Nói du lịch mất khách vì giá vé máy bay là chỉ 'nhìn cái chân của con voi'

17/05/2024 13:28 GMT+7

Đó là ví von của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp khi nói về câu chuyện giá vé máy bay tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (17.5).

Bay nước ngoài có thật sự rẻ hơn bay trong nước?

Mở đầu phần phát biểu, ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định hàng không và du lịch là 2 cánh của 1 chiếc máy bay, tác động hữu cơ, kết nối chặt chẽ với nhau trong nhiều năm. Thời gian qua, có nhiều thông tin sai lệch, sau đó biến thành quy chụp dẫn đến nhiều người hiểu nhầm rằng ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi 1 mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch.

Nói du lịch mất khách vì giá vé máy bay là chỉ 'nhìn cái chân của con voi'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích chi tiết vấn đề giá vé máy bay tác động thế nào tới ngành du lịch

NHẬT THỊNH

Đặc biệt, nhiều dẫn chứng các đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến. Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp cũng chỉ ra rằng thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019.

Chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay. Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000 - 4.000 USD, giờ phải 9.000 - 11.000 USD. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750 - 900 USD lên từ 1.700 - 2.100 USD tùy từng thời điểm.

"Giá vé máy bay cả thế giới đều tăng chứ không chỉ Việt Nam. Vì thế, nếu nói bay quốc tế rẻ hơn bay nội địa là chưa thật sự theo sát ngành. Hiện nay chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan giá mềm, nhưng đó là nhờ họ tổ chức du lịch theo từng gói, sản phẩm 3 trong 1; 4 trong 1. Mỗi cấu phần đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành 1 gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được" - ông Nguyễn Quốc Kỳ chỉ rõ.

Phân tích rõ hơn về thị trường hàng không hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp cho biết tổng tải thị trường mất khoảng 50 máy bay. Cung giảm nhưng cầu vẫn tăng vì nhu cầu dịch chuyển, nhu cầu du lịch sau dịch tăng rất nhanh, mạnh. Trong khi đó, bộ sản phẩm ngành du lịch hiện nay tổ chức là hình que, theo trục bắc - nam, không có bộ sản phẩm hình nan hoa nên gần như hàng không "gánh" hết, rất khó san sẻ được với đường bộ và đường sắt. Các phương tiện khác chen vào rất khó. Đây là bài toán chung của cả hàng không và du lịch.

Trong bối cảnh đó, gần như toàn bộ công nghệ phục vụ bay và phương tiện bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đều ở dạng thuê mua, rất ít người sở hữu nguyên chiếc máy bay. Từ phần mềm bay, hệ thống check in - check out, phần mềm từ bay trên bầu trời cho đến quản lý dưới mặt đất, từ sửa chữa động cơ cho đến trang thiết bị…, mọi thứ đều phải đi thuê, chúng ta không làm chủ công nghệ lõi. Toàn bộ hoạt động là thuê mua thì tất nhiên chi phí rất cao và mình bị động. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ gọi đó là bay gia công. Cũng như ngành dệt may, toàn bộ trang thiết bị, nguyên vật liệu là mang từ nước ngoài về. Ngành may lấy công làm lãi thì giờ hoạt động bay cũng gần như lấy công làm lãi. Một ngành kinh tế quan trọng như vậy mà chúng ta không nắm được gì thì sẽ bị ép khắp nơi. Bay càng nhiều càng lỗ, các hãng hiện đều phải lấy lời từ những dịch vụ phụ trợ khác. Trên thế giới không có quốc gia nào mà tất cả các hãng hàng không đều lỗ đến "ná thở" như Việt Nam hiện nay. 

"Nói vậy để thấy, không phải các hãng hàng không đang cố bán vé cao để lấy lời cao. Còn về du lịch, đây là ngành kinh tế tổng hợp nên để kéo khách đi, cần tổng hòa từ nhiều yếu tố. Một số điểm quản lý du lịch không tốt, để môi trường nhếch nhác, an ninh kém thì dù vé máy bay giá rẻ khách họ cũng không đến. Vì thế, nói giá vé máy bay cao khiến khách không đi du lịch chỉ là xem chân của con voi, chưa thấy hết được tổng thể" - ông Kỳ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Kỳ trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại hội thảo

NHẬT THỊNH


Phân khúc từng thị trường để hạ nhiệt cho hàng không

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, hàng không về bản chất vẫn chỉ là một loại phương tiện vận tải công cộng nằm trong tổng thể quy hoạch chiến lược phát triển GTVT quốc gia. Lựa chọn loại hình giao thông công cộng nào, phụ thuộc vào nhu cầu và túi tiền của người sử dụng. Đi xe đạp thì chi phí phải khác xe máy, phải khác ô tô, đi tàu hỏa thì phải khác đi máy bay. Đồng thời, trong phát triển phải tính đến khả năng đáp ứng của hệ thống phương tiện. 

Đơn cử, không để đường sắt - phương tiện đáp ứng khả năng vận chuyển rất tốt nhưng nhu cầu sử dụng thấp; trong khi hàng không cầu thấp hơn cung nhưng lại "đòi" vé thật rẻ để có thêm thật nhiều hành khách. Như vậy vi phạm lợi ích hài hòa giữa các phương tiện trong tổng thể quy hoạch chiến lược.

Dự báo xu hướng sắp tới, "ông chủ" Vietravel Airlines khẳng định tình trạng thiếu máy bay, chi phí đầu vào cao chắc chắn sẽ bủa vây ngành hàng không, ít nhất đến cuối năm. Vì thế, muốn tìm lời giải cho bài toán "hạ nhiệt" vé máy bay thì đòi hỏi sự chung tay của rất nhiều đơn vị.

Cụ thể, các địa phương muốn kích cầu du lịch có thể khuyến khích, xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới địa phương. Các hãng hàng không cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thông qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán,  cho phép trả gối đầu... Đồng thời, giữa các điểm đến, dịch vụ tại chỗ, lữ hành... nên ngồi lại cùng nhau; ngành hàng không cũng liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trên cơ sở có chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các hãng hàng không, từ phía Chính phủ.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.