Nỗi khổ 'mô hình'

05/04/2014 09:50 GMT+7

“Không bao giờ dính vô các loại tham quan, học hỏi, hội thảo...” - ông D., chủ một trang trại thanh long ở vùng Đông Nam Bộ “thề độc” với bạn bè.


Thu hoạch thanh long tại một trang trại đạt chuẩn Global GAP ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) - Ảnh minh họa

Cách đây vài năm, trang trại T. thành công trong thực hiện Global GAP cho cây trồng của mình, trở thành một trong những trang trại thanh long đầu tiên ở Việt Nam đạt Global GAP.

Cộng với vốn tiếng Anh lưu loát để trực tiếp trao đổi với khách hàng và tìm những nguồn hàng trên mạng, trang trại xuất khẩu đều đều với giá ổn định.

Ngay cả khi cơn bão dịch hại và yêu cầu của phía Trung Quốc về bao bì và truy xuất nguồn gốc khiến hàng loạt người trồng thanh long lao chao thì ông vẫn vững như đồng, bởi từ lâu đã đáp ứng các yêu cầu còn cao hơn nhiều. Thế nên trang trại thanh long của ông luôn được tỉnh đem ra giới thiệu đầu tiên cho các đoàn công tác, hội thảo, tham quan... trong ngành. Phong trào tham quan này đặc biệt dày đặc cách đây chừng vài năm, khi cơn sốt Global GAP đang rầm rộ khắp các vùng chuyên canh.

Được đem làm hình mẫu tham quan thì cũng vinh dự thật. Nhưng dần dần, ông thấy thiệt thòi nhiều hơn.

Hết đoàn nọ đến đoàn khác, của huyện, của tỉnh, của sở, của T.Ư… đến tham quan. Đã đến tham quan tận vườn, làm sao không có chút quà biếu các đoàn để họ tận thấy sản phẩm Global GAP. Rồi nước nôi tiếp khách và mời cả đoàn ăn trưa... Thời cao điểm, hết đoàn nọ đến đoàn kia, tỉnh nọ đến tỉnh kia liên tục liên tục… Ngành chỉ báo gọn một câu chú chuẩn bị tiếp. Nhưng tiền đâu để “mô hình” tiếp khách (của các ngành) thì ngành im thin thít!

“Tiếp tham quan riết mà sạt nghiệp” - ông nói, không biết bao nhiêu thật, bao nhiêu đùa.

Đó là chưa kể những vị khách quá quắt. Khi thanh long ruột đỏ mới bắt đầu có, giá rất đắt, tới khoảng 50.000 đồng/kg (giá cách đây vài năm), gấp chừng 6 lần thanh long trắng thông thường. Các vị khách ai cũng thích. Thế là không ít vị đến tham quan đã đời rồi yêu cầu ông gởi ra tận Hà Nội một thùng thanh long ruột đỏ ba bốn chục ký tới tận nhà ông ta “để giúp anh giới thiệu sản phẩm”.

Đoàn đến rồi đoàn đi, thanh long cũng lũ lượt đi theo đoàn mà chẳng thấy giới thiệu được mối nào, đơn hàng của ông toàn do ông tự tìm. Chán, ông Global GAP từ chối hết các cuộc tham quan, học hỏi, hội thảo từ cấp huyện trở lên.

Ông chủ vườn thanh long Global GAP sau đó chỉ tiếp đoàn từ cấp xã trở xuống, vì theo ông đó mới là nông dân thiệt, muốn học làm mô hình thiệt. 

Ôi! Những đoàn hội thảo, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm… có biết chăng nỗi khổ “mô hình”?

Hoàng Xuân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Nhà vườn bưởi Năm Roi muốn “buông”… Global Gap
>> Sản xuất cá theo chuẩn Global GAP
>> Xuất khẩu vú sữa Global GAP sang Anh
>> 19 hộ nông dân được nhận bằng Global GAP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.