Nỗi khổ gia đình Sài Gòn ngập nước trong nhà cả tháng mới rút

18/09/2020 13:25 GMT+7

Căn nhà của bà Lê Thị Thủy nằm trên trong một con hẻm trên đường Trần Thị Mười, huyện Hóc Môn, TP.HCM, ngập nước cả tháng không rút. Bà đã phải đi ở nhà rất lâu mới có thể trở về căn nhà của mình để dọn dẹp khi nước trong nhà có dấu hiệu rút bớt đi.

Tôi đến một con hẻm trên đường Trần Văn Mười (Ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, TP.HCM) vào sau cơn mưa lớn vào chiều tối hôm trước. Gần một ngày sau cơn mưa lớn nhưng nước ở khu vực này vẫn chưa rút nước, nước vẫn lênh láng, mênh mông ngập cả vào nhà người dân.

Nhà ngập cả tháng, phải đi ở nhờ hàng xóm

Con hẻm có 4 hộ dân sinh sống là nhà của bà Lê Thị Thủy (48 tuổi), bà Lê Thị Lên (40 tuổi) bà Lê Thị Long (53 tuổi) và ông Lê Văn Sinh (55 tuổi). Những hộ dân ở đây sinh sống bằng nghề chăn nuôi bò sữa.
Hỏi ra mới biết, vì trên địa bàn đang xây dựng hệ thống cống thoát nước nên gần một tháng qua, bà Thủy và những hộ dân xung quanh phải sống chung với nước ngập nhưng nặng nhất là nhà của bà Thủy vì nền nhà khá thấp và gần ruộng.
Những người dân sinh sống ở đây cho biết trước đây có đợt mưa lớn lịch sử nhưng nước đổ ra ruộng nên không bị ngập, giờ ruộng đầy nước nên trời mưa bao nhiêu là nước chảy vào nhà. Mưa vừa thì tầm 1 tiếng là nước bắt đầu tràn vào nhà dân, nếu mưa lớn chỉ trong vòng 40 phút sẽ bị ngập. Nước tràn vào nhà nhưng hết mưa lại không rút. Gần 1 tháng nay, nhà của bà Thủy bị ngâm trong nước.

Nước ngập cao khiến bà Thủy cùng hai con phải sang nhà đối diện ở nhờ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Thủy dẫn tôi từ đầu hẻm vào trong nhà, nước ngày càng sâu, có nơi đến đầu gối. Nước ngâm lâu ngày nên ngả màu xanh rêu bốc mùi vì lẫn lộn rác và phân động vật.
Dẫn tôi vào ngôi nhà ngập trong nước, bà Thủy rưng rưng kể lại từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ gặp tình trạng ngập như thế này nên không biết phải làm sao. Để tránh ngập, đồ đạc trong nhà của bà đều được kê lên cao bằng gạch, chó mèo nuôi trong nhà cũng kê để nằm tránh nước.
Đi một vòng, tất cả đồ đạc trong nhà đều ngả màu vì bị ngâm trong nước, chân tủ bằng gỗ bung dần ra. Những đồ dùng nặng quá không kê lên được, bà Thủy chỉ còn cách bỏ đi. Gia đình của bà Thủy bị cắt điện để tránh xảy ra sự cố về điện, tất cả đồ điện trong nhà đều không sử dụng được.

Đồ đạc trong nhà đều được kê lên bằng gạch

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Ban đầu chỉ kê một cục gạch, trận mưa sau nước ngập lên kê lên 3 cục gạch, nay mưa nữa nên kê lên 5 cục. Giờ mà mưa nước dâng nữa là bỏ luôn vì kê cao quá bị đổ. Tấm nệm trong nhà ướt đẫm còn không kéo đi nổi”, bà Thủy buồn bã kể lại.

