(iHay) Bốn mùa trong năm của ông trưởng thôn mà tôi biết thì mùa mưa lũ khiến ông “xì trét” nhất vì phải vất vả làm cùng lúc vô số việc. Cũng mùa này, chiếc điện thoại cùi bắp có danh bạ cả trăm hộ trong thôn của ông cũng hoạt động hết công suất (từ 6 giờ sáng đến khi gà lên chuồng) chỉ để tiếp dân vụ cứu trợ bão lũ.
Luôn có nhiều đoàn cứu trợ đến trao quà cho các tỉnh miền trung mùa lũ. Trong ảnh là đoàn cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên
|
Nhật ký hoạt động của chiếc điện thoại mà bác trưởng thôn phải kè kè bên người gồm:
Sáng sớm: Điện thoại reo: “Đề nghị bác thông báo cho các hộ bị ngập lụt sáng nay đi nhận quà cứu trợ”. Ông đang mặc quần xà lỏn nhưng đi thông báo luôn và ngay. Lúc này, trong lòng dân, người người, nhà nhà bị ngập lụt phấn khởi không nói nên lời.
Giữa buổi: Điện thoại lại reo (giọng hớn hở): “Bác ơi, đi nhận quà cứu trợ ở đâu bác?” (dù ông vừa thông báo rất cụ thể rồi). Ông lại làm “loa phát thanh” bất đắc dĩ một lần nữa.
Trưa: Điện thoại vẫn reo. Tình huống 1 (giọng hốt hoảng): “Bác ơi, ai nhận quà của tôi rồi mà tôi không thấy?”. Tình huống 2 (giọng hậm hực): “Sao tôi lại không có danh sách được nhận quà hỗ trợ. Ông làm trưởng thôn mà làm như thế à?” (Khổ quá, ông đưa vào danh sách rồi nhưng cấp trên duyệt, bảo ngập “nhà” mới được hỗ trợ, ngập vườn không được).
Qua trưa: Điện thoại tiếp tục reo, lần này vang to hơn lần trước (giọng lo lắng): “Bác, tôi vẫn chưa thấy quà của tôi đâu?”. (Chờ chút, để ông gọi điện hỏi từng hộ xem có ai nhận thay không).
Chiều: Điện thoại reo nữa (giọng ức chế): "Tôi nói ông biết, nếu ông không cho tôi vào danh sách nhận quà hỗ trợ, tôi kiện ông lên huyện”. (Đã giải thích rồi mà vẫn chưa thông).
Cảnh nhận quà cứu trợ tại một tỉnh miền trung
|
Tối: Điện thoại chưa reo nhưng nhà có khách (giọng oang oang): “Nhà tôi cũng ngập lụt, sao tôi không được hỗ trợ”. (Đã đưa cho cả danh sách gốc xem rồi mà vẫn không chịu thông).
Tất nhiên, đó mới chỉ là một ngày hoạt động của chiếc điện thoại bác trưởng thôn mùa này. Chưa kể tới hàng trăm cuộc điện thoại khác, từ trách móc, than vãn đến chửi bới. Bình thường, điện thoại của ông sạc một lần dùng hai ngày nhưng mùa lũ, nửa ngày đã phải sạc để tiếp dân.
Lại ở một góc trời nho nhỏ, mọi người đang hướng về ông trưởng thôn với nhiều giọng điệu khác nhau, ví như “đáng nhẽ tôi cũng được quà cứu trợ, thế mà ông (hẳn là trưởng thôn) không cho tôi vào danh sách” hay “nhà ông A ngập ít lại được quà, nhà tôi ngập nhiều sao không có”.
Liên quan đến điện thoại của ông trưởng thôn, cuộc “chất vấn” ông đã kéo dài vài phút. Sau khi tắt máy, trong tiếng chửi bới, trách móc của các thôn nữ, tên của ông tiếp tục vang lên.
Thế mà ông vẫn thản nhiên. Chả là năm nay các nhà tài trợ phát trực tiếp cho dân, đỡ cho ông phải chạy ngược chạy xuôi cân đo đong đếm từng cân gạo, từng gói mì. Nếu chia không khéo, ông được ăn “cháo chửi” như chơi.
Cơ mà năm nay, cứ hôm nào có đoàn cứu trợ về phát quà, y như rằng hôm đó ông phải ăn vội bát cơm để đi tiếp đoàn, quần ống thấp ống cao đi cho kịp. Phát quà xong, người dân hễ thấy mặt ông trưởng thôn là người ta lại “giáp lá cà” với ông để thắc mắc, để kiện tụng. Thôi thì ông đành tiếp dân trên mọi mặt trận, ở mọi địa hình, trong mọi tình huống (có khi vừa bưng bát cơm thì dân lại đến để hỏi).
Bi hài nhất là chuyện nhà ông B bị ngập và có tên trong danh sách nhận quà cứu trợ. Thế mà khổ thay, đến lúc ông B đã nhận quà xong thì cấp trên lại thông báo không duyệt. Ông trưởng thôn lúc này lại biến thành kẻ “mặt dày” đến tận nhà ông B mong thông cảm để lấy lại suất quà trả lại cho đoàn cứu trợ. Bước chân ông trưởng thôn đi trên đường làng mà vang vọng tiếng oán trách đâu đây.
Lại có ông trưởng thôn nọ, sau nhiều ngày tiếp đoàn cứu trợ đã phải đi mua thuốc đau họng để uống. Hỏi tại sao, ông bảo ông phải nói to để giữ trật tự cho người dân nhận quà cứu trợ suốt cả tuần liền nên bị khản cả giọng. Đấy, có việc người dân nhận quà cũng lộn xộn khiến ông trưởng thôn chỉ còn hình mà mất tiếng. Đêm ngủ ông còn lớ mớ nói sảng “bà con trật tự, trật tự, lần lượt từng người thôi”, làm bà vợ mất ngủ mấy lần. Rõ khổ!
Tận tụy với dân khổ như vậy nhưng mấy ai hiểu, nhất là vào mùa lũ. Có lẽ khi những trận mưa đang đổ xuống, khi ông đang xách đèn để lội nước kiểm tra tình hình mưa lũ trong làng thì ông đã “lên dây cót” để sẵn sàng đối phó với vô vàn tình huống sẽ diễn ra sau lũ. Qua 8 mùa lũ rồi, ông chẳng hề hấn gì chuyện bị xách mé hay chửi oan.
Ông trưởng thôn mà tôi biết chính là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, được việc cấp trên thì mất lòng dân, được lòng dân thì bị cấp trên khiển trách. Chuyện ông trưởng thôn bị người này, người kia đòi “cạch mặt” cũng chẳng còn xa lạ, thậm chí, anh em, họ hàng cũng đến tận nhà trách móc, chửi té tát. Hay chuyện ngày hôm qua ông trưởng thôn đi làm giúp người ta, hôm nay người ta chỉ tay tận mặt chửi cũng là bình thường bởi ông biết rõ, làm việc sao mà vừa hết lòng tất cả.
Bây giờ, ông trưởng thôn lại đi đón đoàn cứu trợ rồi!
Bình luận (0)