Nằm gần sát nhau, bộ ba Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ga Đà Lạt và Nha Địa dư tạo thành cụm kiến trúc tiêu biểu cho giai đoạn hình thành "đô thị châu Âu thu nhỏ" tại thành phố cao nguyên này.
Sở Địa dư Đông Dương thành lập năm 1894 tại Hà Nội. Năm 1898, Sở từng phát hành bản đồ Đà Nẵng có thể hiện quần đảo Hoàng Sa. Năm 1944, Sở dời lên Đà Lạt, trụ sở do ông Nguyễn Văn Tiếng trúng thầu xây dựng năm 1939 và hoàn thành năm 1943, có nhiệm vụ in ấn các loại bản đồ phục vụ ba nước Đông Dương. Thời VNCH, công trình đổi thành Nha Địa dư quốc gia và sau năm 1975 trở thành Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Đây là nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý của ngành bản đồ VN.
Mang nét kiến trúc Roman (*), công trình có mặt bằng đối xứng, cửa sổ vòm lớn, tường ngoài bằng gạch đá dày gần 1 m tạo cảm giác uy nghi, quyền lực. Mái lợp ngói có độ dốc lớn, nhô lên ở hai đầu hồi tạo liên tưởng dáng núi Lang Bian.
Theo Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng, nội thất có sử dụng hệ vòm cuốn Roman để phân chia không gian, làm "mềm" bớt sự nặng nề, khô cứng của các phòng kỹ thuật cũng như tạo cảm giác hành lang giao thông ngắn lại. Kết cấu mái và sàn nhà làm bằng gỗ lại tạo cảm giác ấm áp, thân thiện cho người sử dụng.
Sảnh chính và sân nối nhau bằng những bậc thang đặt trên hệ kết cấu vòm bằng đá cũng là điểm đặc sắc, khác với những công trình hành chính thông thường. Do đặc thù công việc, nên nơi đây không mở cửa cho khách tham quan.
Năm 2014, công trình bị hỏa hoạn, 1/3 tòa nhà bị thiêu rụi.
(*): phát triển mạnh ở châu Âu từ thế kỷ thứ 10, với tường dày, mặt đứng ít trang trí, cửa sổ vàcửa đi dạng vòm bán nguyệt.
Bình luận (0)