Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày thứ 13

23/03/2024 11:35 GMT+7

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày thứ 13, tự bào chữa cho mình, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa khóc vừa nói, từ ngày bị bắt bị cáo chưa được gặp gia đình và muốn được gặp gia đình. Nhưng sau khi bị đề nghị 19 - 20 năm tù, bị cáo không dám gặp con, vì xấu hổ.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày thứ 13 (ngày 22.3), phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục phần bào chữa của các luật sư, sau khi Viện KSND TP.HCM luận tội và đề nghị mức án đối với 86 bị cáo.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày thứ 13- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị tổng hợp mức án tử hình

THẢO NHÂN

Theo đó, Trương Mỹ Lan là bị cáo duy nhất bị đề nghị tổng hợp mức án tử hình về 3 tội danh: tham ô tài sản; tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); và tội đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại SCB).

"Mức án đối với bị cáo là quá nặng"

Tại phần bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư cho rằng, dù giữ vị trí lớn trong công ty nhưng bị cáo thực chất chỉ có vai trò như kế toán, bị cáo thụ động trong việc thực hiện các hành vi. Do đó, mức án đối với bị cáo là quá nặng không tương xứng, bị cáo hoàn toàn không có nghiệp vụ về ngân hàng nên các quy buộc đối với bị cáo cũng cần xem xét đánh giá một cách khách quan nhất.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bào chữa: 'Trái tim rỉ máu để SCB hoạt động'

Luật sư cho hay, những công việc bị cáo Hồ Bửu Phương làm thực chất là làm theo những tiền lệ có từ trước, bị cáo cũng hoàn toàn không hề biết nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện "giải quỹ" là tiền được vay trái pháp luật và bị cáo cũng không biết số tiền này được bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng vào mục đích gì.

Từ đó, luật sư của Hồ Bửu Phương đề nghị xem xét lại tình tiết phạm tội có tổ chức đối với bị cáo vì thực chất bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, khi thực hiện hành vi hoàn toàn ý thức được việc sai phạm. Đồng thời đề nghị xem xét lại thiệt hại do hành vi của bị cáo gây ra, chỉ xem xét buộc người nào sử dụng tiền có trách nhiệm phải bồi thường.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày thứ 13- Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa ngày xét xử thứ 13

THẢO NHÂN

Hồ Bửu Phương tự bào chữa cho mình, bị cáo này cho rằng việc quản lý các công ty "ma" là do HĐQT quản lý, bị cáo hoàn toàn không được chia sẻ. Công việc của bị cáo chỉ là tái cấu trúc các dự án cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Phương khai, khi điều tra, bị cáo bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản, bị cáo không hiểu vì sao mình lại tham ô. Sau khi đọc cáo trạng, nhìn tổng thể hành vi của bị cáo không quá nghiêm trọng, nặng nề.

"Nhưng ngày Viện KSND TP.HCM đề nghị bị cáo 19 - 20 năm tù, bị cáo không biết phải nghĩ gì nữa, không biết tại sao. Thời gian tạm giam bị cáo chưa được gặp gỡ gia đình, rất muốn gặp gia đình. Nhưng bị đề nghị xong, bị cáo không dám gặp con, vì xấu hổ", bị cáo Hồ Bửu Phương xúc động vừa khóc vừa nói.

Theo đó, Hồ Bửu Phương bị Viện KSND TP.HCM đề nghị từ 19 - 20 năm tù về tội "tham ô tài sản". Cáo trạng thể hiện bị cáo là người trực tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, phối hợp với một số bị cáo khác lên phương án "giải quỹ" giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 163.000 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 99.000 tỉ đồng.

Cựu Chủ tịch SCB ‘không quậy phá’ bị đề nghị án chung thân, luật sư nói gì?

Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Văn Tường (cựu Giám đốc phòng tái thẩm định SCB) trình bày, bị cáo Tường mục đích ký chỉ nhằm tái cơ cấu các khoản nợ cho SCB chứ không phải vì tư lợi cá nhân, khi thấy sai phạm bị cáo đã quyết định không tiếp tay thực hiện các sai phạm.

Luật sư cho biết, bị cáo Tường sẵn sàng chấp nhận bị điều động đi làm xa hơn 100 km trong khi gia đình hết sức khó khăn.

Cáo buộc thể hiện, từ ngày 28.6.2012 đến ngày 13.5.2013, Võ Văn Tường ký 72 tờ trình tái thẩm định cho 72 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 72 khoản vay tại SCB. Hành vi của Võ Văn Tường đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB 3.877 tỉ đồng.

Luật sư đề nghị xem xét kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân

Còn bị cáo Lê Khánh Hiền (cựu Tổng giám đốc SCB) đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Cáo trạng thể hiện, từ ngày 28.6.2012 - 20.5.2013, Lê Khánh Hiền đã ký hợp thức hồ sơ 72 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 3.877 tỉ đồng. Tại tòa hôm 22.3, sau khi được luật sư bào chữa, bị cáo Lê Khánh Hiền nói rằng việc cơ cấu nợ là giải pháp tình huống để ngân hàng có thể vượt qua những khó khăn. Bị cáo đề nghị xem xét số tiền lãi được tính vào thiệt hại của vụ án là chưa phù hợp, bị cáo đề nghị xem xét lại khoản trích lập dự phòng rủi ro để giảm bớt thiệt hại mà các bị cáo phải chịu.

Luật sư của Lê Khánh Hiền cũng đề nghị xem xét lại số liệu quy buộc trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, về số tiền lãi phạt theo luật sư là trách nhiệm dân sự nên không thể quy buộc trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Luật sư cho rằng, chỉ có Công ty Hoàng Quân thẩm định giá là chưa đảm bảo giá. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, hoàn toàn không được hưởng lợi cá nhân. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo bởi tự nguyện xin nghỉ khi phát hiện những vấn đề bất ổn tại SCB.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.