Hôm qua (8.3) phiên tòa xét xử sơ thẩm bước vào ngày làm việc thứ 4, đã thẩm vấn 32 bị cáo còn lại trong nhóm đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng.
Vụ án sai phạm của Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát có 86 bị cáo bị đưa ra xét xử. Song, ngày khai mạc 5.3, phiên tòa chỉ có 79 bị cáo, do 2 bị cáo bị bệnh xin xét xử vắng mặt; 5 bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, và tòa xét xử vắng mặt.
Trong ngày 7.3, HĐXX đã thẩm vấn 45 bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan. Như vậy, trong 2 ngày 6 và 7.3, HĐXX đã thẩm vấn 84/86 bị cáo. Chỉ còn bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) là chưa bị xét hỏi. Bị cáo Trí bị xét xử về hành vi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Lan 1.000 tỉ đồng sau khi bị cáo này bị bắt.
Phiên tòa cuối ngày 8.3, HĐXX thông báo ngày 11.3 sẽ thẩm vấn Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí, đề nghị bộ phận áp giải đưa bị cáo Trí ra phiên tòa để thẩm vấn.
Xem nhanh 12h ngày 9.3: Trương Mỹ Lan hối lộ trăm tỉ ra sao?
Các nội dung chính trong phiên tòa ngày 8.3:
Nhờ tòa xác nhận vào đơn đi "thu hồi nợ"
Ông Trương Lập Hưng đề nghị HĐXX xác nhận vào đơn về việc bị cáo Trương Mỹ Lan ủy quyền cho ông Hưng và con gái bà Lan đi thu hồi nợ nhằm khắc phục hậu quả.
HĐXX xác định đây là quan hệ dân sự, HĐXX không có nghĩa vụ phải xác nhận vào đơn của bị cáo Lan. Chủ tọa cũng thông báo rõ đây là việc gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan thu hồi các khoản tiền là để nhằm đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án theo quy định pháp luật.
7 bị cáo của 5 công ty thẩm định phát hành chứng thư nâng khống giá trị tài sản
Nằm trong chuỗi thủ đoạn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan, để rút được tiền của SCB, Trương Mỹ Lan phải thông đồng với các công ty thẩm định định giá, để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, nhằm rút tiền của SCB một cách dễ dàng, đúng mục đích của Trương Mỹ Lan.
Như vậy, 7 bị cáo trong 5 công ty thẩm định liên đới chịu trách nhiệm hình sự cùng Trương Mỹ Lan và đồng phạm, gồm: Công ty thẩm định giá Thiên Phú, Công ty TNHH thẩm định giá MHD, Công ty TNHH thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, Công ty CP tư vấn dịch vụ Bất động sản DATC, Công ty CP thẩm định giá EXIM.
Tại tòa, 7 bị cáo liên quan thừa nhận hành vi phạm tội, thẩm định theo yêu cầu của SCB vì muốn tạo công ăn việc làm cho công ty, không hưởng lợi gì.
17 bị cáo nhận tiền của SCB cao nhất 5,2 triệu USD, thấp nhất 1.000 USD
Nhóm 17 bị cáo thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận tiền từ 20 triệu đồng đến 5,2 triệu USD của bị cáo Trương Mỹ Lan và SCB để bưng bít sai phạm của SCB cũng được HĐXX thẩm vấn xong trong ngày 8.3.
17 bị cáo này đều thừa nhận hành vi phạm tội. Trong nhóm nhận tiền này, duy nhất bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II - NHNN) bị xét xử về tội "nhận hối lộ" 5,2 triệu USD; 16 bị cáo còn lại bị xét xử về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tại tòa, Đỗ Thị Nhàn trình bày việc nhận tiền này không hề có sự thỏa thuận, bàn bạc. Bị cáo khai suốt thời gian thanh tra đến khi có quyết định đều không nhận bất kỳ món quà nào. Sau khi hoàn thành kết quả thanh tra, cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền, bị cáo Nhàn từ chối thì Văn nói "đừng làm khó chính mình". Vì thế, bị cáo Nhàn nhận tiền nhưng chưa sử dụng tiền.
