ vậy cho đến nay anh Hùng đã bắt được gần 20 tên trộm, cướp để giao cho Công an. Tiếng lành đồn xa, cả khu chợ ai cũng “quen mặt” anh với hành động nghĩa hiệp. Anh cũng được Công an phường giới thiệu vào Tổ bảo vệ dân phố tại khu vực chợ.
‘Ba đi bắt cướp cho con theo với!’
Ngồi tiếp chuyện nhưng đôi mắt anh Hùng vẫn luôn quan sát xung quanh, anh nói trộm, cướp toàn canh gần trưa và xế chiều để “ra tay” nên có khi đến giờ là mấy tên đó đi dò la tình hình.
Mỗi lượt vác từ cổng chợ vào sạp, anh được trả 5.000 đồng Ảnh: Vũ Phượng
Theo anh Hùng, tại chợ nhiều người đi chợ dựng xe rồi quay vô mua đồ, chưa đầy 10 giây quay lại là mất xe; khách du lịch thì giơ điện thoại hay máy ảnh lên chụp mà cầm hời hợt, trộm cướp cũng giật ngay; mấy thùng hàng của tiểu thương đang bày bán mà lợi dụng lúc đông, trộm đi qua cũng mỗi tên rinh một thùng,…
“Nếu mọi người cẩn thận bảo vệ tài sản của mình hơn chút nữa thì trộm cướp cũng bó tay thôi”, anh Hùng nói.

tin liên quan

CSGT phóng mô tô đuổi bắt trộm như phim trên quốc lộ
Thấy người dân vừa đuổi theo một thanh niên vừa tri hô 'cướp, cướp', các cán bộ trạm CSGT Đa Phước (thuộc PC67, Công an TP.HCM) đã đuổi theo với tốc độ rất nhanh và ép sát khống chế tên trộm xe táo tợn.
Chúng tôi hỏi về gia đình, mắt anh Hùng sáng lên đầy tự hào khi kể về mái ấm nhỏ của mình: “Mỗi lần về nói với vợ nay bắt được một tên cướp nào giao công an là vợ lại kiểm tra khắp người xem có bị sao không, sau đó nói giọng vừa giận vừa quan tâm rằng phải cẩn thận vì sợ bị dính xì ke hay trả thù. Còn thằng con trai lớn thì cứ kêu ba kể bắt cướp là bắt như thế nào, giống trong phim không, chừng nào ba đi bắt cướp cho con theo với. Đó chính là động lực lớn nhất của đời tui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.