Tất cả đồ dùng sử dụng điện đều không hoạt động được

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Vì không thể nấu ăn hay dùng nhà vệ sinh, từ khi nhà bị ngập bà Thủy cùng hai con phải qua sống tạm ở nhà bà Long. Gần 1 tháng nay, đồ ăn chủ yếu của bà Thủy cùng các con là mì gói và đồ từ thiện được phát.
Nhìn căn nhà ngập trong nước, mắt bà Thủy lại đỏ hoe. Bà tâm sự làm lụng vất vả trước giờ dành dụm cất được căn nhà giờ nhìn nhà ngập trong nước như vậy không đành lòng.
“Tài sản mình làm mấy chục năm giờ ngâm nước như vậy buồn lắm. Ngâm lâu quá nền nhà có khi nó sập luôn. Ở nhờ cũng một thời gian ngắn thôi chứ thời gian dài cũng không biết làm sao giờ. Buồn quá”, bà lau nước mắt.

Nỗi ám ảnh trong ngôi nhà cứ hễ Sài Gòn mưa lớn lại ngập sâu

'Thêm vài cơn mưa nữa chắc phải di cư'

Không chỉ phải ở nhờ nhà hàng xóm, đàn bò sữa 8 con của bà Thủy cũng phải dời qua chuồng của nhà bên cạnh vì chuồng bò của bà bị ngập nước. Những ngày mưa lớn, bà cùng những người trong xóm phải đắp đê tát nước ra khỏi chuồng. Không sử dụng được máy bơm vì không có chỗ thoát nước nên chỉ còn một cách là cho nước vào các chai lớn, giữ cho nền không bị ngập để bò có chỗ ngủ. Giếng trong xóm cũng bị nhiễm bẩn không thể sử dụng.

Những người trong xóm phải đắp đê tát nước để bò có chỗ ngủ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Giờ mà tiếp tục mưa, nước ngập lên nữa bò không có chỗ nằm là bò cũng chết. Bò uống nước cũng đau bụng tiêu chảy cả 4 - 5 con, nhìn lũ bò mình cũng xót xa ghê. Người cũng ngứa nổi mẩn đỏ lên khắp người vì bị dị ứng nước bẩn. Khổ quá, thà nghèo ăn rau ăn trái còn đỡ hơn là tình trạng này”, bà Thủy xót xa.
Nhà không bị ngâm nước nhưng bà Long vẫn buồn rầu nhìn nước ngập phía trước. Mưa lớn nhà bà vẫn bị ngập nhưng lấy máy bơm bơm nước ra được và kê gạch đồ đạc trong nhà. Không sử dụng được nước giếng, bà Long phải mua nước bình về cho việc sinh hoạt trong gia đình nhưng tiết kiệm chỉ nấu ăn, tắm rửa còn quần áo thì vẫn sẽ giặt tạm bằng nước ở giếng.

Nước mênh mông và ô nhiễm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ngày đi làm vất vả, tối về lại sống chung với nước ngập ảnh hưởng sức khỏe, anh Nguyễn Minh Dậy bày tỏ chỉ cần hai cơn mưa nữa thì chắc anh sẽ di cư. Ông Lê Văn Sinh thì phải bán cặp heo đi vì chuồng bị ngập.
Không còn cách nào khác, bà Thủy và những người trong xóm chỉ biết “than trời” vì muốn làm gì cũng phải đợi nước rút xuống mới làm được. Nhưng chính họ cũng không biết được khi nào nước mới rút đi.

Người dân phải bán heo vì chuồng bị ngập

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Thủy bất lực không biết tình trạng sẽ kéo dài bao lâu

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Xuân Thới Hiệp cho biết đã nắm được tình hình và xuống khảo sát những hộ dân bị ngập nặng. Đại diện UBND thông tin địa bàn xã diện tích không lớn, lại đang trong quá trình xây dựng hệ thống thoát nước nên trong quá trình xây dựng bất cập xảy ra là không tránh khỏi.
“Trước đây nước ở ruộng được thoát bằng đường mương nhưng giờ đường mương được đặt ống cống hợp. Theo khảo sát, xã nhận thấy việc bơm nước không ổn nên đề xuất dỡ cống hợp với chủ đầu tư mở nắp hố ga lên để có lối thoát nước. Nhưng thấy vẫn chưa hiệu nghiệm, nước vẫn ngập nên đề nghị dỡ một đoạn cống hợp cho nước xuống sau này ổn định sẽ làm lại. Phải chấp nhận chịu thiệt chứ để giờ nước ngập lên ruộng, vô nhà dân ảnh hưởng đến cây vườn, thú nuôi”, đại diện UBND xã cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.