Đối với hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", của 16 bị cáo thuộc NHNN nhận tiền ít nhất là 1.000 USD và nhiều nhất là 390.000 USD (cựu Phó chánh thanh tra NHNN Nguyễn Văn Hưng), các bị cáo này đều thừa nhận hành vi nhận tiền để làm trái chức trách, nhiệm vụ, không báo cáo đúng thực trạng tài chính của SCB dẫn đến thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho SCB.
Xem nhanh 20h: Chuyện lạ trong vụ án Trương Mỹ Lan
11 năm 'cống hiến' cho SCB, khi thấy 'không ổn' xin nghỉ, được thưởng 20 tỉ đồng
Nhóm 3 bị cáo "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gồm cựu Trưởng ban kiểm soát SCB Phạm Thu Phong, và Lưu Quốc Thắng; Nguyễn Văn Du (cựu quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN) bày tỏ mong HĐXX đánh giá vai trò để có mức án phù hợp.
Trong đó, bị cáo Phạm Thu Phong trình bày kiểm toán nội bộ không tiếp cận được hồ sơ của SCB do khi kiểm tra, thì được báo hồ sơ đã cung cấp cho tổ thanh tra, kiểm tra khác. Hoặc khi tiếp cận các chi nhánh khác thì hồ sơ không cung cấp đầy đủ nên không đánh giá được hết thực trạng của ngân hàng.
Cũng theo bị cáo Phong, sau 11 năm làm việc, cuối năm 2018, bà thấy "không ổn" và sức khỏe không còn phù hợp nên xin nghỉ. Đồng thời sau khi xin Trương Mỹ Lan cho nghỉ, bị cáo Lan đã thưởng cho Phong 20 tỉ đồng.
Trong nhóm thiếu trách nhiệm, thì bị cáo Du là bị cáo duy nhất thuộc NHNN không nhận tiền của SCB. Du tin tưởng cấp dưới nên thiếu kiểm tra chặt chẽ trước khi ký Kết luận thanh tra số 3959 năm 2018, không phát hiện các sai phạm của SCB thông qua kết quả thanh tra, gây thiệt hại cho SCB.
Chuyện lạ trong vụ án Trương Mỹ Lan: Nghỉ việc được hỗ trợ 20 tỉ
Chu Lập Cơ khai ký khống theo chỉ đạo của vợ - Trương Mỹ Lan
Bị cáo Chu Lập Cơ (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square Việt Nam) bị xét xử về hành vi ký "khống" hồ sơ, thủ tục vay vốn, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo Chu Lập Cơ đã nộp khắc phục 1 tỉ đồng.
Tại tòa, Chu Lập Cơ thừa nhận đã ký một vài biên bản để thế chấp tài sản nhằm giúp SCB vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, Chu Lập Cơ cho rằng các văn bản này bằng tiếng Việt nhưng bị cáo thì không biết tiếng Việt, ký các văn bản này theo yêu cầu của vợ là Trương Mỹ Lan.
Lời khai của chồng bị cáo Trương Mỹ Lan về khối tài sản 'tỉ đô' Times Square
Bình luận (2)
Việc mà xin Tòa xác nhận, và ký không theo chỉ đạo của vợ thì nhiều người nói chắc là mới của một phiên Tòa , còn ai mà nhận tiền để làm trái quy định gây hậu quả thì cứ theo mức độ để nhận lãnh tương xứng ...giờ thì chờ Tỏa nghiên cứu, xem xét,cân nhắc ....đã làm thì buộc phải nhận trách nhiệm , hậu quả thôi...chờ xem tin mới của Báo Thanh niên
Bị cáo Nhàn đúng là nực cười..cứ như em bé ấy hihi